Khi biết tôi có ý định tìm hiểu về nghề thợ hồ ở phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), ông Trần Ngọc Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường, nhắc: “Nếu muốn đến nhà gặp người dân lấy tư liệu thì nên vào buổi tối, chứ ban ngày chỉ có người già, trẻ con thôi, còn đàn ông, phụ nữ đi làm thợ hồ hết cả rồi!”.
Nhà nhà làm thợ
Theo lời giới thiệu của ông Trần Ngọc Hiền, chúng tôi tìm đến các địa bàn từ khu vực 3 đến khu vực 9, những nơi tập trung số lượng người làm thợ hồ khá đông của phường. Ở đây, hầu như nhà nào cũng có người đi làm thợ hồ, nhà ít thì 2 người, nhà nhiều 3-4 người. Ông Châu Quốc Trung, Khu vực trưởng khu vực 3 đưa ra con số vừa được thống kê trong đầu tháng 10.2012: Hiện khu vực có 697 hộ, với 2.500 nhân khẩu; 50% trong số trên 1.600 người trong độ tuổi lao động đi làm thợ hồ.
|
Nhiều gia đình ở Nhơn Bình, chồng làm thợ chính, vợ theo phụ hồ.
- Trong ảnh: Một cặp vợ chồng ở phường Nhơn Bình đang tham gia xây dựng Nhà vệ sinh công cộng dọc bãi biển đường An Dương Vương (TP Quy Nhơn). Ảnh: N.P |
Mặc dù Nhơn Bình là phường nhưng có trên 80% gia đình làm nông nghiệp. Vì diện tích đất canh tác được chia cho từng người dân ít, cộng với việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nên thời gian nông nhàn nhiều. Nông dân chọn những nghề dùng sức lao động để làm thêm. Từ làm ruộng chuyển sang làm thợ, từ cầm cuốc sang cầm bay, có lẽ cũng không khó nên nhiều người theo nghề thợ hồ. Người chưa biết nghề chỉ cần theo làm phụ 3 - 4 tháng là có thể cầm bay xây, tô tường được. Phụ nữ thì theo phụ hồ. Vì vậy mà rất nhiều gia đình chồng làm thợ, vợ theo phụ. Những năm gần đây, Quy Nhơn xây dựng nhiều công trình nên thợ hồ Nhơn Bình có việc làm thường xuyên, không phải đi xa tìm việc.
Ông Nguyễn Quyền (52 tuổi, ở khu vực 3) cùng vợ là bà Nguyễn Thị An gắn bó với nghề thợ hồ gần 20 năm. Cứ sáng sớm 2 vợ chồng chở nhau xuống các công trình ở nội thành Quy Nhơn làm việc, chồng làm thợ chính tiền công 150 ngàn đồng/ngày, vợ phụ hồ tiền công 110 ngàn đồng/ngày, trưa ăn cơm bụi tại các quán gần công trình, chiều tối lại chở nhau về. Ông Quyền tâm sự: “Cũng may có nghề này nên có thêm thu nhập để trang trải gia đình, lo cho con cái, chứ trông chờ vào 4 sào lúa thì eo hẹp lắm, chịu không nổi đâu. Nghề thợ hồ không quá gò bó về thời gian nên rất tiện, đến mùa lúa thì có thể nghỉ vài ngày lo thu hoạch, gieo sạ xong lại mang bay đến công trình”.
Ông Trần Hữu Thao, 55 tuổi, ở khu vực 6, xuất thân từ phụ hồ, ra thợ… nay trở thành “thầu công” xây dựng các công trình nhà ở. Hiện nay, ông Thao có trong tay 20 - 30 thợ lành nghề, đều ở trong Nhơn Bình. Theo ông Thao, nghề thợ hồ ở đây hình thành theo kiểu ông cha đi làm, con cháu đi theo phụ, dần trưởng thành ra nghề. Phương thức truyền nghề phổ biến vẫn là “cha truyền con nối”, người nọ dạy người kia.
Băn khoăn với nghề
Theo ông Trần Ngọc Hiền, tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh trong một thời gian ngắn đã có những ảnh hưởng đến đời sống người dân Nhơn Bình. Từ năm 2004 đến nay, trên địa bàn phường có trên 200 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi để phục vụ các dự án, với khoảng 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Không còn ruộng, trong khi chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, đào tạo nghề cho người dân nằm trong diện giải tỏa còn quá bất cập, mức hỗ trợ thấp, nên ngày càng nhiều người dân đi làm lao động phổ thông, thợ hồ. Ông Hiền đề xuất: “Trước khi giải tỏa, di dời, các cơ quan liên quan cần khảo sát thật kỹ nhu cầu học nghề của người dân, khi học ra nghề sẽ làm gì, làm ở đâu. Có như vậy, người dân bị thu hồi đất sản xuất mới có cuộc sống ổn định. Chứ không thể hết đất sản xuất, thất nghiệp lại kéo nhau đi làm thợ hồ, dù nghề thợ hồ trong thời gian qua đã góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động của phường”.
Phần lớn các thợ hồ ở phường Nhơn Bình mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng, họ không xem nghề thợ hồ là nghề chính, mưu sinh suốt đời với nó mà chỉ là công việc trong lúc nông nhàn; vì khó ai mà trụ với nghề trong thời gian dài. Ông Đặng Văn Hảo, ở khu vực 3, có thâm niên 15 năm làm thợ hồ, cho hay: “Công việc nặng nhọc, vất vả nên mỗi tháng thợ hồ chỉ làm 20-25 ngày công, còn lại là nghỉ. Làm đến chừng trên 50 tuổi là bỏ nghề, vì sức khỏe không đảm bảo theo nghề”. Thực tế “nghề hồ” ở Nhơn Bình đã hé mở một góc tâm tư của người dân ở vùng ven đô.
|