|
Bên cạnh việc gần gũi, tâm tình, thương yêu con trong đời thực, việc hiểu con thông qua không gian mạng giúp phụ huynh có thêm kênh thông tin để hiểu con cái nhiều hơn. |
Có con ở xa hoặc con không cởi mở tâm tình với cha mẹ, nhiều bậc phụ huynh chọn cách “kết bạn” với con qua mạng để có cơ hội chuyện trò và thấu hiểu tâm tư tình cảm của con. Xu hướng này ngày càng phổ biến trong nhiều gia đình hiện đại.
Chia sẻ để gắn kết
Từng xem chuyện “chát chít” trên mạng là chuyện của các “teen”, vậy mà ba tháng trước, anh Ngọc, 50 tuổi, ở thị xã An Nhơn, phải nhờ người quen tạo cho mình một tài khoản trên mạng xã hội facebook và tìm hiểu cách đăng tải hình ảnh, cách trò chuyện, bình luận. Anh Ngọc cho biết, vợ chồng anh chỉ có một con trai duy nhất đang là sinh viên năm thứ ba của Trường Đại học Quy Nhơn. Gần hai năm qua, con anh hầu như không chia sẻ tình cảm với cha mẹ, khiến vợ chồng anh rất lo lắng. Một lần tình cờ thấy con mải mê “dạo face”, anh mới nghĩ đến chuyện “kết bạn” với con qua mạng. Nhờ vậy, 3 tháng qua, anh thường xuyên được cập nhật thông tin về cuộc sống của con trai mình.
“Sau khi chấp nhận lời mời kết bạn của tôi, con trai tôi đã cởi mở hơn khi nói về đời sống tinh thần, thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về nhiều vấn đề quan trọng. Thông qua “kênh” này, tôi thấy mình hiểu và yên tâm hơn về con”, anh Ngọc chia sẻ.
Với cô Loan, chủ một tiệm phở trên đường Phan Đình Phùng, TP Quy Nhơn, niềm thương nỗi nhớ cô con gái theo chồng vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống vơi đi rất nhiều nhờ được trò chuyện hàng ngày với con trên mạng. Cô Loan cho biết: “Chúng tôi hẹn nhau nói chuyện qua mạng vào sáng sớm, khi quán phở chưa có khách. Thương nhất là mấy đứa cháu, cứ tranh kể cho bà ngoại nghe đủ thứ chuyện. Được nghe tiếng, thấy hình ảnh con cháu qua webcam hàng ngày, tôi cứ nghĩ con quanh quẩn đâu đây bên mình, chứ không xa đến gần 700 cây số đâu”.
Trong khi đó, không ít bậc phụ huynh lại tá hỏa khi tiếp cận cuộc sống của con qua mạng. Từ ngày con gái ra trường rồi đi làm hai tháng nay, chị Thu, ở đường Quang Trung, huyện Tây Sơn, và con càng khó khăn trong giao tiếp. Được bạn bè tư vấn, chị mày mò tạo tài khoản trên facebook, “truy lùng” tài khoản của con gái. Loay hoay mãi rồi chị cũng tìm ra, và phát hoảng trước những hình ảnh tiệc tùng, với những bình luận “sởn gai ốc”. Chị Thu kể: “Sau một vài lần từ chối lời mời kết bạn của tôi, cuối cùng con cũng đồng ý. Qua nhiều lần kiên trì trò chuyện, tôi cảm thấy con mình đang gặp rất nhiều khó khăn trong môi trường làm việc hiện tại. Tôi đang cố khuyên con tìm công việc khác phù hợp hơn”.
Đồng hành cùng con
Theo Thạc sĩ tâm lý học Đào Thị Hồng, Giảng viên Trường Cao đẳng Bình Định, tâm lý của bạn trẻ theo từng giai đoạn có những chuyển biến khác nhau. Kinh nghiệm sống của nhiều bạn còn non nớt, rất dễ bị sốc tâm lý trước những sự việc bất thường.
Thạc sĩ Hồng phân tích: “Giới trẻ đang chịu rất nhiều áp lực trong học tập, công việc, lại dễ bị quyến rũ bởi quá nhiều loại hình giải trí, thú chơi thời thượng, chưa kể chuyện bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo. Bên cạnh nhiều tiện ích, việc bạn trẻ tiếp xúc thường xuyên với các mạng xã hội cũng có những tác hại nhất định, đặc biệt là các em dễ dàng tiếp cận với những nội dung tiêu cực đầy rẫy trên mạng như “giáo trình dạy tự tử”, “lớp trực tuyến dạy tự tử miễn phí”, những hình ảnh dung tục… Các bậc phụ huynh nên trang bị kiến thức căn bản về internet, tìm hiểu các trang mạng xã hội để tiếp cận các thành viên trẻ trong gia đình, trở thành những người đồng hành với con trên mạng để kịp thời can thiệp, định hướng cho con cái trong cuộc sống”.
Gần đây, không ít phụ huynh đã “hết hồn” khi phát hiện con mình tham gia vào một số nhóm trên mạng có những sinh hoạt không phù hợp với lứa tuổi. Trên facebook, nhiều bạn trẻ còn muốn chơi trội bằng cách tuôn ra những lời lẽ khiêu khích nhau, “nặng đô” hơn là tung ảnh “nóng” của chính mình hoặc bạn bè. Thạc sĩ Đào Thị Hồng cho rằng, khi phụ huynh nhận thấy con mình có thay đổi thất thường về thói quen như ăn uống, ngủ nghỉ, kết bạn, hay phát hiện những biểu hiện lệch lạc trong thế giới mạng của con, nhất thiết không nên vội cấm đoán nghiêm khắc, rất dễ tạo ra tác dụng ngược. Tốt nhất là dành nhiều thời gian quan sát, tìm hiểu, từ đó gần gũi, trò chuyện cởi mở và thẳng thắn với con về “đời sống mạng”, có những lời khuyên chân thành để hướng con đi đúng đường...
|