Kết quả thống kê cho thấy, 10 năm qua, tỉ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh ta (số bé trai/100 bé gái) bình quân là 109-117/100, cao hơn so với tỉ lệ trung bình cả nước (khoảng 110 trai/100 gái). Một trong những nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính là do nhận thức của người dân còn hạn chế, cổ hũ và tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi thông qua một số kỹ thuật về y tế.
Nghị định số 104/2003/NĐ-CP (ngày 16.9.2004) của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số nghiêm cấm các hành vi: Thông báo cho sản phụ biết giới tính thai nhi qua bắt mạch, siêu âm; loại bỏ thai nhi vì giới tính… Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã có quyết định cấm các cơ sở y tế, phòng khám siêu âm công bố giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính.
Thông báo giới tính bằng “tiểu xảo”
Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh ta cho thấy, hiện vẫn còn tình trạng các bác sĩ, nhân viên y tế ở nhiều cơ sở y tế, phòng khám tư nhân tiết lộ giới tính thai nhi cho sản phụ. Để lách luật, các bác sĩ ở các phòng khám không ghi kết quả siêu âm giới tính thai nhi vào giấy khám, nhưng họ lại khéo léo thông báo với các sản phụ theo kiểu: cháu giống bố, cháu giống mẹ; hoặc nếu là con trai thì được thông báo là “cháu có cây gậy”…
Tâm lý của các thai phụ khi đi khám thai, siêu âm 3D, 4D, ngoài việc muốn biết tình trạng thai nhi phát triển bình thường hay dị tật, thì một trong những vấn đề hầu như thai phụ nào cũng muốn biết là con mình trai hay gái. Một bác sĩ của một phòng khám tư nhân ở TP Quy Nhơn cho rằng, mặc dù quy định của Bộ Y tế cấm siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi nhưng có tới 100% sản phụ tới siêu âm từ tháng thứ tư mang thai đều yêu cầu cho biết thai nhi là trai hay gái. Vì vậy, nếu không cho họ biết giới tính thai nhi thì dễ bị mất khách. Do đó để vừa thu hút được khách hàng lại vừa tránh được vi phạm quy định, nhiều bác sĩ đã phải học những “tiểu xảo” đọc giới tính thai nhi.
Cần sự chung sức của cộng đồng
Chính việc siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi tràn lan và do nhận thức của người dân còn hạn chế, cổ hũ, muốn có con trai để nối dõi tông đường nên dẫn đến nhiều hệ lụy. Đó là tình trạng nạo phá thai và mất cân bằng giới tính đang có chiều hướng gia tăng.
Một bác sĩ có thâm niên nhiều năm làm việc trong lĩnh vực sản phụ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, chị đã từng chứng kiến nhiều chuyện đau lòng từ việc phá thai sau khi đi siêu âm chẩn đoán giới tính. Có trường hợp hai vợ chồng độ khoảng 30 tuổi, ở tận An Lão đến TP Quy Nhơn siêu âm để biết chính xác giới tính con vì ở nhà đã có ba cô con gái, chưa có con trai. Sau khi siêu âm được thông báo vẫn là con gái, lập tức cả hai vợ chồng quyết định xin bác sĩ “giải quyết” bào thai luôn dù được nhiều người can ngăn vì thai quá lớn.
Theo các chuyên gia y tế, tỉ số giới tính khi sinh được coi là bình thường nếu dưới mức 108 nam/100 nữ, nhiều huyện trong tỉnh có tỉ số giới tính từ 110 nam/100 nữ trở lên.
Thực tế cho thấy, mất cân bằng giới tính đã gây ra nhiều hậu quả, bao gồm: bất bình đẳng giới, tác động đến các chuẩn mực văn hóa - xã hội, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình và những can thiệp chăm sóc sức khỏe. Kinh nghiệm từ các quốc gia mất cân bằng giới tính khi sinh cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh theo kiểu thừa nam thiếu nữ đã gây nhiều hệ lụy cho đời sống kinh tế- xã hội.
Nhận thức hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, ngành y tế tỉnh ta đã chủ động tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về các giải pháp nhằm hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh tại địa phương. Đặc biệt, trong năm qua, nhiều hoạt động can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã được triển khai như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại cộng đồng; phát tờ rơi; xây dựng câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba; tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh giỏi, nuôi dạy con tốt của phụ nữ sinh con một bề là gái... Tuy nhiên, hiệu quả của các giải pháp trên chưa thể đẩy lùi được tình trạng mất cân bằng giới tính đang gia tăng trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo cân bằng giới tính, bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế, rất cần đến sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành và chính quyền địa phương. Và điều quan trọng nhất vẫn là quan niệm, ý thức của từng người dân trong việc sinh con.
Bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh: Để giữ ổn định tình hình cân bằng giới tính trong tương lai đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, như nâng cao nhận thức về ổn định cân bằng giới tính; chú trọng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, khuyến khích vật chất, tinh thần, nâng cao giá trị, vị thế của người phụ nữ; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các phương pháp kỹ thuật giúp lựa chọn giới tính thai nhi, cấm lạm dụng kỹ thuật chẩn đoán sớm giới tính thai nhi và kiểm tra quy định về nạo phá thai... |
|