Mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm và chưa bền vững, tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao, tình trạng viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ vẫn còn phổ biến… là những thách thức lớn trong công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) của huyện An Lão.
Tỉ lệ sinh giảm chậm
Đến nay, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện An Lão đã xây dựng mạng lưới cán bộ chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ ở 10 xã, thị trấn và 71 cộng tác viên ở các thôn, làng. Bà Từ Thị Hà, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện An Lão, cho biết: “Chúng tôi chú trọng chọn những cán bộ chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ và cộng tác viên có năng lực, nhiệt tình, có uy tín với bà con để dễ dàng tiếp cận và tuyên truyền, vận động. Ở cộng đồng dân cư vùng sâu, vùng xa còn đồng bào còn nhiều tập tục lạc hậu, ảnh hưởng không tốt đến công tác DS-KHHGĐ, vì thế các cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ và cộng tác viên DS càng phải tích cực hơn”.
|
Mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên của huyện An Lão giảm chậm và chưa bền vững.
Trong ảnh: Học sinh ở trường mầm non xã An Nghĩa tập viết. Ảnh: vă n lưu |
Ngoài nỗ lực của lực lượng làm công tác chuyên trách và cộng tác viên DS, việc phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể ở địa phương lồng ghép tuyên truyền, đưa các chủ trương và chính sách DS-KHHGĐ đến với người dân, thông qua cách tiếp cận sinh hoạt nhóm, sân khấu, chiếu phim, pano, áp phích… được chú trọng. Nhờ đó, An Lão đã từng bước giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên và đạt được một số kết quả nhất định trong công tác DS-KHHGĐ. Trong năm 2011, huyện An Lão có 46 trẻ sinh con thứ 3 thì 9 tháng đầu năm nay có 29 trẻ là con thứ 3, giảm 18 trẻ.
Tuy nhiên, mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên của huyện giảm chậm và chưa bền vững. Tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao (9 tháng đầu năm 2012 trong 397 cháu sinh ra đã có 214 bé trai), tập trung chủ yếu ở các xã: An Hòa, An Quang, An Tân, An Dũng, An Vinh. Tỉ lệ viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ vẫn còn ở mức cao, trong khi số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai lâm sàng có hiệu quả cao (đặt dụng cụ tử cung, cấy, tiêm tránh thai) còn thấp.
Cần nỗ lực của cả cộng đồng
Nguyên nhân cơ bản của những thách thức và hạn chế nói trên trong công tác DS-KHHGĐ huyện An Lão được xác định là công tác tuyên truyền, vận động chưa thật sự hiệu quả, trong khi người dân vẫn nặng tâm lý “nhất định phải có con trai”. Mặt khác, sự thay đổi bộ máy cán bộ chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ trong 2 năm trước đã tác động không nhỏ vào kết quả thực hiện các chương trình, mục tiêu DS-KHHGĐ trên địa bàn.
Vì thế, trong thời gian tới, An Lão xác định các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể phải vào cuộc mạnh mẽ, tác động thật mạnh để tạo chuyển biến trong cộng đồng, đưa ra các giải pháp mang tính thiết thực, vững chắc để làm tốt công tác DS-KHHGĐ nói chung và hạn chế việc sinh con thứ 3 nói riêng. Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; kịp thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo DS-KHHGĐ các cấp; kiểm tra, rà soát để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch, hương ước, quy ước liên quan đến công tác DS-KHHGĐ; tổ chức phát động ký cam kết thi đua hàng năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. UBND các xã, thị trấn phải có chính sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động DS-KHHGĐ.
Bà Từ Thị Hà nhấn mạnh: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ là hoạt động ưu tiên, nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân, hướng đến hiệu quả bền vững trong các chỉ tiêu DS-KHHGĐ. Trong kế hoạch, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc phối hợp tuyên truyền với Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, Đài Truyền thanh, Trung tâm Y tế và một số ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Việc phối hợp trong tổ chức, chỉ đạo địa phương xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ là cách làm hiệu quả, cần được phát huy”.
|