|
Ông Lê Văn Mai giới thiệu lò gạch theo công nghệ mới. Ảnh: ĐÀO MINH TRUNG |
Trăn trở trước thực trạng sản xuất gạch ngói (SXGN) thủ công chất lượng sản phẩm không ổn định, sức cạnh tranh kém, nguyên liệu ngày càng khan hiếm…, ông Lê Văn Mai (ở thôn 1, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) đã bỏ công đi nhiều nơi tìm hiểu nhiều mô hình lò SXGN theo công nghệ mới ở các tỉnh phía Nam.
Qua nhiều chuyến đi thực tế, ông Mai đã chọn được một mô hình sản xuất gạch tại tỉnh Tây Ninh với công nghệ lò Hoffman (kiểu lò nung theo công nghệ của Đức). Tháng 4.2011, ông Mai quyết định dỡ bỏ 2 lò gạch thủ công đang sản xuất tại khu SXGN Đồng Tiến (xã Bình Nghi) để xây dựng 1 lò gạch theo công nghệ lò Hoffman; hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 9.2011.
Theo công nghệ lò Hoffman, nếu sử dụng đủ nguyên liệu là gạch chịu nhiệt để xây lò thì vốn đầu tư sẽ đội lên hàng tỉ đồng. Bởi vậy, ông Mai đã mày mò nghiên cứu, tận dụng tối đa vật liệu xây dựng sẵn có tại địa phương, góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí xây dựng.
Ông Mai cho biết: “Tuy vốn đầu tư khá cao, nhưng nghĩ về việc làm ăn lâu dài và tránh hậu quả ô nhiễm môi trường nên tôi mới mạnh dạn đầu tư 5 tỉ đồng để xây lò theo công nghệ mới. Qua mấy tháng hoạt động, đến nay, lò vẫn chịu đựng được, chưa có một hiện tượng gì không đảm bảo”.
Với công suất hiện tại, mỗi ngày cho ra lò 30.000 viên gạch, ngói, qua 4 tháng hoạt động, lò Hoffman của ông Mai đã cho ra 3,6 triệu viên gạch, sản lượng tăng gấp 10 lần so với lò thủ công trước đây. Nhờ ưu điểm tận dụng nhiệt tốt, lò Hoffman tiết kiệm được hơn 50% lượng nhiên liệu so với lò thủ công. Bên cạnh đó, khói thải được xử lý qua hệ thống cưỡng bức trong nước nên chỉ thải ra khói màu trắng, giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường.
Để phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất, ông Mai cũng đã lắp đặt dây chuyền máy nghiền đất sét hút chân không và máy ép gạch thủy lực; lắp đặt băng chuyền đưa gạch sống đến sân phơi một cách nhanh chóng…. với nhiều công đoạn tự động hóa, giúp công nhân giảm được sức lao động. Hiện cơ sở này giải quyết công ăn việc làm cho trên 30 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng.
Sản phẩm gạch do cơ sở của ông Mai sản xuất đã được Trung tâm Phân tích kiểm nghiệm Bình Định công nhận sản phẩm đạt chất lượng. Ông Mai cũng đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Hai Mai và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên và được khách hàng tin dùng. So với giá gạch cùng chủng loại sản xuất từ lò thủ công hiện nay, gạch từ lò Hoffman của ông Mai cao hơn từ 100-300 đồng/viên nhưng hiện gạch sản xuất ra không đủ để bán và cung cấp cho các đại lý.
Việc dỡ bỏ lò thủ công để đầu tư xây dựng lò Hoffman góp phần tăng giá trị cạnh tranh của sản phẩm gạch ngói, tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường của ông Lê Văn Mai là một hướng phát triển phù hợp trong giai đoạn hiện nay, góp phần tiến tới xóa bỏ lò SXGN thủ công theo Chỉ thị 04 của UBND tỉnh.
|