Xây dựng đội ngũ cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em:
Ðáp ứng nhu cầu thực tế
21:47', 14/12/ 2012 (GMT+7)

Kỳ họp thứ 5, HÐND tỉnh khóa XI vừa thông qua Ðề án Xây dựng đội ngũ cộng tác viên (CTV) thôn, làng, khu phố làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE). Ðây là một quyết sách sẽ thúc đẩy sự chuyển động tích cực trong công tác BVCSTE vốn tồn tại nhiều khó khăn.

Những năm qua, công tác BVCSTE trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được những kết quả nhất định. Nhiều chỉ tiêu ở các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; giáo dục và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, công tác BVCSTE đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức mới. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn cao (gần 23.000 em, chiếm khoảng 5,7% tổng số trẻ em). Đặc biệt, tình trạng ngược đãi, xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, nhất là đuối nước, cũng ngày càng gia tăng.

 
Chăm sóc trẻ khuyết tật và mồ côi ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh.

“Trắng” cán bộ BVCSTE tuyến cơ sở

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên, trong đó, khủng hoảng nhân lực là một nguyên nhân quan trọng. Từ năm 2007 trở về trước, đội ngũ cán bộ làm công tác BVCSTE được hình thành và ổn định từ tỉnh đến huyện, xã, thôn. Tháng 4.2008, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về trẻ em được chuyển giao cho Sở LĐ-TB&XH. Theo đó, hệ thống làm công tác này cũng có nhiều thay đổi, cấp tỉnh có Phòng BVCSTE; mỗi huyện, xã có 1 cán bộ kiêm nhiệm công tác BVCSTE; riêng đội ngũ CTV về BVCSTE cấp thôn vẫn chưa được hình thành.

Theo Ðề án, 1.563 nhân viên y tế thôn hiện có sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ BVCSTE

Tình trạng khủng hoảng nhân lực kéo dài đã làm cho việc triển khai thực hiện công tác BVCSTE tại cơ sở gặp nhiều trở ngại. Ông Lê Trường Sơn, Phó Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, phân tích: “Mỗi xã thường có 1 cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội và người có công, kiêm luôn BVCSTE, chỉ những xã có dân số đông mới được bố trí 2 người. Tuy nhiên, với những xã có dân số đông như Phước Sơn, dù có tích cực đến mấy thì cán bộ cũng không thể quán xuyến hết công việc. Với công tác BVCSTE, khi hệ thống “chân rết” không còn, tình hình càng khó khăn”. 

Tình trạng thiếu hụt nhân lực cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của các chương trình, dự án trên lĩnh vực BVCSTE. “Khi có những đầu việc mới, chúng tôi triển khai về cán bộ kiêm nhiệm cấp xã, nhưng đến thôn không có người phụ trách thì ùn tắc công việc khá nhiều. Công tác theo dõi, chế độ báo cáo cũng không kịp thời, chưa kể một số trường hợp số liệu thống kê theo kiểu ước chừng, không chuẩn xác”, anh Bùi Duy Diệu, cán bộ phụ trách công tác BVCSTE của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Nhơn, chia sẻ.

Giải bài toán nhân lực

Ðề án sẽ chính thức được triển khai từ ngày 1.1.2013 tại 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, với các mục tiêu: 100% số thôn, làng, khu phố trong tỉnh đều có 1-2 CTV làm công tác BVCSTE; 100% CTV được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn hằng năm. Trong thời gian công tác, CTV được hưởng phụ cấp hằng tháng bằng 0,1 so với mức lương tối thiểu chung hiện hành.

Trước thực tế đó, việc Đề án Xây dựng đội ngũ CTV làm công tác BVCSTE được thông qua đã mở ra cơ hội giải quyết bài toán về nhân lực trong lĩnh vực này. Theo Đề án, 1.563 nhân viên y tế thôn hiện có sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ BVCSTE. Cụ thể, ngoài nhiệm vụ nhân viên y tế thôn, họ sẽ thu thập các thông tin về BVCSTE, phản ánh kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; hỗ trợ cán bộ làm công tác BVCSTE ở cấp xã triển khai các hoạt động như: tuyên truyền Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em và các văn bản khác có liên quan đến công tác BVCSTE, triển khai Tháng hành động vì trẻ em; tổ chức các hội thi, hội thảo, câu lạc bộ về BVCSTE; thực hiện các hoạt động can thiệp và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn…

Sở LĐ-TB&XH sẽ đóng vai trò chủ công trong quá trình thực hiện Đề án, có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, hằng năm Sở cũng xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, CTV làm công tác BVCSTE ở các cấp. Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn trong hệ thống ngành về nội dung lồng ghép các hoạt động của nhân viên y tế thôn với nhiệm vụ của CTV BVCSTE cấp thôn.

Ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Trong thời gian tới, lãnh đạo hai ngành LĐ-TB&XH và Y tế sẽ cùng bàn bạc, thảo luận và đưa ra những hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện để đội ngũ CTV làm tốt nhiệm vụ trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân và BVCSTE trên địa bàn”.

  • NGUYỄN VĂN TRANG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chủ nuôi voi sinh sản được hỗ trợ lên tới 400 triệu đồng  (14/12/2012)
Tiếng Hà Nội sẽ biến mất vì người giúp việc?  (14/12/2012)
Cần đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm  (13/12/2012)
Công bố Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia  (13/12/2012)
Thông tin sữa Meiji nhiễm phóng xạ là không đúng  (13/12/2012)
Hướng đến mô hình chính quyền điện tử   (12/12/2012)
Cần hướng học sinh đến những hoạt động lành mạnh  (12/12/2012)
9 sự kiện thiên văn nổi bật trong năm  (12/12/2012)
Nhà khoa học Nhật Bản, Anh nhận giải Nobel 2012  (11/12/2012)
Công nghệ chế biến “cà phê phân voi”  (11/12/2012)
Triển khai dự án “Nâng cao năng lực ứng phó của phụ nữ với biến đổi khí hậu”  (10/12/2012)
Hé lộ các “điểm nóng” động đất trên thế giới  (10/12/2012)
Quảng Bình: Có hiện tượng dùng thuốc sâu bắt cua  (09/12/2012)
Hôn nhân hên xui  (09/12/2012)
Chuyện nhà thời bão giá  (08/12/2012)