Nhân ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1.12):
Tiếp sức cho người nhiễm HIV/AIDS
20:59', 30/11/ 2012 (GMT+7)

Mỗi giờ, mỗi ngày trôi qua, nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bền bỉ vượt qua bệnh tật, giành giật từng cơ hội sống một. Trong hành trình gian nan ấy, sự chăm sóc của gia đình, sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là nỗ lực chống lại sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng - là động lực lớn giúp họ thêm tin tưởng, hy vọng vào những cơ hội sẽ đến trong tương lai…

Cuộc chiến gian nan

Năm 1999, trong một lần đi làm ăn xa, ông T.H.T (sn 1965, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) đã thử tiêm chích ma túy. Hai năm sau cái lần duy nhất “thử cho biết” ấy, ông biết mình đã nhiễm virus HIV. Các bệnh cơ hội: dời leo, nấm miệng, loét dạ dày, lao… lập tức tấn công khiến ông héo hon, gầy rộc, suy sụp tinh thần trong một thời gian dài. Phải đến năm 2008, tình trạng sức khỏe của ông mới ổn định khi được sử dụng thuốc đặc trị ARV.

 

Con trai sẽ là động lực để chị Đ.T.N tiếp tục vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới.

Tháng 2.2010, vừa sinh con được một tuần, chị Đ.T.N (sn 1982, ở xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) bàng hoàng, ngơ ngác nhận tin chồng qua đời vì bị AIDS giai đoạn cuối, bản thân chị cũng bị nhiễm virus HIV từ chồng. “Nghỉ học từ rất sớm, lại ít được tiếp xúc với các phương tiện truyền thông đại chúng nên tôi không hiểu gì về HIV/AIDS và sự nguy hiểm của nó. Sau khi nghe bác sĩ giải thích và hướng dẫn, tôi chợt hiểu vì sao mấy năm gần đây, chồng mình đau ốm liên tục, không thuyên giảm dù tôi ra sức chữa chạy. Cùng lúc đó, tôi không còn nhìn thấy ngày mai nữa…”, chị N. nghẹn ngào nhớ lại.

Không chỉ vật lộn với bệnh tật để giành giựt sự sống, những người nhiễm HIV/AIDS còn phải chống chọi với sự ghẻ lạnh, xa lánh của mọi người xung quanh. Với họ, sự kỳ thị còn ghê gớm hơn bệnh tật mắc phải. Chị Đ.T.N quyết định rời nhà mẹ đẻ vì ánh mắt thương hại, miệt thị, thái độ dè chừng của hàng xóm dành cho chị và người thân. Gửi con gái (may mắn không bị nhiễm HIV) về phía nhà chồng, chị dẫn theo con trai riêng, tìm đến một khu đất hẻo lánh, xây một ngôi nhà nhỏ. Những tưởng, sóng gió đã tạm yên khi thưa vắng hơn những lời xì xầm, bàn tán thì một lần nữa, chị N. lại đau thắt ruột gan khi nghe con trai kể, nhiều bạn trong lớp không cho con chơi chung vì có “mẹ SIDA”.

11 năm qua, ông T.H.T không dám kể về căn bệnh của mình với bất kỳ ai, ngoài vợ. Ông T. giãi bày: “Người ta vẫn quy chụp những người bị nhiễm HIV là có vấn đề về đạo đức, lối sống và dành cái nhìn khinh miệt cho chúng tôi, người thân, đặc biệt là con cái. Họ không nghĩ nhiều khi đó chỉ là tai nạn. Tôi rất sợ bị đối xử phân biệt. Nhưng tôi còn sợ người thân của mình, nhất là các con bị đối xử nhiều hơn nhiều lần. Chúng còn quá non nớt, dễ phản ứng tiêu cực khi bị kỳ thị”.

Những điểm tựa

Gặp ông T.H.T vào một sáng cuối tháng 11, tôi bất ngờ trước vẻ ngoài rắn rỏi, khỏe mạnh và nụ cười luôn thường trực trên môi của ông. Ông tự nhận, mình là người may mắn bởi vợ con ông đều không bị lây nhiễm HIV. Và hơn thế, trong cuộc chiến với căn bệnh thế kỷ của mình trong 11 năm qua, ông không đơn độc. Nắm lấy tay vợ, ông bùi ngùi: “Đây là người phụ nữ thép của tôi. Sẽ không còn tôi hôm nay nếu thiếu bà ấy”.

Nhớ lại những ngày tháng đầu tiên cùng ông chống chọi với bệnh tật, vợ ông, bà L.T.C.S không ngăn nổi dòng nước mắt. Nhưng không một lời kể lể, than thở về những khó khăn đã qua, bà chỉ cười nhẹ: “Biết tin mình không bị nhiễm HIV, tôi nghĩ thầm vậy là trời còn chừa cho hai vợ chồng đường sống và lấy đó làm động lực để gánh vác hết thảy mọi việc, lo cho chồng và các con. Bỏ ổng đi thì mang tội với ông bà lắm! Mình cũng đâu có thời gian để mà ngồi than khóc, hờn giận”.

Cô con gái lớn 18 tuổi ngoan hiền, ham học, hiếu thảo cũng là một điểm tựa của ông T.H.T trong phần đời còn lại. Nửa tháng trước, vợ ông đã kể cho con gái về tình trạng bệnh thật sự của cha. Ông T. tâm sự: “Thấy con mình vẫn thông cảm, yêu thương mình, tôi vô cùng hạnh phúc. Con nó thông cảm, thấu hiểu và hết sức yêu thương cha. Hỏi có mấy ai may mắn như tôi không?”.

Cũng giống như ông T.H.T, động lực để chị Đ.T.N giữ gìn sức khỏe, can đảm sống và làm việc là đứa con trai riêng. Cứ nghĩ đến việc sẽ không ai lo con khi mình ngã xuống là chị lại có thêm sức mạnh. Bên cạnh đó, tại nơi ở mới, chị cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của bà con hàng xóm. Dù khá dè dặt vì tin đồn chị bị nhiễm HIV đã truyền đến, nhiều người vẫn cho chị gánh nước, dùng ké điện, xây nhà nợ… Với chị, những sự giúp đỡ này là một động lực để chị tiếp tục vượt qua những khó khăn sắp đến.

Tuy vậy trên thực tế, những người may mắn như ông T., chị N. không nhiều. Dẫu vậy, họ vẫn còn một chỗ dựa tinh thần, một nơi để tìm đến đó là sự quan tâm của các cán bộ chuyên trách HIV/AIDS tại địa phương. Bằng lòng nhiệt tình, các cán bộ chuyên trách gắn bó và chia sẻ với người bệnh mọi lúc mọi nơi vì hơn ai hết họ hiểu người “nhiễm hát” cần lắm sự đồng cảm để được hòa nhập. Một số cán bộ chuyên trách cho rằng cộng đồng nên dành cho những người nhiễm HIV/AIDS nhiều quan tâm hơn, các cơ quan chức năng tăng cường các chế độ hỗ trợ như cấp bảo hiểm y tế, các hỗ trợ về mặt vật chất, triển khai thêm nhiều chương trình hỗ trợ, tuyên truyền để giảm bớt sự kỳ thị trong xã hội…

  • NGUYỄN MUỘI

 

bác sĩ nguyễn thanh truyền, giám đốc trung tâm phòng, chống hiv/aids tỉnh:

“Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”

Việt Nam chọn chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” vì dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan qua quan hệ tình dục, hành vi nguy cơ lây nhiễm trong nhóm người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm còn cao, đặc biệt là gia tăng số người vốn ít nguy cơ như phụ nữ có thai.

* Thưa ông, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra như thế nào?

- Đến ngày 30.10, toàn tỉnh có 842 trường hợp nhiễm HIV; trong đó, số chuyển sang giai đoạn AIDS là 511 người, số chết do AIDS là 310 người. Hàng năm, tỉnh ta phát hiện trung bình khoảng 50 trường hợp nhiễm HIV mới, chưa có dấu hiệu tăng hay giảm rõ rệt. 98/159 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS. 10/11 huyện, thành phố có bệnh nhân HIV/AIDS, trừ huyện An Lão chưa phát hiện người nhiễm. Nguy cơ lây nhiễm qua đường máu (chủ yếu do tiêm chích ma túy) giảm, chiếm 40,6%; qua đường quan hệ tình dục tăng cao chiếm 53,55%.

* Vậy ta sẽ làm gì để đạt được mục tiêu “Hướng tới không còn người nhiễm mới”?

- Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần huy động tất cả sức mạnh cộng đồng, áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả. Trong năm 2013, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh sẽ triển khai 3 dự án lớn.

Thứ nhất là thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng chống HIV/AIDS gồm: tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ phòng, chống HIV/AIDS tại các địa phương; tiếp tục triển khai mở rộng Phong trào “Toàn dân tham gia  phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”; đa dạng hóa loại hình truyền thông, lồng ghép với các chương trình chăm sóc sức khỏe, hoạt động thể thao văn hóa…

Thứ hai, giám sát dịch HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV: mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng các dịch vụ can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm người dễ bị lây nhiễm; tăng cường hệ thống xét nghiệm HIV/AIDS các tuyến, chất lượng hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện…

Thứ ba là hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: mở rộng phạm vi cung cấp, đảm bảo tính liên tục và dễ tiếp cận của dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng virus HIV, điều trị nhiễm trùng cơ hội, điều trị lao cho người nhiễm HIV, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vật chất và tinh thần cho người nhiễm HIV ổn định, hòa nhập và được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng…

* Xin cảm ơn ông!

  • NGUYỄN MUỘI (thực hiện)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nước tồn tại trên sao Thủy  (30/11/2012)
Lật tẩy những lời đồn về ngày tận thế 2012  (30/11/2012)
Thêm một ca tử vong do sốt xuất huyết  (29/11/2012)
Hệ thống quan sát qua vệ tinh: Kết nối hơn 3.000 tàu cá  (29/11/2012)
Khuyến cáo phòng nhiễm virus Hanta từ chuột cống  (29/11/2012)
Sẽ áp dụng "giao thông thông minh" trên các tuyến cao tốc  (29/11/2012)
Việt Nam có hơn 31 triệu người dùng Internet   (29/11/2012)
Phòng bệnh đái tháo đường  (28/11/2012)
Ðảm bảo việc cung cấp thông tin thuận tiện, nhanh chóng  (28/11/2012)
Điện hạt nhân Việt Nam cần có quy chuẩn  (28/11/2012)
Thuỷ điện Sông Tranh, Đồng Nai chờ đáp án đúng   (27/11/2012)
Thả hai con rùa về biển  (26/11/2012)
50% người mắc bệnh xơ gan bị giãn tĩnh mạch thực quản   (26/11/2012)
Đình chỉ thuốc viên nang trị thông huyết điều kinh  (26/11/2012)
Áp dụng thành công phẫu thuật không kháng sinh  (26/11/2012)