Kỷ niệm 15 năm Việt Nam hoà mạng internet toàn cầu:
Ông Mai Liêm Trực: "Internet là công trình vĩ đại của nhân loại"
16:44', 19/11/ 2012 (GMT+7)

Hôm nay 19.11, tròn 15 năm Việt Nam kết nối internet toàn cầu. Tiến sĩ Mai Liêm Trực là người có ảnh hưởng to lớn, tạo bước ngoặt trong lịch sử phát triển lĩnh vực này.

Không nhiều trong số gần 31 triệu người dùng Internet Việt Nam biết tới câu chuyện làm sao internet “bùng nổ” và phổ biến đến mức trẻ lên 3 cũng có thể dùng iPad tìm clip chúng thích trên Youtube như hiện nay.

Vị cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Bộ Thông tin & Truyền thông) chính là người đã đưa ra quan điểm mang tính cách mạng về phát triển internet. Ông trở thành người có ảnh hưởng lớn nhất tới sự phát triển internet tại Việt Nam.

 

Tiến sĩ Mai Liêm Trực.

 

Bước ngoặt số hoá

Năm 1987, Việt Nam khai thông trạm thông tin vệ tinh công nghệ phương tây đầu tiên ở TP HCM, đồng thời kết nối với Úc, tự động hoà mạng viễn thông VN với thế giới. “Đó là bước ngoặt lớn trong lịch sử viễn thông Việt Nam”, ông Trực nói, “lần đầu tiên VN thực sự bước vào làm ăn với phương tây về viễn thông trong khi đang bị cấm vận. Đây là bước ngoặt đánh dấu nhiều điều, thứ nhất chúng ta lấy được công nghệ phương tây, thứ 2 mở ra cơ hội kiếm tiền trên công nghệ mới, thứ 3 là thí điểm xem công nghệ hiện đại có vào VN được không, thị trường VN có hấp dẫn với nước ngoài không, và thứ tư là thí nghiệm về việc các công nhân, kỹ sư VN có thể làm chủ được công nghệ hiện đại hay không”.

Trong những năm này (từ 1978- 1992), khái niệm Công nghệ Thông tin (CNTT) thậm chí còn chưa có. Việc lắp đặt trạm viễn thông này là quyết định cực kỳ mạnh mẽ táo bạo, thậm chí dũng cảm trong thời điểm bấy giờ. Lúc đó, VN có chưa đầy 100 ngàn thuê bao điện thoại, và việc bỏ công nghệ analog, đi thẳng vào số hoá ở 2 thành phố lớn là một quyết định mang tính lịch sử.

Do số lượng thuê bao ít, việc thay thế thiết bị, công nghệ, có thể thực hiện rất nhanh. Tháng 11.1990 qua 1 đêm Hà Nội chuyển hoàn toàn sang digital, TP HCM cũng tương tự vào tháng 12.1991.

Tới cuối năm 1992, mới chỉ có một số thành phố như Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định… được số hoá. Cả nước mới có khoảng 500 ngàn thuê bao điện thoại cố định. Di động chưa có, internet chưa có, Việt Nam lúc đó hầu như chưa sản xuất được thiết bị viễn thông, tất cả hầu hết là nhập ngoại. Công nghiệp phần mềm dịch, công nghiệp nội dung số… tất cả hầu như chưa có gì.

Nhưng đó chính là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự đi lên trong CNTT của  VN.

 

Internet đã trở nên thiết yếu với hàng triệu người, trong đó có cả ông Trực.

 

Nắm bắt xu thế công nghệ thế giới: internet

VN là thành viên tham gia sớm các tổ chức viễn thông quốc tế, trong các hội thảo, ông Mai Liêm Trực khi đó là Tổng cục phó Tổng cục Bưu điện, thường trực tiếp đi đàm phán và quan trọng không kém là các cuộc tiếp xúc bên ngoài hội nghị. “Tôi may mắn thạo 4 ngoại ngữ, nên rất chịu khó đi học người ta, thấy người ta phát triển nhanh quá mà mình lạc hậu, tôi hỏi tứ phương để làm sao áp dụng dịch vụ họ đang làm, công nghệ họ làm vào Việt Nam”, ông kể.

Năm 1991, mạng World Wide Web ra đời. Trong các buổi hội thảo quốc tế, ông Trực được biết tới một số công nghệ mới, trong đó có internet, thấy rất hấp dẫn. Thế giới lúc này cũng mới chỉ bắt đầu bước chân vào internet và tiềm năng của internet là rất rõ. Ông nhận định: Đó là một xu hướng công nghệ và VN khi đó có thể đuổi kịp các nước khác, vì CNTT mới chỉ đang bắt đầu trên đà số hoá. Cần tận dụng được thời cơ. Một số nhà khoa học trong nước cũng đã bắt đầu nghiên cứu internet.

Trong năm 1992, viện CNTT bắt đầu sử dụng internet như 1 thuê bao xa của Úc. Những bức thư điện tử đầu tiên bắt đầu được gửi đi, nhận về…

 

Ông Trực trò chuyện với cháu ngoại đang sống ở Mỹ qua ứng dụng Facetime trên iPad.

 

Cuộc vận động đổi mới bền bỉ

Sự nghiệp của ông Trực gắn liền với quan điểm quản lý nổi tiếng và mang tính đột phá: “Năng lực quản lý phải theo kịp với yêu cầu phát triển”, thay cho tư duy quản lý cũ là “quản lý được đến đâu, mở ra đến đó”. Nghe từ ngữ có vẻ đơn giản nhưng sự thực thì đó là “sự trăn trở day dứt rất lớn” của ông. Những quyết sách lớn như đi thẳng vào công nghệ số hiện đại, hay phải làm sao để bưu điện tự kiếm tiền phát triển sau đó tái đầu tư, người bưu điện sống bằng nghề bưu điện… đều vấp phải rất nhiều khó khăn.

Lịch sử viễn thông Việt Nam gắn bó chặt chẽ với các cuộc chiến tranh, với an ninh quốc phòng, cho nên viễn thông rất nhạy cảm với chủ quyền an ninh quốc gia. “Khi tôi báo cáo với thường trực Bộ chính trị về vấn đề internet, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao rất lo lắng. Chúng tôi nhận được văn bản chỉ đạo, rằng quản được đến đâu thì mở đến đấy, làm từ từ. Lúc đó tôi động viên anh em phải chấp hành quan điểm đó thì mới mở được internet, tranh luận mãi sẽ không đi đến đâu cả”, ông Trực kể. Lúc đó, bản thân ông cũng chưa hình dung được hết sự lợi hại của internet.

Ngày 19.11.1997, Lễ kết nối Internet toàn cầu mới biến "giấc mơ internet" của VN thành hiện thực. Nhưng internet lúc đó bị quản lý rất chặt. Không có đại lý internet, café internet, chưa có ADSL, băng rộng, chưa có smartphone, tất cả còn rất hạn chế.

“Để phát triển mạnh internet, thứ nhất phải thuyết phục lãnh đạo cấp cao, thứ 2 là thuyết phục cơ quan chức năng như Bộ công an, Bộ Văn hoá Thông tin”, ông Trực nói, “phải làm sao đưa quan điểm “Năng lực quản lý phải theo kịp với yêu cầu phát triển” thay quan điểm cũ thì mới “cởi trói” được cho internet”.

Sau quá trình thuyết phục bền bỉ, đến tháng 10 năm 2000 quan điểm mới đã thế chỗ quan điểm cũ. Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” ra đời, tạo đà phát triển chóng mặt cho internet sau này.

Internet bùng nổ

Đầu năm 2001, thị trường internet phát triển với tốc độ chóng mặt, café internet như nấm sau mưa, cùng với đấy thì công nghệ phần mềm ra đời, công nghệ thông tin di động VN phát triển. Các thành phần doanh nghiệp tham gia viễn thông internet VN có VDC, FPT, Netnam, Viettel…

Từ một nước tụt hậu công nghệ, VN trở thành quốc gia không thua kém nước nào về viễn thông, internet. Giờ đây, chúng ta đã có 3G, cáp quang biển, vệ tinh, mật độ phổ cập dịch vụ khá cao, giá cả cạnh tranh. Nhiều người nước ngoài ngạc nhiên về sự phát triển thần tốc của CNTT-VT Việt Nam.

Lượng người dùng internet Viêt Nam đã đạt khoảng gần 31 triệu, chiếm khoảng 43% dân số Việt Nam và bằng khoảng 1,4% dân số thế giới, Việt Nam có số lượng người dùng internet nhiều thứ 8 Châu Á, đứng thứ 3 Đông Nam Á (sau Indonesia và Phillipines).

Công trình nhân tạo vĩ đại của nhân loại

Ông Mai Liêm Trực cho rằng, công trình nhân tạo vĩ đại nhất của loài người không phải Kim tự tháp Ai Cập, Vạn Lý Trường Thành, Hải Đăng Alexandria, mà là mạng internet toàn cầu. Internet đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến hàng tỷ người trên hành tinh. Trong bất cứ khoảng cách nào, không gian nào, con người có thể giao tiếp tức thời, nhìn thấy nhau. Đây thực sự là điều kỳ diệu, công trình khoa học công nghệ vĩ đại của nhân loại. Internet đã tạo cho con người thêm một môi trường sống.

Con người có thể  trao đổi thông tin trên các mạng xã hội, thư điện tử, luôn update được những cái mới. “Những người sử dụng internet đã được bổ sung thêm một cuộc sống nữa, cuộc sống online”, ông Trực nói, “Hàng ngày bạn có thể vừa sống offline, online. Trước đây, việc gặp gỡ bạn bè, người thân phụ thuộc vào yếu tố thời gian, không gian, nhưng nay môi trường internet đã làm thay đổi tất cả”.

“Internet không chỉ là một công cụ sản xuất đơn thuần, mà thực sự trở thành phương tiện sản xuất nâng cấp nền văn minh nhân loại. Online đâu phải cuộc sống ảo, đọc báo là đọc báo thật, Chính phủ điện tử là thật, giữa online với offline dần dần thu hẹp ranh giới”.

Bản thân ông, mỗi sáng khi tỉnh dậy, việc đầu tiên lúc còn đang nằm trên giường là cầm iPad lướt mạng một vòng: check mail, đọc thông tin... Năm ngoái, vợ ông phải trải qua một cuộc đại phẫu. Nếu như không liên lạc được với nhau qua facetime thì con cháu ông ở Mỹ đã phải lục tục kéo nhau về, rất tốn thời gian, công sức, tiền bạc...

Đánh giá quá trình 15 năm phát triển, ông Mai Liêm trực cho rằng thách thức lớn nhất đối với những người hoạt động trong lĩnh vực CNTT là làm sao để ứng dụng công nghệ nâng cao sức mạnh làm việc, hiệu quả cho từng người, từng tổ chức, hiệu quả về thời gian, tốc độ... Và quan điểm tiến tới mà ông gọi là 3.0, là quản lý phải thúc đẩy sự phát triển, chứ không chỉ là "theo kịp" như trước…

Cơ sở hạ tầng viễn thông của VN đang rất tốt, cả băng rộng và di động, thách thức lớn nhất là làm sao phát huy được. “Làm sao để VN mạnh lên bằng CNTT chứ không chỉ phát triển mạnh một ngành”, ông Trực nói.

Đây quả là điều đáng suy ngẫm.

. Theo Dân trí

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Chuyện ấy” ở thực vật như thế nào?  (19/11/2012)
Thị trấn Bồng Sơn phòng chống, khống chế bệnh sốt xuất huyết  (18/11/2012)
Tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo  (17/11/2012)
Ra mắt cổng thanh toán thẻ quốc tế cấp 1 tại VN  (16/11/2012)
Công cụ tìm kiếm thuần Việt có thể cạnh tranh với Google  (16/11/2012)
Thế giới công nhận Đà Nẵng có hàm lượng carbon thấp nhất  (16/11/2012)
Tăng cường quản lý trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh tư nhân  (15/11/2012)
“Cầu” nhiều nhưng thiếu “cung”   (14/11/2012)
Thu hồi lô vaccine ngừa bệnh thương hàn  (14/11/2012)
Chăm lo rèn luyện bản thân, thường xuyên tập thể dục thể thao  (13/11/2012)
Phát hiện thêm 65 trường hợp nhiễm HIV mới  (11/11/2012)
Mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường  (11/11/2012)
Tenten.vn trở thành nhà đăng ký tên miền quốc gia “.vn”  (11/11/2012)
Vô tâm!  (10/11/2012)
Làm đẹp sau sinh con  (10/11/2012)