28.899 là số lượng bài dự thi mà Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGÐ) nhận được sau 3 tháng phát động. Con số này đã phần nào nói lên sự quan tâm của người dân trong tỉnh với một vấn nạn khá nhức nhối trong xã hội.
“BLGĐ là nỗi ám ảnh, “bóng đêm” của mỗi nhà, mỗi gia đình, là kẻ thù không đội trời chung với khung cảnh yên ấm của hạnh phúc gia đình. Thật đáng buồn và lo ngại trong khi xã hội ngày càng phát triển, tình trạng BLGĐ lại như xảy ra nhiều hơn, với tính chất nghiêm trọng, phức tạp hơn. Có lẽ chưa bao giờ, tiếng kêu cứu của những nạn nhân bị BLGĐ lại cấp thiết như hiện nay, khi tổ ấm lại trở thành nỗi sợ hãi. Tham gia cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ, tôi thật sự mong muốn được góp một tiếng nói, một lời kêu gọi hãy chung tay ngăn chặn những câu chuyện buồn, những bi kịch sinh ra từ BLGĐ”, đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Hướng nghiệp Phù Mỹ - gửi đến cuộc thi.
|
Nhiều ý kiến đề xuất đưa tiêu chí “không có bạo lực gia đình” thành tiêu chí bắt buộc trong bình xét, công nhận gia đình văn hóa.
- Trong ảnh: Đoàn Bình Định tại Hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ nhất - 2012. |
Vấn đề xã hội nhức nhối
Không chỉ thu lại một số lượng lớn người tham gia, bài dự thi, thành công lớn nhất theo đánh giá của Ban tổ chức, Ban giám khảo cuộc thi này là đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân đối với vấn nạn BLGĐ. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, cho biết: “Thông qua cuộc thi, lời kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội và cán bộ viên chức, người lao động nhằm hạn chế, đẩy lùi và xóa bỏ BLGĐ đã được hồi đáp”.
“Từ cuộc thi này, nhiều biện pháp cụ thể, mang tính áp dụng cao nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình đã được đưa ra” |
Tỉnh đoàn là đơn vị dẫn đầu về số lượng người tham gia cuộc thi với 5.589 bài dự thi. Tiếp theo, các đơn vị thực hiện tốt công tác phát động, triển khai và thu được số lượng bài dự thi đáng kể như Phòng VH-TT huyện Hoài Nhơn (2.964 bài), Công đoàn ngành Y tế (2.746 bài), Phòng VH-TT huyện Tây Sơn (2.588 bài), Phòng VH-TT huyện Hoài Ân (2.555 bài), Phòng VH-TT huyện Tuy Phước (2.136 bài), Phòng VH-TT TP Quy Nhơn (1.683 bài)… Nhiều doanh nghiệp cũng tham gia cuộc thi tích cực, như: Công đoàn Công ty Điện lực Bình Định (541 bài), Công đoàn Tổng Công ty Pisico Bình Định (363 bài), Công đoàn Công ty Khoáng sản Bình Định (190 bài)...
Theo đánh giá của Ban giám khảo, gần 30 ngàn bài dự thi đều là những bài viết tâm huyết, thể hiện sự tìm tòi, hiểu biết về chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới… được trình bày, minh họa sinh động. “Điều này cho thấy cán bộ, công chức, người lao động và người dân đã rất trăn trở cho một vấn đề nhức nhối của xã hội là BLGĐ”, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH-TT&DL, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi, đánh giá.
Chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc
Trong những năm gần đây, công tác phòng, chống BLGÐ rất được tỉnh ta quan tâm, chỉ đạo tăng cường thực hiện. Công tác triển khai thi hành Luật Phòng, chống BLGÐ trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, 100% huyện, thị xã, thành phố xây dựng Ban chỉ đạo phòng, chống BLGÐ. Một số hoạt động trọng tâm, hiệu quả có thể kể đến như: thực hiện “Ðề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; duy trì và mở rộng các mô hình phòng, chống BLGÐ ở Cát Tường (Phù Cát), Ân Mỹ (Hoài Ân) và Ðống Ða (Quy Nhơn)…
Ông NGUYỄN VĂN MINH, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL |
Với câu hỏi về một vụ BLGĐ cụ thể, một tình huống BLGĐ và vận dụng Luật Phòng, chống BLGĐ để giải quyết hoặc viết về một gương gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được nhiều bài viết có ý tứ sâu sắc và xúc động. Nhiều vụ việc, tình huống BLGĐ cả người thật việc thật, lẫn giả định được đưa ra và giải quyết hợp tình hợp lý. Không những nắm vững các điều, khoản Luật Hôn nhân-gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ… nhiều người dự thi còn cho thấy năng khiếu, tiềm năng của một hòa giải viên, tuyên truyền viên cơ sở nếu được khai thác, phát huy.
Đó là “Chuyện nhà chị Hoa” và cách giải quyết mâu thuẫn gia đình thấu tình đạt lý của tác giả Từ Kim Lân (Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh). Đó còn là câu chuyện bóng đêm BLGĐ đè nặng gia đình anh Đ., chị L. mà người dự thi - cô giáo Đặng Thị Mai Thủy (Trường THPT Vĩnh Thạnh) mang đến cuộc thi cùng những giải pháp, đề xuất giải quyết mâu thuẫn của mình… Nhiều tổ ấm hạnh phúc, nhiều gương gia đình văn hóa tiêu biểu đã được giới thiệu, sẻ chia những kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ.
Điều đáng nói, từ cuộc thi này, nhiều biện pháp cụ thể, mang tính áp dụng cao nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng BLGĐ đã được đưa ra. Điểm nổi bật ở hầu hết bài dự thi là đề cao vai trò của cộng đồng trong tố giác, hạn chế, xóa bỏ tình trạng BLGĐ. Chị Đặng Thị Mai Thủy, giáo viên Trường THPT Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng: “Cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng trong việc chung tay phòng, chống BLGĐ. Đừng xem BLGĐ là “chuyện riêng của mỗi nhà” mà đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta”. Hay kiến nghị của tác giả Từ Kim Lân về việc đưa tiêu chí không có BLGĐ thành tiêu chí quan trọng, bắt buộc trong bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa…
|