|
Được chăm sóc, quây quần bên con cháu là niềm vui, hạnh phúc của bà. Tuy nhiên đừng để điều đó trở thành gánh nặng đối với bà. Ảnh chỉ có tính minh họa |
Khi đã ở tuổi xế chiều, nhiều phụ nữ xem việc giúp con chăm sóc cháu là một việc nên làm, vừa thể hiện tình thương, trách nhiệm, vừa là niềm vui lúc tuổi già. Tuy nhiên, với không ít trường hợp thì đó thực sự là một gánh nặng, sự buồn tủi, bởi con cái phó mặc cho bà nuôi dưỡng cháu.
Mọi việc đã có bà
Chị Kim Châu, ở phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) là con một, được ba mẹ cưng chiều hết mực. Cũng vì vậy, từ nhỏ chị không động chân động tay bất cứ việc gì trong gia đình. Đến khi lấy chồng, chị chẳng nấu nổi một nồi cơm. Khi chị có bầu, mẹ chồng khuyên nên đọc sách hướng dẫn cách làm mẹ, chăm sóc con nhưng chị đều bỏ ngoài tai. Sinh con, khi còn ở cữ, chị Châu lúng ta lúng túng không biết cách chăm con, phó thác hết cho bà ngoại. Khi về nhà chồng, chị nhờ mẹ chồng tắm cháu, cho cháu ăn... với lý do rất ngọt ngào: “Con làm gì cháu cũng khóc, cháu chỉ chịu mỗi một mình bà nội! Chẳng ai biết cách chăm cháu bằng bà…”. Khi nào bà nội bận việc hoặc đau ốm, chị lại ẵm con về “giao” cho bà ngoại, còn mình thì nằm vắt vẻo trên võng xem ti-vi hoặc trang điểm... Thấy con mình càng ngày càng vô tâm vô tính mọi việc gia đình dù đã làm mẹ, bà Ái, mẹ chị Châu buồn rầu: “Cũng tại nó được nuông chiều nên mới “được lừng” như vậy. Lắm lúc tôi đi làm về mệt mà cũng không được nghỉ ngơi, bởi thấy mặt tôi thì nó giao đứa nhỏ liền, đã vậy còn không phụ tôi nấu nướng. Nói thì nó giận hờn, giãy nảy...”.
Còn chị Thanh Liễu (phường Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn) cũng phó mặc mọi việc chăm sóc, nuôi dạy con cho bà Bảy, mẹ ruột của chị, vì lo buôn bán quần áo ở chợ. Chị Liễu kể: “Tầm 3 - 4 giờ chiều, tôi bận dọn hàng bán ở chợ đêm. Tôi về đến nhà có khi đã 1 giờ sáng, các con đều đã đi ngủ. Sáng sớm, khi tôi còn ngủ thì mẹ tôi đã đưa các cháu đi học”. Vì bận rộn như thế nên hầu như việc nhà cửa, bếp núc cho tới việc đưa đón, dạy dỗ con cái, chị Liễu đều nhờ mẹ lo giúp. Bà Bảy lắm lúc than thở: “Hai đứa nhỏ hiếu động lắm mà chỉ có một mình tôi lo nên đôi khi rất mệt, đâu còn thời gian đi chơi hoặc gặp gỡ mấy bà bạn...”. Nhờ mẹ lo lắng chu toàn nên lắm lúc chị Liễu cũng sinh tính ỷ lại. Những khi không đi bán hàng, chị cũng nhờ mẹ tắm hay cho cháu ăn uống bởi “Mẹ quen tính tụi nó rồi nên làm dễ hơn con...”.
Gánh nặng cho bà, không hoàn toàn tốt cho trẻ
Được bà hỗ trợ chăm sóc cháu có nhiều cái lợi: Bà thương yêu, chăm sóc cháu chu đáo; bà có kinh nghiệm trong dạy dỗ cháu điều hay, lẽ phải... Tuy nhiên, với những trường hợp cha mẹ phó thác hoàn toàn việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái cho bà thì không chỉ đơn giản là trao cho mẹ gánh nặng lúc tuổi già, sức yếu mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển, hình thành nhân cách ở trẻ.
Tuổi trẻ bồng bột, chị Hoàng Hà (Phước Hiệp, Tuy Phước) lấy chồng và ly hôn khi mới 20 tuổi. Chị Hà ôm con về nhà mẹ đẻ, nhờ ông bà nuôi giúp để đi làm ăn xa. Sau một thời gian làm việc cho một xưởng may tại TP Hồ Chí Minh, chị lấy chồng và sinh sống luôn ở đó. Mới đầu, vài tháng chị mới về quê thăm con, gởi bà ít tiền. Dần dần, chị phó mặc cho bà chăm sóc, nuôi dạy cháu mà quên luôn chuyện tiền nong. Thấy bè bạn ai cũng có cha mẹ yêu thương, còn mình suốt ngày vò võ với ông bà nên con của chị Hà càng ngày càng bẳn tính, sống khép mình vì tự ti, mặc cảm.
Không chỉ vậy, sự khác biệt trong cách nuôi dạy con cháu của từng thế hệ sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành tính tình của trẻ, từ đó vô tình gây ra những xung đột giữa cha mẹ trẻ và ông bà. Chẳng hạn như việc bà thường nuông chiều, nhân nhượng cho trẻ quá mức.
Vợ chồng anh chị tôi đang lục đục nhau chỉ vì chị dâu phó mặc mọi việc nuôi dạy cháu cho bà ngoại. Nhiều lần, thấy con hỗn, có tính ỷ lại và không tôn trọng người lớn, anh tôi đã răn dạy con, quyết định không gởi ngoại chăm sóc. Bà ngoại xót cháu lại bênh, hờn dỗi khiến tình cảm giữa mẹ vợ và con rể không được như xưa. Còn chị đồng nghiệp thì luôn than thở cách bà ngoại chăm sóc cháu trong việc ăn uống bị sai lệch. Từ nhỏ đến giờ, con chị chỉ biết ăn có hai loại thức ăn: trứng và thịt. Con chị mới học lớp 4 mà gần 50 kg. Dù chị nói thế nào, bà ngoại cũng nhất quyết không cho cháu tập ăn các loại thức ăn khác để ăn kiêng.
Không thể phủ nhận, bà là người có thể chăm sóc cho trẻ an toàn nhất, và được quây quần bên con cháu cũng là niềm vui, hạnh phúc của bà. Tuy nhiên, vai trò và trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy con cái vẫn là của cha mẹ.
|