Phụ nữ An Lão giúp nhau thoát nghèo
21:44', 22/12/ 2012 (GMT+7)

Hiện nay, đời sống của phụ nữ ở huyện An Lão còn gặp rất nhiều khó khăn. Muốn thoát khỏi đói nghèo, họ phải có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Xuất phát từ nhu cầu, quyền lợi chính đáng của chị em, những năm qua, các cấp hội phụ nữ huyện An Lão đã có nhiều hình thức khai thác vốn, từng bước đáp ứng nguyện vọng phát triển kinh tế gia đình của chị em.

Sử dụng vốn vay hiệu quả

Xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, năm 2012, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện đã đề ra kế hoạch, lập nhiều dự án tín chấp cho trên 2.350 hộ phụ nữ vay hơn 60 tỉ đồng từ các nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng.

 

Cuộc sống của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số đã khá lên nhờ biết vay vốn làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

- Trong ảnh: Gia đình chị Ganh, xã An Trung, đã thoát nghèo nên lại giúp đỡ chị em khó khăn ở cùng thôn.

Chị Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện An Lão, cho biết: “Hội đặc biệt quan tâm hỗ trợ vốn cho những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hướng dẫn cho từng chi hội thành lập các tổ phụ nữ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách - xã hội để đầu tư chăn nuôi bò lai, trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày có hiệu quả. Hội còn phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn hướng dẫn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn chị em cách quản lý và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Nhờ vậy, phụ nữ là người dân tộc thiểu số đã mạnh dạn hơn trong việc vay vốn phát triển sản xuất”.

Điển hình như chị Đinh Thị Điểm, dân tộc Hrê, ở xã An Vinh, đã mạnh dạn vay vốn sản xuất, làm ăn có hiệu quả. Trước đây, dù chịu khó nhưng hễ chị trồng cây, làm ruộng, nuôi cá, nuôi heo, nuôi bò… đều thất bại. Khi tham gia công tác Hội, được cử đi dự nhiều lớp tập huấn nghề do Hội phối hợp tổ chức, chị mới biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có kiến thức, chị mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày để có thêm thu nhập cho gia đình. Chị Điểm tâm sự: “Hiện gia đình tôi không chỉ nuôi heo mà còn đầu tư trồng keo lai, trồng mì và cây ăn trái các loại, mỗi năm thu lãi gần 100 triệu đồng”. Số tiền này tuy chưa nhiều, nhưng đối với một hộ đồng bào dân tộc thiểu số với xuất phát ban đầu nghèo khó như chị Điểm thì mức thu nhập ấy rất đáng nêu gương.

Theo chị Yến, để giúp phụ nữ thoát nghèo, điều quan trọng nhất là phải nâng cao kiến thức cho chị em nhằm thay đổi cách nghĩ, cách làm để chị em phát triển kinh tế một cách bền vững.

Đa dạng nguồn vốn vay

Tuy nhiên, cũng có nhiều chị em hoàn cảnh quá khó khăn, không dám vay vốn vì sợ thua lỗ hoặc sử dụng không đúng sẽ không hoàn trả được. Nắm bắt tâm lý này, các cơ sở Hội đã vận động chị em trên tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau thoát nghèo bằng cách cho mượn tiền, vàng hoặc bò, heo giống. Hiện nay, toàn huyện có 56 chi hội và 138 nhóm phụ nữ tiết kiệm, thu hút gần 4.500 hội viên tham gia. 5 năm qua, các hội viên đã giúp nhau được hơn 63 chỉ vàng, gần 20 triệu đồng và 62 con trâu, bò, gần 100 con heo; hơn 14 tấn lúa giống; gần 100 ngàn ngày công lao động cắt lúa, cõng củi, làm cỏ, thu hoạch hoa màu, làm rẫy, trị giá gần 1,8 tỉ đồng. Điển hình như chị Đinh Thị Ganh (thôn 4, xã An Trung) giúp chị Rú, chị Bế, chị Cúc, chị Thừa (ở cùng thôn) 7 chỉ vàng, 3 con trâu, 340 kg lúa giống và trên 3,5 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Trầm (thị trấn An Lão) giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn mượn không tính lãi 30 triệu đồng, 5 chỉ vàng… Nhờ cách làm thiết thực này, năm 2012, toàn huyện đã có 526 gia đình hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo và tiếp tục giúp các chị em khác làm giàu.  

Các hội viên trong toàn huyện còn tạo nguồn vốn xoay vòng thường xuyên cho nhau mượn làm ăn, với 78 tổ tín dụng tiết kiệm, tổng số tiền trên 196 triệu đồng. Từ chỗ ổn định về kinh tế, nhiều chị em đã có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ về đời sống vật chất và tinh thần. Ngoài ra, năm 2012, Hội chủ động đề xuất hỗ trợ 272 con heo nái sinh sản, 82 con bò lai từ nguồn vốn của Chương trình 30a/2008/NQ-CP cho các hội viên, giúp hội viên có điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo.

Từ phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, các cấp hội phụ nữ ở An Lão đã thu hút rất nhiều chị em vào tổ chức Hội để cùng nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

  • HẢI YẾN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giả tưởng về khả năng kỳ diệu của ông già Noel  (22/12/2012)
Còn nhiều khó khăn  (21/12/2012)
“Sinh vật lạ” là nhóm Sán lông  (21/12/2012)
Hôm nay đã không phải là ngày tận thế!  (21/12/2012)
Đã tìm thấy hành tinh có thể thay thế cho Trái đất?  (20/12/2012)
Góp phần hạn chế vi phạm trong lĩnh vực đo lường  (19/12/2012)
Việt Nam: Phát hiện cá “biết đi”, ếch “biết hót”  (19/12/2012)
Cuốn sách linh thiêng của người Maya  (19/12/2012)
Tỉ lệ số người sinh con thứ 3 ở An Lão giảm 2,4%  (18/12/2012)
NASA hủy 2 tàu thám hiểm mặt trăng  (18/12/2012)
Phát hiện gà loại thải nhập lậu như thế nào?  (18/12/2012)
Tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế về Vật lý  (17/12/2012)
Dân hoang mang vì “sinh vật lạ”  (17/12/2012)
Ngày 21.12: Hãy yên tâm ngồi uống cà phê  (17/12/2012)
Sở Xây dựng và UBND TP Quy Nhơn xếp đầu bảng  (16/12/2012)