Bảo vệ môi trường:
Bắt đầu từ gia đình
21:47', 11/2/ 2012 (GMT+7)

Sau thành công của mô hình “Gia đình thân thiện với môi trường” được triển khai thí điểm tại thôn Đức Long, xã Ân Đức, mô hình này tiếp tục được triển khai đến một số xã, thôn khác trong huyện Hoài Ân. Mô hình được nhiều chị em hưởng ứng tích cực bởi tính thiết thực đối với cuộc sống.

Mỗi nhà có 2 sọt rác

Chuyện là, vào năm 2009, thôn Đức Long được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chọn làm điểm của tỉnh để xây dựng mô hình “Gia đình thân thiện với môi trường”. Cũng như nhiều vùng quê nông thôn khác, ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường ở đây chưa cao. Nhiều hộ xả nước, rác thải trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt ra môi trường; lạm dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật...

 

Nhiều gia đình ở Hoài Ân có 2 sọt rác để phân loại rác từ nguồn, góp phần bảo vệ môi trường.  Ảnh: N.S

 

50 hộ được chọn tham gia mô hình được tập huấn quy trình phân loại, xử lý rác thải và cung cấp dụng cụ đựng rác, đăng ký thực hiện 10 tiêu chí bảo vệ môi trường đề ra gồm: gia đình có 2 thùng đựng rác, có đủ 3 công trình vệ sinh; tham gia trồng, chăm sóc cây xanh; không phá rừng; không đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt; không khai thác khoáng sản trái phép... Tất cả nhằm giúp chị em thay đổi thói quen cũ, tích cực bảo vệ môi trường từ trong gia đình, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Chị Trần Thị Dung, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Đức Long, là một trong số các hộ đăng ký thực hiện đầu tiên và duy trì mô hình hơn 2 năm qua, tỏ ra rất hài lòng với kết quả mà phụ nữ trong thôn thực hiện mô hình: “Chị em đã hiểu, giữ gìn vệ sinh cho môi trường trước tiên là để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình nên ai cũng phải có trách nhiệm, phải tự giác. Và đây cũng là một trong những nội dung chính được phổ biến thường xuyên trong các cuổi sinh hoạt Chi hội Phụ nữ thôn”.

Để chứng minh, chị Dung dẫn khách xuống bếp, chỉ vào bảng 10 tiêu chí gia đình thân thiện với môi trường dán trên tường, rồi chỉ vào 2 sọt rác, giải thích: “Hộ nào tham gia mô hình cũng có 2 sọt đựng rác như thế này và đều biết phân loại rác. Thứ nào để bán phế liệu, tái chế; thứ nào tận dụng cho heo, gà ăn; thứ nào gom lại đổ ở hố rác gia đình rồi đốt. Không chỉ hội viên, phụ nữ mà nhiều gia đình trong thôn đã tự giác giữ vệ sinh môi trường xung quanh nhà, giữ gìn đường làng, ngõ xóm sạch sẽ; có ý thức trồng cây xanh, bảo vệ rừng... Hễ phát hiện ai đổ rác bừa bãi là người dân trong thôn ngăn chặn ngay và báo cáo trưởng thôn”.

Thành quả đạt được dễ thấy nhất từ thực hiện mô hình “Gia đình thân thiện với môi trường” ở Đức Long do phụ nữ thôn thực hiện được duy trì đến nay là trên 120 cây bóng mát và cây tạo cảnh quan đang xanh tốt ở nhà bia ghi tên liệt sĩ, các trường học của xã. Đó còn là con đường chính vào thôn luôn sạch sẽ, phong quang nhờ được chị em trong thôn thường xuyên quét dọn. Tuy nhiên, cái được lớn nhất ở đây, như lời chị Bùi Thị Thanh Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ân Đức, chính là ý thức bảo vệ môi trường của phụ nữ nói riêng và người dân trong thôn nói chung đã được cải thiện đáng kể, đóng góp vào việc xây dựng thôn đạt danh hiệu Thôn văn hóa cấp huyện.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Thành công của mô hình “Gia đình thân thiện với môi trường” ở thôn Đức Long đã tạo niềm tin và động lực cho Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoài Ân năm 2010 tiếp tục nhân rộng mô hình ra các xã: Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Hảo Đông. Chị Nguyễn Thị Kim Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoài Ân, cho biết: “Mỗi xã trên chọn từ 20-50 hộ để triển khai mô hình, phổ biến và tổ chức cho các hộ đăng ký thực hiện 10 tiêu chí gia đình thân thiện với môi trường. Ngoài ra, hội phụ nữ các xã đều đảm nhận giữ vệ sinh, xanh, sạch một đoạn đường trong thôn, xã của mình”.   

 

Đường làng Đức Long luôn sạch đẹp nhờ ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người dân trong thôn. Ảnh: N.S

 

Còn tại xã Ân Đức, năm ngoái, Hội Phụ nữ xã tiếp tục chọn 50 hộ ở 2 thôn Gia Đức và Vĩnh Hòa để nhân rộng mô hình và chị em đều tham gia rất tốt. “Đợt sinh hoạt vào ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) sắp tới, Hội sẽ triển khai tiếp mô hình ở 3 thôn còn lại là Gia Trị, Phú Thuận và Khoa Trường, chọn mỗi thôn 20 hộ để làm, bởi chúng tôi thấy rõ hiệu quả mà mô hình mang lại” - chị Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ân Đức, cho biết.

Như thế, bắt đầu từ một mô hình điểm, đến nay, dù chưa thành phong trào, nhưng nhiều phụ nữ ở Hoài Ân đã tự giác nâng cao ý thức bảo vệ môi trường để trở thành gia đình thân thiện với môi trường. Điều đó được bắt đầu từ những việc làm nhỏ trong phạm vi gia đình nhưng mang lại hiệu quả thiết thực như: Không đổ rác và nước thải bừa bãi ra môi trường; không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; không khai thác khoáng sản trái phép...

  • NGUYÊN SƯƠNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bánh tráng trộn ở Quy Nhơn  (11/02/2012)
Đẩy nhanh tốc độ loại trừ bệnh phong  (11/02/2012)
Kiến nghị đầu tư 1.000 tỷ đồng cho chương trình Tiết kiệm năng lượng   (11/02/2012)
Mẹ và những món quà kỷ niệm   (11/02/2012)
Bảo đảm cho trẻ em được bảo vệ, chăm sóc một cách tốt nhất  (11/02/2012)
Nghi ngờ mẫu thân/rễ cây rừng ngâm rượu là cây lá ngón  (10/02/2012)
Xăng pha metanol làm xe liên tục chết máy  (10/02/2012)
Chrome 17 ra mắt, tải trước trang web, tăng cường bảo mật  (10/02/2012)
Mỹ thông qua kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới  (10/02/2012)
Microsoft sẽ ra mắt Windows 8 Consumer Preview ở MWC ngày 29.2   (09/02/2012)
Nâng cao chất lượng trong thành lập hồ sơ địa chính  (08/02/2012)
Cần thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước   (09/02/2012)
Chưa được quan tâm đúng mức  (08/02/2012)
10 bí quyết cho thực đơn gia đình  (08/02/2012)
Tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm  (08/02/2012)