Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2012/NÐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ðo lường, để luật này chính thức được thực thi, góp phần giải quyết những bất cập trong hoạt động đo lường hiện nay.
Theo Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng (TC-ĐL-CL) Bình Định, hiện nay, những vi phạm về ĐL, CL phổ biến trong tỉnh là các cơ sở kinh doanh, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra định kỳ các phương tiện đo; sản phẩm đóng gói sẵn không đạt yêu cầu về định lượng, thực hiện phép đo sai… Mặc dù không nghiêm trọng và không quá phức tạp, nhưng những vi phạm này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người tiêu dùng.
|
Cán bộ Chi cục TC-ĐL-CL đang kiểm định cân phân tích. |
Luật ĐL có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2012 thay thế cho Pháp lệnh ĐL năm 1999. Luật ĐL điều chỉnh toàn bộ các hoạt động liên quan và trực tiếp đến hoạt động ĐL, gồm: hoạt động thiết lập và sử dụng đơn vị đo; thiết lập, duy trì và sử dụng chuẩn ĐL; sản xuất, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; thực hiện phép đo; định lượng đối với hàng đóng gói sẵn; quản lý về ĐL; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan đến ĐL và trách nhiệm của Nhà nước đối với ĐL.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ĐL. Nghị định nêu rõ có hai hình thức thu lợi bất chính do vi phạm pháp luật về ĐL, gồm: thu lợi bất chính từ sản xuất, nhập khẩu, bán hàng đóng gói sẵn và thu lợi bất chính từ thực hiện phép đo trong mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà lượng của hàng hóa, dịch vụ đó có sai số không đạt yêu cầu kỹ thuật ĐL. Qua đó, làm rõ cách xác định khoảng thời gian từ thời điểm bắt đầu có hành vi vi phạm đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm về ĐL.
Theo Nghị định, thời điểm bắt đầu vi phạm pháp luật về ĐL để thu lợi bất chính từ sản xuất, nhập khẩu, bán hàng đóng gói sẵn là thời điểm gần nhất với thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm, và được xác định theo thời điểm bắt đầu bán hàng đóng gói sẵn được thể hiện trên hợp đồng, hóa đơn tài chính, tờ khai hải quan có xác nhận thông quan… Những quy định này giúp cho việc thanh tra, kiểm tra những sai phạm về ĐL sẽ được thực hiện dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng liên quan đến hoạt động ĐL có các quyền như sau: được cung cấp thông tin trung thực về lượng hàng hóa, phương tiện đo; yêu cầu người bán hàng đáp ứng điều kiện quy định để kiểm tra phương tiện đo, thực hiện phép đo, lượng hàng hóa đã mua; yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trợ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ông Lê Hiểu - Chi cục trưởng Chi cục TC-ĐL-CL, cho biết: “Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.12.2012, cũng đồng nghĩa với việc Luật ĐL chính thức được triển khai. Để việc triển khai Luật ĐL đạt hiệu quả, vừa qua, Chi cục TC-ĐL-CL đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật ĐL và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP cho đại biểu các sở, ban, ngành, các phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố; cán bộ theo dõi hoạt động khoa học công nghệ... Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục tiến hành tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến Nghị định đến các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh”.
|