|
Nằm bệnh viện lâu ngày dễ nhiễm khuẩn bệnh viện. |
Trong số 7,5 triệu bệnh nhân nằm viện hằng năm ở nước ta, có 700.000 người bị nhiễm khuẩn bệnh viện, khiến bệnh chồng bệnh.
Nhiều người bệnh nghĩ rằng đã vào đến bệnh viện (BV) là vô trùng, an toàn mà không lường trước môi trường nơi đây đầy rẫy những mầm bệnh nguy hiểm.
Nhiễm khuẩn từ bác sĩ
Mới đây, anh Lê Ngọc Q. (ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) gửi đơn kêu cứu cho vợ là sản phụ N.N.Q.T (28 tuổi) do tình trạng sức khỏe sau sinh ngày càng xấu. Anh Q. cho biết vợ anh sinh mổ tại một BV sản khoa ở TPHCM nhưng gần cả tháng nay phải mất tiền triệu vì vết mổ cứ bị nhiễm trùng, chảy mủ. Chị T. là một trong những nạn nhân bị nhiễm khuẩn BV.
Các chuyên gia y tế cho biết tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng vết mổ do nhiễm khuẩn từ BV là vấn đề báo động trong các cơ sở y tế hiện nay. Một trong những nguyên nhân bắt nguồn từ việc lây bệnh từ tay nhân viên y tế, bác sĩ. Khảo sát tại một BV nhi ở TPHCM gần đây cho thấy gần 40% nhân viên y tế không rửa tay khi chăm sóc người bệnh.
Cụ thể, khảo sát tại 15 khoa lâm sàng của BV này từ tháng 3 đến tháng 5-2012 với gần 1.000 trường hợp được quan sát, kết quả chỉ có 62% nhân viên y tế thường xuyên rửa tay, trong đó, tỉ lệ rửa tay đúng kỹ thuật chỉ đạt 56%. Trên 70% kỹ thuật viên, bảo mẫu, hộ lý rửa tay thường xuyên, trong khi đó bác sĩ, sinh viên thực tập lại tuân thủ vệ sinh kém (tỉ lệ rửa tay chỉ chiếm 41%-43%).
Kiểm tra ngẫu nhiên 77 nhân viên y tế tại một BV lớn ở TPHCM cũng phát hiện trung bình có 481.000 vi khuẩn/bàn tay hộ lý, có 275.000 vi khuẩn/bàn tay của bác sĩ và nhóm nhân viên điều dưỡng cũng có gần 127.000 vi khuẩn/bàn tay. Tìm hiểu về hàm lượng vi sinh vật có trong không khí của 33 phòng mổ, phòng hồi sức tại 13 BV ở TPHCM, Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM cũng phát hiện gần 80% không đạt tiêu chuẩn.
Theo TS-BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội đồng Chống nhiễm khuẩn TPHCM, cho biết bàn tay của các nhân viên y tế thường nhiễm nhiều loại vi khuẩn gây bệnh và là phương tiện trung gian lan truyền nhiễm khuẩn BV. Nguy cơ lây nhiễm tăng lên gấp nhiều lần khi các nhân viên này tiếp xúc với các chất bài tiết, dịch, máu của người bệnh.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số 522 BV cả nước chỉ 33% có đơn vị kiểm soát nhiễm khuẩn đạt tiêu chuẩn. Càng lên tuyến trên, tỉ lệ nhiễm khuẩn BV càng cao. Tại tuyến dưới, tỉ lệ nhân viên y tế rửa tay chỉ ở mức 20%-30%, sử dụng một đôi găng tay nhưng thăm khám điều trị cho nhiều bệnh nhân.
Công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy cứ 100 người nằm BV thì có khoảng 7 người mắc thêm một bệnh nhiễm trùng mới.
50 loại nhiễm khuẩn bệnh viện
Các chuyên gia y tế cho biết nhiễm khuẩn BV là nhiễm trùng người bệnh mắc phải trong thời gian nằm viện mà nhiễm trùng đó không có triệu chứng lâm sàng hoặc đang ủ bệnh. Đây là loại nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây nên và thường xuất hiện sau 48 giờ nhập viện, dẫn tới nguy cơ bệnh chồng bệnh. Quá tải ở các BV là điều kiện tạo nên nguy cơ nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng.
Ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho rằng có khoảng 50 loại nhiễm khuẩn BV khác nhau có thể xảy ra tại BV. Các nhiễm khuẩn thường gặp là viêm phổi, nhiễm khuẩn vết mổ, tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn vết phỏng…
Theo các chuyên gia y tế, nhiễm khuẩn BV đang là gánh nặng và thách thức cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Gánh chịu hậu quả của tình trạng nhiễm khuẩn BV không ai khác chính là bệnh nhân. Ngoài bị mắc thêm bệnh, gặp nhiều biến chứng, thời gian điều trị dài hơn, bệnh nhân còn đối diện nguy cơ tăng tình trạng đa kháng thuốc, tăng chi phí y tế và tỉ lệ tử vong cao hơn.
Kết quả khảo sát của Bộ Y tế cũng cho thấy trong số 7,5 triệu bệnh nhân nhập viện hằng năm ở nước ta, có gần 700.000 trường hợp nhiễm khuẩn BV (chưa kể số nhân viên y tế bị phơi nhiễm). Bệnh nhân khi bị nhiễm khuẩn BV thường kéo dài thời gian nằm viện từ 9 ngày đến 24 ngày và làm tăng chi phí điều trị trung bình từ 2 triệu đến hơn 32 triệu đồng.
Mỗi cm2 da người có 40.000 vi khuẩn
Theo Bộ Y tế, cách đây vài năm, virus ở bàn tay chính là nguyên nhân khiến cả một lô nhà chung cư tại Hồng Kông nhiễm bệnh SARS. Ổ virus chết người này lây lan cho cả khu vì dùng chung thang máy mà mầm bệnh xuất phát từ cái nút bấm trong thang máy.
Bàn tay là cầu nối để các virus gây bệnh phát tán. Mỗi cm2 da người có đến 40.000 vi khuẩn và con số này cao hơn rất nhiều ở bàn tay. Vì vậy, rửa tay sạch là động tác hiệu quả ngừa bệnh cứu mình, người thân và cả cộng đồng. Rửa tay làm giảm 35% nguy cơ lây truyền bệnh tiêu chảy, 17%-45% nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp, đồng thời phòng những căn bệnh nguy hiểm gây chết người hàng loạt như cúm A/H5N1, SARS, lao... |
. Theo NLĐ |