Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước (CQNN) tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2011-2015. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, việc ứng dụng CNTT trong CQNN sẽ được triển khai đồng bộ nhằm hướng tới mô hình chính quyền điện tử.
Để hướng tới xây dựng mô hình chính quyền điện tử tỉnh Bình Định và đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT trong CQNN, kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT giai đoạn 2011-2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể như: từng bước hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật; đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng và hoàn thiện các hệ thống phần mềm nghiệp vụ nhằm phục vụ cho công tác quản lý, đáp ứng các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử của các CQNN; xây dựng Trung tâm CNTT của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số; xây dựng và hoàn thiện các hệ thống thông tin của tỉnh…
Theo kế hoạch, một số mục tiêu cụ thể đến năm 2015 phải đạt được như: 100% hệ thống mạng tại các cơ quan hành chính nhà nước kết nối bằng cáp quang với mạng diện rộng của tỉnh; 70% các CQNN được trang bị các thiết bị an toàn, bảo mật thông tin; 100% cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên được trang bị máy tính làm việc; 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành qua mạng; 80% văn bản hành chính trong CQNN được lưu chuyển dưới dạng văn bản điện tử qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp trên môi trường mạng; 100% cơ quan hành chính nhà nước có cán bộ chuyên trách CNTT…
Bên cạnh đó, để tạo sự thuận tiện cho người dân, theo lộ trình sẽ triển khai và nhân rộng mô hình một cửa điện tử tại các cơ quan cấp tỉnh, xây dựng các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Các dịch vụ công được ưu tiên cung cấp trực tuyến bao gồm: đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, cấp giấy phép xây dựng, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, cấp giấy phép đầu tư, lao động, việc làm, cấp, đổi giấy phép lái xe, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đăng ký tạm trú, tạm vắng…
Tổng kinh phí được duyệt dự kiến triển khai kế hoạch hơn 50 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 33 tỉ đồng và dự kiến Trung ương hỗ trợ hơn 16,7 tỉ đồng. Để đạt được các mục tiêu, kế hoạch, các giải pháp cụ thể được đưa ra như: nâng cao vai trò chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp, hoàn thiện cơ chế chính sách, năng lực tài chính, nâng cao nhận thức và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực CNTT…
|