Ðể có những chuyến bay an toàn tuyệt đối, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật hàng không - Trung đoàn Không quân 940 (Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không - Không quân) luôn nỗ lực, vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Khi nói về các đơn vị không quân, người ta thường nói về những phi công với những chuyến bay thành công. Nhưng đằng sau những thành công đó là hàng trăm người phục vụ dưới mặt đất, trong đó phải kể đến những thợ máy kỹ thuật hàng không. Không ồn ào, phô trương, họ chính là điểm tựa vững vàng để những chú “chim sắt” xuất kích làm nhiệm vụ.
|
Kiểm tra máy bay trước khi xuất kích làm nhiệm vụ. |
Công việc âm thầm
Mới sáng tinh mơ, những người lính kỹ thuật của Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật hàng không đã có mặt ở đường băng. Từng tổ thợ máy hối hả kiểm tra máy bay, từ đồng hồ, thiết bị vô tuyến đến các ốc vít và tra mỡ nạp dầu sẵn sàng cho một ngày bay mới.
Trung tá Võ Bá Tuấn, Chính trị viên Tiểu đoàn, người có hơn 15 năm trực tiếp làm công tác đảm bảo kỹ thuật hàng không, bám đường băng rất sớm. Anh theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở anh em thợ máy làm đúng quy trình bảo đảm bay. Chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, máy bay đã chuẩn bị xong. Và sau đó ít phút, các phi công tiếp nhận máy bay, cất cánh làm nhiệm vụ.
Đặc trưng công việc của cán bộ, chiến sĩ kỹ thuật ở Trung đoàn Không quân 940 là luôn có mặt trước và ra về sau cùng mỗi chuyến bay. Bởi, để chuẩn bị cho các phi đội làm nhiệm vụ, trước đó một ngày, họ phải kiểm tra tình trạng, kỹ thuật máy bay theo đúng quy trình nghiêm ngặt. Đúng ngày bay, họ lại có mặt trước giờ bay để kiểm tra lần cuối trước khi máy bay xuất kích. Khi máy bay hạ cánh, họ kiểm tra máy bay lại để chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo. Có hôm, phi đội bay làm nhiệm vụ đến 12 giờ trưa mới hạ cánh, thế là những người lính kỹ thuật phải làm việc đến 13 giờ mới xong, lúc đó mới được phép trở về đơn vị để ăn cơm trưa.
Tinh thần trách nhiệm cao
Để tận mắt chứng kiến các thợ máy làm công tác kỹ thuật hàng không phục vụ bay trực ban sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi được Trung tá Võ Bá Tuấn đưa đi thăm Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật.
Mới 6 giờ sáng, tại Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật, công tác chuẩn bị của đơn vị đã hoàn tất. Đúng 7 giờ, các cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở các chuyên ngành bắt tay vào việc. Cụ thể cán bộ, nhân viên ngành Máy bay động cơ kiểm tra thực trạng kết cấu khung vỏ máy, động cơ, tiến hành tháo lắp kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống càng, hệ thống thủy lực, dầu nhờn, dầu đốt; ngành Thiết bị kiểm tra hệ thống đồng hồ, các thiết bị điện, hệ thống tự ghi; ngành Vô tuyến điện tử kiểm tra hệ thống ăng ten, thiết bị thông thoại, đài định hướng; ngành Vũ khí hàng không kiểm tra hệ thống thoát hiểm, máy ngắm, máy ảnh, giá treo vũ khí... Khối lượng công việc nhiều nhưng đơn vị thực hiện rất nhịp nhàng, bộ phận nào thực hiện nhiệm vụ của bộ phận đó.
“ Đặc trưng công việc của cán bộ, chiến sĩ kỹ thuật ở Trung đoàn Không quân 940 là luôn có mặt trước và ra về sau cùng mỗi chuyến bay” |
Gạt vội những giọt mồ hôi trên trán, Thượng úy Nguyễn Thế Hà, Xưởng trưởng Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật, cho hết: “Trước đây, hầu hết chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ bảo dưỡng loại máy bay Mig-21, từ khi đưa máy bay hiện đại Su-27 về đơn vị thì nhiệm vụ đảm bảo kỹ thuật hàng không càng trở nên nặng nề hơn. Do vậy, lính kỹ thuật cũng phải đào tạo chuyển loại. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, thợ máy luôn phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường trong học tập và huấn luyện chuyên ngành. Phong trào cấp trên dạy cấp dưới, người có tay nghề trình độ cao dạy người tay nghề thấp hơn, luôn phát triển mạnh mẽ với mục tiêu lấy huấn luyện cán bộ làm cơ bản kết hợp phương pháp tự đọc sách, đọc tài liệu, duy trì chặt chẽ chế độ giảng bình kỹ thuật. Đối với cấp phân đội, tổ chức giảng bình hàng ngày, ở phân xưởng thì giảng bình hàng tuần, đó là chưa kể những lần giảng bình đột xuất khi có tình huống. Nhờ vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn tiếp nhận máy bay chiến đấu thế hệ mới, chúng tôi vẫn đảm bảo an toàn cho những chuyến bay xuất kích làm nhiệm vụ”.
Bên cạnh đó, Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn còn ra nghị quyết chuyên đề về công tác bảo đảm kỹ thuật trong tình hình mới, phát động phong trào thi đua, trong đó lấy việc thực hiện cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” làm nòng cốt. Hàng năm, Trung đoàn, Tiểu đoàn tổ chức Hội thi “Máy bay, xe máy tốt, kho, trạm, xưởng, đài kiểu mẫu, nhân viên kỹ thuật giỏi”, góp phần nâng cao chất lượng, độ tin cậy của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật.
Theo Trung tá Võ Bá Tuấn, bảo dưỡng kỹ thuật hàng không là công việc đòi hỏi người lính kỹ thuật phải thật sự yêu ngành, yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm cao, bởi công việc liên quan trực tiếp đến chất lượng của mỗi chuyến bay, đến sự an toàn, tâm lý phi công và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.
|