Từ năm 2007-2012, chương trình khúc xạ học đường do ngành Y tế và ngành GD&ĐT phối hợp thực hiện, thông qua sự tài trợ của Quỹ Fred Hollow (Fred Hollows Foundation, Úc - FHF), đã đem đến nhiều hiệu ứng tích cực. Hơn 100.000 học sinh (HS) được khám sàng lọc và cung cấp những kiến thức cần thiết để tự chăm sóc, bảo vệ đôi mắt.
Chương trình được triển khai tại các trường cấp Tiểu học, THCS, THPT ở 9/11 huyện, thị xã, thành phố: Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Quy Nhơn, An Lão, Vân Canh, Hoài Nhơn, Hoài Ân.
|
Nhân viên y tế Trường THCS thị trấn Vân Canh (Vân Canh) hướng dẫn cho HS tự chăm sóc, bảo vệ mắt để tránh các tật khúc xạ học đường. Ảnh: N.Muội
|
Thêm kiến thức cho học sinh và cả giáo viên
Tháng 3.2012, tại Trường THCS Hải Cảng (TP Quy Nhơn), Bệnh viện Mắt Bình Định đã triển khai khám sàng lọc cho 487 HS. Kết quả, có 196 HS có thị lực thấp (dưới 7/10) đã được các bác sĩ khám chẩn đoán, đồng thời cấp kính miễn phí cho 19 HS nghèo có thị lực kém. Học sinh Võ Thị Thảo Ly - học lớp 9A1 của trường, cho biết: “Em thường xuyên bị mỏi mắt, không nhìn rõ chữ. Nhờ được khám sàng lọc, em mới biết đang mang kính cận sai độ. Các bác sĩ đã cấp kính đúng độ cho em, nhờ đó việc học tập cũng thuận lợi hơn nhiều”.
Còn với bạn Đoàn Thị Hạnh, HS lớp 7A1, Trường THCS thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), gần một năm nay phải thường xuyên nhờ bạn đọc bài trên bảng để chép dù đã được giáo viên ưu tiên bố trí ngồi bàn đầu. Hạnh bị tật cận thị từ lâu, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa có điều kiện để đưa em đi khám mắt và cắt kính. “Đợt khám chẩn đoán và cấp kính tại trường do Bệnh viện Mắt Bình Định tổ chức vào tháng 10.2012 đã giúp em có được đôi mắt sáng hơn. em biết ơn các bác sĩ nhiều lắm!”, Hạnh chia sẻ niềm vui.
“Điều quan trọng nhất là các em có thêm kiến thức, từ đó gia đình cũng sẽ có hiểu biết phần nào để chăm sóc nhiều hơn cho đôi mắt của con”
Bà PHẠM THỊ BỘ, Phó Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh |
Không chỉ mang đến niềm vui cho nhiều HS, chương trình khúc xạ học đường còn giúp xây dựng mạng lưới nhân viên y tế trường học. Chị Nguyễn Thị Diệu Hòa, nhân viên y tế của Trường THCS Hải Cảng, cho biết: “Thông qua các hoạt động tập huấn của chương trình khúc xạ học đường, tôi đã được hỗ trợ thêm kiến thức và kỹ năng khám phát hiện các tật khúc xạ của HS để có thể triển khai tại trường”.
Anh Nguyễn Hữu Huy, nhân viên y tế Trường THCS thị trấn Vân Canh, cũng nhận thấy sự hữu ích của hoạt động tập huấn khúc xạ mắt trong học đường. Các dụng cụ thử thị lực do FHF tài trợ đã giúp anh rất nhiều trong việc khám sàng lọc, phát hiện HS bị tật khúc xạ. Những tranh ảnh, tờ rơi có nội dung phòng tránh tật khúc xạ đã được anh đưa về từng lớp để phổ biến, hướng dẫn cho HS. Cô Nguyễn Thị Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vân Canh, cho biết: “Trước đây, dù ý thức về sự nguy hiểm của các tật khúc xạ trong HS, nhưng nhà trường gặp khó khăn về chuyên môn y tế. Đến thời điểm này, chúng tôi đã triển khai được hoạt động chăm sóc và bảo vệ ngay tại trường học để các em có đôi mắt sáng, khỏe”.
Cho những đôi mắt sáng
Chương trình khúc xạ học đường tại Bình Định đã thu về những kết quả hết sức ấn tượng: trên 100.000 HS được khám sàng lọc, 1.700 đôi kính mới được cấp cho HS có hoàn cảnh khó khăn, 129 nhân viên y tế học đường được đào tạo, cung cấp bảng đo thị lực, kính lỗ để phát hiện tật khúc xạ tại trường học.
Kết quả điều tra sau khi kết thúc giai đoạn 1 của chương trình có 86,57% HS hài lòng khi được mang kính. Điều đáng ghi nhận là hầu hết các trường học ở các địa bàn triển khai chương trình khúc xạ học đường đã bố trí góc truyền thông giáo dục sức khỏe thị giác; 100% các trường có sử dụng, bảo quản tốt các trang thiết bị khám mắt được cấp.
Huyện Vân Canh triển khai chương trình này từ năm 2009 cho HS 6 trường: THCS Canh Vinh, THCS Canh Hiển, THCS thị trấn Vân Canh, THCS bán trú Canh Thuận, Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Vân Canh, Phổ thông Dân tộc bán trú Canh Liên. Kết quả đã có 85 HS được khám chẩn đoán và cấp kính. Bà Phạm Thị Bộ, Phó Phòng GD&ĐT huyện, đánh giá: “Các bệnh về mắt tại học đường rất phổ biến, nhưng ở Vân Canh đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc phát hiện về các bệnh khúc xạ, trang bị kính, cách phòng tránh các tật về khúc xạ học đường ít được phụ huynh quan tâm. Chương trình là dịp để nhiều em HS có hoàn cảnh khó khăn được khám mắt, đeo kính mà không phải lo đến chi phí. Nhưng điều quan trọng nhất là các em có thêm kiến thức, từ đó gia đình cũng sẽ có hiểu biết phần nào để chăm sóc nhiều hơn cho đôi mắt của con”.
Ông Huỳnh Quang Đậu, chuyên viên Sở GD&ĐT, chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá rất cao dự án này vì dự án không chỉ giúp cải thiện thị lực cho HS mà còn giúp nâng cao năng lực chuyên môn của hệ thống y tế học đường về chăm sóc mắt trẻ em và cung cấp trang thiết bị để các trường có thể tự thực hiện chương trình vào các năm tiếp theo”.
Kết quả điều tra “Đánh giá tỉ lệ tật khúc xạ và các nguyên nhân làm giảm thị lực ở HS tại TP Quy Nhơn” của Bệnh viện Mắt Bình Định, thực hiện năm 2012, cho thấy: tỉ lệ HS mắc tật khúc xạ khá cao 27,35%; trong đó cận thị 10,34%, loạn thị 16,97%. Tật khúc xạ có mối tương quan tỉ lệ thuận theo tuổi, nhiều hơn ở nữ và thường gặp ở HS vùng nội thị.
Cũng trong nghiên cứu này có đến 3/4 HS bị tật khúc xạ chưa được chỉnh kính lần nào. Trong số các em đã được chỉnh kính có đến 35% trẻ chưa được chỉnh kính đúng với mức thị lực. |
|