Nhân ngày Toàn dân mua và sử dụng muối và các chế phẩm có I-ốt (2.11):
Nhiều nguy cơ do thiếu muối I-ốt
20:11', 31/10/ 2012 (GMT+7)

I-ốt là nguyên tố cơ bản để tổng hợp hoóc môn tuyến giáp, rất cần thiết cho sự phát triển của não và các bộ phận khác của cơ thể. Hậu quả của thiếu I-ốt rất nghiêm trọng, đáng nói chúng không biểu hiện nhanh chóng ngay trong một vài ngày mà diễn tiến bệnh âm thầm, dần dần làm chậm sự phát triển trí tuệ và sự tăng trưởng của cơ thể.

Một vấn đề của sức khỏe người dân

Cơ thể con người hấp thụ I-ốt chủ yếu qua thức ăn: khoảng 60% từ thực vật, 30% từ đạm động vật, 10% từ nước uống và không khí. Do hiện tượng xói mòn bởi mưa lũ nên lượng I-ốt có trong thiên nhiên ngày càng giảm. Khi người bị thiếu I-ốt sẽ gây ra một loạt các rối loạn trong cơ thể. Phụ nữ mang thai bị thiếu I-ốt nặng có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, đẻ non. Trẻ do các bà mẹ bị thiếu I-ốt sinh ra có thể mang các khuyết tật bẩm sinh như thiểu năng trí tuệ, điếc, câm, liệt hai chi dưới bẩm sinh, lác mắt, đần độn… Người lớn bị thiếu I-ốt thì chóng mệt mỏi, giảm trí nhớ, bướu cổ và tăng nguy cơ nhiễm xạ trong các sự cố về phóng xạ.

 
Cấp phát muối I-ốt cho người dân ở huyện Tây Sơn.

Năm 2005, Chương trình Quốc gia phòng, chống các rối loạn thiếu I-ốt Việt Nam đã công bố thanh toán tình trạng thiếu I-ốt trong phạm vi toàn quốc. Khi đó, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt tới 93,2%; tỉ lệ bướu cổ trẻ em dưới 5 tuổi còn 3,6%. Từ thực tế trên, năm 2006, Chương trình Quốc gia phòng, chống các rối loạn thiếu I-ốt không còn tồn tại, kinh phí để duy trì hoạt động phòng chống các rối loạn thiếu I-ốt ở địa phương không còn.

Thiếu I-ốt ở nước ta là một vấn đề của sức khỏe cộng đồng. Tại Bình Định, để duy trì thành quả đã đạt được, trong những năm qua được sự quan tâm đầu tư của UBND tỉnh, ngành Y tế đã duy trì triển khai các hoạt động phối hợp truyền thông thay đổi hành vi về mua, sử dụng, bảo quản muối I-ốt; giám sát chất lượng muối đủ tiêu chuẩn phòng bệnh và khám bướu cổ cho học sinh 8-10 tuổi. Hàng năm, Bình Định vẫn duy trì được độ bao phủ muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh trên 90%, tỉ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi dưới 5% và nồng độ I-ốt niệu trên 10µg/dl.

Năm 2012, Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Các rối loạn thiếu I-ốt đã tiến hành khám và cấp thuốc điều trị cho 5.604 học sinh ở 30 trường tiểu học trong tỉnh. Qua đó, đã phát hiện 220 em mắc bệnh bướu cổ, chiếm tỉ lệ 3,92%. Riêng, tại huyện Tây Sơn khám cho 265 em ở Trường Tiểu học Bình Hòa và Vĩnh An, phát hiện 11 em mắc bệnh bướu cổ, chiếm tỉ lệ 4,15%.

Mỗi người cần bao nhiêu lượng I-ốt?

Muối I-ốt dễ bị hỏng sau khi mua về nhà bảo quản không đúng cách. Vì vậy, khi sử dụng nên để trong lọ có nắp đậy hoặc túi nilon buộc kín. I-ốt rất dễ bị bay hơi, nên lưu ý không rang muối I-ốt, không để muối I-ốt gần bếp lửa nóng, hay nơi có ánh nắng chiếu vào.

Bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt có thể phòng được bằng cách bổ sung I-ốt cho cơ thể dựa trên nguyên tắc mọi cộng đồng sống trong vùng thiếu I-ốt phải được bổ sung đủ I-ốt. Đặc biệt chú ý phụ nữ có thai, phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ và trẻ em. Việc hấp thụ I-ốt phải liên tục, đều đặn. Thực tế ở người bình thường cần 100-120 microgram I-ốt/người/ngày. Phụ nữ mang thai cần 150 microgram I-ốt/người/ngày.

Nhiều người băn khoăn việc bổ sung nhiều I-ốt (qua muối I-ốt) liệu có gây nguy hiểm? Hiện nay, hàm lượng I-ốt bổ sung trong muối là 20-40ppm (hay 20-40mcg I-ốt trong 10 gam muối). Nhưng, hàng ngày chúng ta cũng chỉ ăn một lượng muối nhất định. Về mặt sinh lý chuyển hóa trong cơ thể, khi tăng lượng I-ốt ăn vào sẽ xảy ra hiện tượng tự điều chỉnh của tuyến giáp làm giảm quá trình tổng hợp hoóc môn tuyến giáp, như vậy cơ thể có khả năng tự điều hòa khi bị thừa I-ốt.

Phương pháp bổ sung I-ốt cho cơ thể tốt nhất là dùng muối I-ốt, cách dùng giống như muối thường, có thể dùng ướp thịt, cá, muối dưa cà… Lượng I-ốt được trộn vào muối an toàn cho cả người không thiếu I-ốt. Song, những người bị bệnh tim mạch và thận nên giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày để tránh nguy cơ bị tăng huyết áp. Một số người mắc bệnh lý khác nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về quá trình sử dụng muối trong bữa ăn hàng ngày.

  • Bác sĩ CKII HOÀNG XUÂN THUẬN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhật Bản bắt được loài cá độc gấp 50 lần cá nóc  (31/10/2012)
Xây trung tâm khoa học hạt nhân tại Hà Nội  (31/10/2012)
Kiểm nghiệm thuốc lạ trong áo ngực Trung Quốc  (31/10/2012)
Phương pháp mới giúp chẩn đoán ung thư và HIV  (29/10/2012)
Sắp hết thời truyền hình phát gì xem nấy  (28/10/2012)
Tạm giữ áo nịt ngực Trung Quốc nghi có chứa “thuốc lạ”  (28/10/2012)
Quẩn quanh trong tổ   (27/10/2012)
Ấm lòng những bữa cháo nghĩa tình   (27/10/2012)
Chuyện về những gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu  (26/10/2012)
Windows 8 chính thức đến tay người dùng  (26/10/2012)
Moscow đón nhận tên hai nguyên tố mới  (26/10/2012)
Aspirin có thể giúp điều trị bệnh ung thư ruột kết  (26/10/2012)
Bí mật của những người thấy âm thanh  (25/10/2012)
Tạo phôi thai người từ 3 người  (25/10/2012)
Phù Cát: 490 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng  (24/10/2012)