|
Khu đền Angkor Wat được tạo nên bởi nhiều viên sa thạch khổng lồ, với khối lượng của nhiều viên lên tới 1,5 tấn. Ảnh: blogspot.com. |
Biện pháp mà người xưa áp dụng để vận chuyển những khối đá sa thạch khổng lồ từ một chân núi để xây Angkor Wat là một bí ẩn trong vài trăm năm qua và mới được giải mã.
Vào thế kỷ 12, vua Suryavarman đệ nhị của đế quốc Khmer ra lệnh xây dựng một khu đền khổng lồ trên một khu đất có diện tích 500 hecta ở thủ đô Angkor. Ban đầu vua Suryavarman muốn xây khu đền để thờ thần Vishnu của đạo Hindu, nhưng các vị vua trong thế kỷ 14 lại quyết định biến nó thành khu đền thờ Phật giáo.
Nhiều nhà khảo cổ ngạc nhiên khi thấy khoảng 5 tới 10 triệu viên gạch sa thạch khổng lồ với khối lượng lên tới 1,5 tấn mỗi viên trong khu đền. Họ biết chúng tới từ những mỏ đá sa thạch ở một chân núi gần đền, nhưng không biết người xưa vận chuyển chúng bằng cách nào. Trước đây một số người đoán người xưa vận chuyển đá qua một kênh nước để đưa chúng qua hồ Tonle Sap bằng thuyền, sau đó họ chèo thuyền ngược dòng một sông để đưa chúng tới vị trí khu đền. Nhưng nếu họ vận chuyển theo lộ trình đó, những khối đá sẽ phải vượt qua khoảng 85 km để tới công trường.
Để tìm hiểu bí quyết của người xưa, Estuo Uchida, một nhà nghiên cứu của Đại học Waseda tại Nhật Bản, cùng các đồng nghiệp khảo sát khu vực xung quanh đền và phát hiện khoảng 50 kênh dẫn nước từ núi dọc theo một đê. Họ cũng phân tích những ảnh vệ tinh của khu vực đó và phát hiện hàng trăm con đường từ các kênh tới ngôi đền. Tổng chiều dài từ các kênh và các đường tới ngôi đền vào khoảng 35 km, ngắn hơn nhiều so với khoảng cách hơn 85 km nếu người xưa vận chuyển đá qua hồ và sông, Livescience đưa tin.
"Hệ thống kênh cho thấy những chuyên gia xây dựng thời xưa đã tạo ra lối tắt để giảm công sức và thời gian trong việc vận chuyển sa thạch từ chân núi tới khu đền. Đó là lý do khiến họ xây xong khu đền trong vài thập kỷ, một khoảng thời gian tương đối ngắn so với quy mô đồ sộ của khu đền", Uchida phát biểu.
. Theo VnExpress |