Với sự vào cuộc tích cực của những người làm công tác dân số (DS), bước đầu Phù Mỹ đã có được những kết quả khả quan về giảm quy mô, góp phần nâng cao chất lượng DS. Nhưng, để duy trì những kết quả đó đòi hỏi cả chính quyền, ngành chức năng và từng người dân cộng đồng trách nhiệm cao.
Năm 2010, Phù Mỹ là 1 trong 5 địa phương của tỉnh được triển khai Đề án kiểm soát DS vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2010-2020. Theo đó, Phù Mỹ có 7 xã vùng ven biển được hưởng lợi, với mục tiêu triển khai thực hiện các giải pháp tuyên truyền giảm sinh; cung cấp kịp thời, đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng DS.
|
Chiến dịch lồng ghép tuyên truyền dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ. Ảnh: XUÂN LỘC |
Giảm, nhưng chưa bền vững
Việc triển khai các hoạt động của đề án đã giúp Phù Mỹ cải thiện phần nào tình trạng sinh nhiều con trai ở các xã ven biển. Chị Nguyễn Thanh M., 27 tuổi, ở xã Mỹ An, nói: “Kinh tế gia đình tương đối ổn định nên vợ chồng tôi muốn sinh thêm con thứ ba. Thế nhưng, nhờ có sự phân tích của cán bộ chuyên trách DS, tôi đã tự nguyện đến trạm y tế đặt vòng tránh thai”.
Còn anh Nguyễn Thế T., 35 tuổi, ở xã Mỹ Thọ, chia sẻ: “Tham gia các buổi truyền thông, tư vấn, tôi không những biết nhiều kinh nghiệm trong việc phòng tránh bệnh cho mình và vợ, mà còn được các nhân viên y tế phát hiện những căn bệnh nguy hiểm kịp thời chữa trị, giải tỏa được những chuyện “trục trặc” trong gia đình”.
Ông Nguyễn Văn Liên, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Phù Mỹ, cho biết: “Hiện nay, công tác DS ở các xã ven biển đã có nhiều tín hiệu khả quan. Tình trạng tăng DS do quan niệm kiếm con trai “nối nghề” của bà con vùng biển đã giảm; tỉ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng KHHGĐ và tỉ lệ người tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản cao hơn so với các năm trước... Riêng năm 2012, nhiều địa phương “lo sốt vó” chuyện “rồng con”, thì ở nhiều xã ven biển như Mỹ Thọ, Mỹ Thắng, Mỹ Đức… mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2011”.
Theo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Phù Mỹ, tỉ lệ sinh ở 7 xã ven biển của huyện Phù Mỹ năm sau luôn thấp hơn năm trước. Đơn cử năm 2011, tỉ lệ sinh là 1,42%, giảm 0,07% so với năm 2010, và tiếp tục giảm trong năm nay. Tuy nhiên, ông Liên cũng băn khoăn khi mức sinh ở các xã vùng ven biển vẫn còn cao so với mặt bằng chung toàn huyện và chưa mang tính bền vững.
Nhọc nhằn công tác dân số vùng ven biển
Đến năm 2012, Phù Mỹ có 18/19 xã thị trấn tuyển được cán bộ chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ. Ngoài ra, huyện còn 289 cộng tác viên DS, trong đó có 115 cộng tác viên DS tại 52 thôn thuộc 7 xã ven biển.
Ông Huỳnh Ngọc Sứ - cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Mỹ Thắng, 17 năm gắn bó với nghề “vác tù hàng tổng” - nhớ lại: “Trước đây, điều kiện thông tin đại chúng còn hạn chế, mỗi lần đi tuyên truyền, chúng tôi phải đạp xe đến gõ cửa từng nhà. Giờ, các cộng tác viên DS thuận lợi hơn trong việc tuyên truyền, vận động”.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền DS-KHHGĐ ở các xã ven biển không dễ, phần do quan niệm muốn sinh nhiều con và tìm con trai để làm biển đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân, phần đa số nam thanh niên trong gia đình đều đi biển khơi xa, rất khó tiếp cận. Chị Nguyễn Thị Bích Phượng, cán bộ chuyên trách DS xã Mỹ Thọ, còn nhớ lần đến tuyên truyền gia đình chị Nguyễn Thị T., ở thôn Tân Phụng 2. Mới 40 tuổi, chị T. đã 6 con, nên người tiều tụy và sợ lắm chuyện sinh con đẻ cái. Nhưng, người chồng của chị vẫn một mực “đòi đẻ” cho được thằng con trai. Tới lui nhiều bận, chị Phượng nhận không ít lời nói khó nghe của chồng chị T., nhưng vẫn cố nhịn để vận động thành công. Chị Phượng tâm sự: “Làm dân số phải biết kiên trì, nhẫn nhịn, nhất là với những ông chồng trong đầu chỉ nghĩ làm thế nào để kiếm con trai. Nhưng, khi đã thấm nhiều ông hiểu ra còn giúp mình “bỏ nhỏ” cho cánh nam giới trong thôn. Nhờ đó, ở Mỹ Thọ có thôn Tân Thành có 102 hộ nhiều năm liền không sinh con thứ 3”.
Hay, ở xã Mỹ An, chị Trần Thị Kim Hương, cán bộ chuyên trách dân số xã, chỉ mới làm công việc này cũng đã nghe đủ lời, nào là “tui đẻ tui nuôi, mắc mớ gì đến chị mà lo”, “con gái nó có chồng đi tuốt, phải kiếm một thằng con trai để còn thờ tự chứ!”… Nhưng, nhờ kiên trì vận động của đội ngũ chuyên trách và cộng tác viên DS, trong mấy năm gần đây DS ở 3 thôn biển của Mỹ An là: Xuân Bình, Xuân Thạnh và Xuân Thạnh Nam đã giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Liên cho biết: “Khó khăn vất vả là vậy, nhưng hiện chế độ phụ cấp, tiền lương của các chuyên trách và cộng tác viên làm công tác DS vẫn còn hạn chế. Lực lượng làm công tác DS đã rất nỗ lực bám địa bàn tuyên truyền, vận động; nhưng rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các cấp, ngành và trách nhiệm của mỗi người dân”.
|