|
Những mẫu rượu thuốc không có xuất xứ rõ ràng được bày bán tràn lan. |
Tôi là người không sành rượu. Tết này định mua chai rượu ngoại về chưng cho đẹp, sau là để gia đình thưởng thức. Vào các tiệm chuyên bán rượu, được nhân viên giới thiệu đủ loại, xuất xứ Pháp, Đức, Ai Len…, giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng đều có cả. Chai nào cũng được chưng bày bắt mắt, có đầy đủ tem chống hàng giả. Thế nhưng anh bạn đi cùng nói nhỏ vào tai: “Nghe bảo 90% rượu ngoại trên thị trường Việt Nam là giả. Coi chừng “tiền mất tật mang” đó”. Thấy bạn nói có lý, tôi từ bỏ ý định mua rượu ngoại để chuyển sang rượu nội...
Chưa kịp nhờ người quen mua rượu thuốc, đọc báo Bình Định thấy vụ ngộ độc rượu tại Hoài Ân khiến 1 người chết và 17 người phải vào bệnh viện điều trị, tôi lo lắng thật sự. Trước đó, cùng vài ba người bạn vào quán thịt dê, nghe chủ quán giới thiệu đặc sản “ngọc dương tửu” của quán vừa ngon, vừa bổ nên gọi hai xị nhâm nhi. Khi hết rượu, gọi mãi chưa thấy chủ quán bưng thêm, tôi xuống dưới thì thấy vài chục canh 5 lít chất đầy góc bếp, bên trong chứa chất lỏng màu vàng nhạt giống hệt loại rượu đặc sản vừa uống nên băn khoăn không biết “ngọc dương” lấy đâu ra mà lắm thế, quán nhậu nào cũng trữ sẵn đến hàng trăm lít.
Hôm cùng người bạn vào tiệm rượu, thấy vài chục chai rượu ngâm rắn, tắc kè, sâm nhưng giá chỉ trên 100 ngàn đồng. Nhìn kỹ thì đúng là rắn thật, tắc kè thật nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ đâu, nếu mua cũng chưng cho vui chứ chắc chắn không ai đủ can đảm uống.
Đi dọc Quốc lộ 1A đoạn An Nhơn, Tuy Phước, tôi thấy rất nhiều tiệm bày bán rượu Bàu Đá. Nhưng nhiều người dân Bình Định không dám mua bởi không biết xuất xứ, chất lượng sản phẩm như thế nào.
Điều mà tôi băn khoăn là tại sao bao lâu nay các loại rượu không rõ xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng vẫn ngang nhiên bày bán nhưng vẫn chưa bị các cơ quan chức năng “sờ” tới.
|