Ðến thời điểm này, Ðề án sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS) đã được triển khai ở 159/159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Dù đã có những kết quả nhất định, nhưng việc triển khai đề án này tại Bình Định còn rất nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia y tế, nếu việc SLTS và SLSS tốt sẽ phát hiện được nhiều trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh thể nặng, bệnh Down... Sau khi được tư vấn về chương trình SLSS, chị Dương Thị Cẩm Thúy, SN 1981, ở thôn An Ngoại, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh đã đồng ý để tiến hành lấy máu gót chân của cậu con trai vừa mới chào đời. Chị Thúy chia sẻ: “Tôi chỉ muốn con mình sinh ra được khỏe mạnh, nên qua nhiều kênh tiếp cận với thông tin, tôi biết tầm quan trọng của việc SLSS để phát hiện và điều trị sớm tật, bệnh cho con. Cũng từng nghe về dịch vụ SLTS để phát hiện bệnh của trẻ ngay từ trong bào thai, nhưng tôi không nghĩ là sản phụ ở các huyện miền núi cũng được tham gia”.
|
Lấy máu gót chân của trẻ sơ sinh tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh để SLSS. |
Tỉ lệ được sàng lọc còn thấp
Vĩnh Thạnh là một trong số ít địa phương làm tốt công tác SLSS. Năm 2010, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai các hoạt động truyền thông về chương trình SLTS và SLSS cho người dân tại 6 xã: Vĩnh Hảo, Vĩnh Quang, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thuận, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hòa. Năm 2011, huyện đã triển khai lấy máu gót chân SLSS cho 40 trẻ sơ sinh, kết quả không có trường hợp nào mắc bệnh.
Năm nay, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục thực hiện chương trình SLSS ở tất cả các xã, thị trấn. Ông Nguyễn Thanh Cam, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Tháng 10 kinh phí chương trình mới “rót” về địa phương nên công tác SLSS diễn ra khá chậm. Đến nay, chúng tôi mới lấy được mẫu máu gót chân của 19 trẻ sơ sinh trên địa bàn, trong tổng số 70 chỉ tiêu được giao. Trong khi đó, hoạt động SLTS vẫn chưa thể triển khai được vì chưa đủ điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất”.
Trong khi đó, thị xã An Nhơn là một trong hai địa phương được chọn triển khai thực hiện chương trình SLTS và SLSS từ năm 2009. Hàng trăm phụ nữ trong diện sinh đẻ đã được nâng cao hiểu biết về sự cần thiết để sàng lọc và chẩn đoán các bệnh lý thai nhi trước sinh. Kết quả đã có trên 90% bà mẹ có thai được thực hiện khám thai định kỳ và tuyên truyền tư vấn về SLTS và SLSS. Riêng trong năm 2011, Trung tâm Y tế thị xã đã thực hiện lấy trên 100 mẫu máu gót chân để tiến hành sàng lọc cho trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Chánh, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã An Nhơn, việc triển khai đề án SLTS và SLSS còn nhiều khó khăn và hạn chế. “Số cán bộ được đào tạo lấy máu gót chân và chẩn đoán trước sinh còn quá ít, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho chẩn đoán trước sinh lại thiếu, nên tỉ lệ thai phụ tham gia thực hiện siêu âm đúng thời điểm để phát hiện các dị tật bẩm sinh còn thấp”, ông Chánh nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: “Trong hai năm qua, đề án mới chỉ tập trung vào thực hiện lấy máu gót chân cho vài trăm trẻ sơ sinh, qua đó phát hiện một số trường hợp thiểu năng tuyến giáp và thiếu men G6PD. Số trẻ được sinh ra hàng năm của tỉnh là hơn 17.000, điều này có nghĩa nhiều trẻ có nguy cơ sinh ra với dị tật vì không được phát hiện sớm…”.
Tăng cường công tác tuyên truyền
SLTS và SLSS đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số. Ðể đề án triển khai có hiệu quả cao, đạt được các mục tiêu đề ra, rất cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp cho các bà mẹ mang thai sinh ra những đứa trẻ thông minh, khỏe mạnh. |
Ngay năm 2011 khi bắt đầu triển khai dịch vụ SLSS và SLTS, nhiều đơn vị y tế không thể thực hiện, dù chỉ tiêu được giao không nhiều. Đơn cử như SLTS, BVĐK tỉnh gần như không thực hiện được, phải trả lại 100 bộ dụng cụ SLTS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh là 35 bộ; về SLSS huyện Vân Canh còn 11 chỉ tiêu chưa thực hiện, Hoài Ân là 40 và Phù Cát là 33 chỉ tiêu.
Năm 2012, chỉ tiêu phân bổ về cho Bình Định là SLTS 500 trường hợp và SLSS 2.000 trường hợp. Tuy nhiên, đến thời điểm này ước thực hiện chừng một nửa SLSS, SLTS càng khó hơn. Theo một bác sĩ ở BVĐK tỉnh, nhiều sản phụ khi đi siêu âm chỉ chăm chăm muốn biết là con trai hay con gái. Họ không quan tâm đến khám thai định kỳ cũng như chọn đúng thời điểm siêu âm để phát hiện dị tật. Còn khi con được sinh ra, có người cho rằng, cha mẹ hoàn toàn khỏe mạnh, con sinh ra ắt phải khỏe mạnh, không cần làm xét nghiệm. Khó khăn nữa là kiến thức và khả năng tuyên truyền, tư vấn của cán bộ dân số ở cơ sở còn hạn chế…
Ông Nguyễn Văn Quang cho biết, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức tư vấn cộng đồng, truyền thông giáo dục sức khỏe về tầm quan trọng và lợi ích của chương trình SLTS và SLSS, tư vấn và theo dõi các trường hợp có nguy cơ cao. Điều quan trọng nhất là các sản phụ cần có kiến thức tốt về thai nghén và thái độ đúng đắn trong sàng lọc.
|