|
Các điểm phát sáng trên bản đồ mô phỏng những trận động đất xảy ra trong suốt 100 năm qua. Ảnh: Live Sicence |
Một nghiên cứu mới phát hiện, các trận động đất mạnh nhất từng tấn công Trái đất, chẳng hạn như cơn địa chấn mạnh 9 độ Richter làm rung chuyển Nhật Bản hồi năm ngoái, thường xuất hiện tại các “điểm nóng” nhất định trên lớp vỏ hành tinh chúng ta.
Theo bài báo vừa đăng tải trên tạp chí Solid Earth, khoảng 87% trong số 15 trận động đất lớn nhất thế kỷ qua đã xảy ra trong vùng giao cắt giữa những khu vực nhất định trên các mảng đại dương trải dài (có tên gọi chung là các khu vực đứt gãy trên biển) và những vùng hút chìm, nơi một mảng kiến tạo trượt bên dưới một mảng khác.
Để có được kết quả trên, các nhà khoa học đã sử dụng một phương pháp thu thập dữ liệu để tìm ra những mối liên quan giữa các địa điểm xảy ra động đất trong suốt 100 năm qua, cường độ cũng như nguồn gốc địa chất của những cơn địa chấn ấy.
Dưới đáy đại dương có nhiều rặng núi dưới nước chạy ngang dọc, chẳng hạn như núi giữa Đại Tây Dương trải dài theo hướng bắc - nam giữa Mỹ và châu Phi. Các rặng núi này phân chia hai mảng kiến tạo vốn di chuyển tách xa nhau khi dung nham phun trào, đông đặc và tạo ra đá mới. Rặng núi giữa đại dương xê dịch qua lại, tạo ra các đường ranh giới hình ngoằn nghoèo. Các khu vực đứt gãy chính là vết sẹo do quá trình này để lại dưới đáy biển.
Các khu vực đứt gãy thường đặc trưng bằng các rặng núi lớn dưới nước với những thung lũng xen giữa chúng. Hàng triệu năm sau khi hình thành giữa đại dương, các rặng núi này tiến dần dần tới một khu vực hút chìm, thường ở phía bên kia của đại dương.
Các nhà nghiên cứu giả thiết rằng, những rặng núi dưới nước này bị “xé toạc” khi chúng bước vào vùng hút chìm, gây ra áp suất lớn tích tụ qua hàng trăm hoặc hàng ngàn năm trước khi cuối cùng giải phóng và tạo ra những trận động đất lớn.
Các khu vực trên rất dễ xảy ra những “siêu chu kỳ” động đất, nơi các cơn địa chấn dữ dội xuất hiện sau vài trăm hoặc vài ngàn năm, Dietmar Müller – một tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Sydney - nhấn mạnh.
Trang Live Science dẫn lời ông Müller nhận định, rất nhiều trong số các khu vực trên hiện có thể chưa được đánh giá là có nguy cơ đặc biệt, vì các bản đồ cảnh báo nguy cơ địa chấn thường được lập chủ yếu dựa vào những dữ liệu thu thập được sau năm 1900. Chẳng hạn như, trận động đất Tohoku kinh hoàng tấn công Nhật Bản năm 2011 đã không được các bản đồ dự đoán trước là mang tính rủi ro cao.
. Theo VNN |