Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em:
Vẫn còn khác biệt giữa các vùng
23:24', 17/2/ 2012 (GMT+7)

Năm 2011, tỉ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) của Bình Định giảm còn 17,27%. Nhưng mức giảm chưa đồng đều giữa các vùng.

Miền núi, vùng khó khăn trên 27%

Theo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, năm 2011, số trẻ dưới 5 tuổi ước tính bị SDD là 17.940 trẻ/103.880 trẻ dưới 5 tuổi (năm 2010 là 19.948 trẻ/107.132 trẻ dưới 5 tuổi, chiếm tỉ lệ 18,62%). Tuy nhiên, ở các huyện miền núi, vùng khó khăn của tỉnh, tỉ lệ SDD trẻ em vẫn còn ở mức cao, trên 27%.

 

Để phòng chống SDD cho trẻ phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ khi người mẹ chuẩn bị mang thai.

 

Phân tích cho thấy, ngoài nguyên nhân kinh tế thấp kém, tình trạng mất an ninh thực phẩm và thiếu điều kiện chăm sóc bà mẹ trẻ em, tình trạng SDD ở trẻ em khu vực nông thôn còn xuất phát từ khả năng thực hành dinh dưỡng kém của chính các bậc phụ huynh trong gia đình. Kiến thức về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, kiến thức dinh dưỡng để cải thiện tình trạng thấp còi trong cán bộ y tế và cộng đồng còn hạn chế. Việc bổ sung vi chất trong thời kỳ mang thai đặc biệt là dùng Vitamin D, kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ đặc biệt là 2 năm đầu đời; trong khi vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em vị thành niên chưa được quan tâm đúng mức.

Tình trạng mất an ninh lương thực có nguy cơ tiếp tục đe dọa nhiều vùng núi cao, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa do ảnh hưởng của thiên tai bất thường tác động xấu đến sản xuất và môi trường, đặc biệt là ở các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và Hoài Ân. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảm bền vững tỉ lệ SDD trẻ em ở những vùng này.

Mặt khác, các nguồn lực để hỗ trợ và cải thiện giảm SDD thể thấp còi còn rất thiếu. Việc phải đi làm sớm ở phụ nữ lao động ở nông thôn sau sinh còn khá phổ biến đã ảnh hưởng rất nhiều đến tỉ lệ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu của trẻ. Các điều kiện về cơ sở hạ tầng đảm bảo cho công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng như nước sạch, hệ thống nhà trẻ, công trình vệ sinh gia đình, vệ sinh môi trường… chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong khi đó, một số tập quán lạc hậu ảnh hưởng trực tiếp đến thực hành dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em còn tồn tại ở nhiều vùng, đặc biệt là vùng nông thôn và miền núi đã ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình.

 

Đến cuối năm 2011, tỉ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh giảm còn  17,27%, nhưng ở các huyện miền núi, vùng khó khăn của tỉnh, tỉ lệ này vẫn còn ở mức cao, trên 27%.

- Trong ảnh: Trẻ em xã miền núi Đak Mang, huyện Hoài Ân.

 

Nỗ lực giảm tỉ lệ SDD trẻ em nông thôn

Cách đây 2 năm, tỉ lệ SDD trẻ em ở huyện Tây Sơn là 20,3%. Đến cuối năm 2011, tỉ lệ này đã giảm còn 18,8%. Điển hình là xã Bình Nghi giảm từ 17% xuống còn 15%; xã Tây An giảm từ 19,9% xuống còn 19%. Đây là những kết quả đáng khích lệ từ nỗ lực triển khai chương trình mục tiêu y tế quốc gia về phòng chống SDD trẻ em của đội ngũ nhân viên y tế cơ sở.

Chị Bùi Thị Thùy Linh, chuyên trách dinh dưỡng của Trạm y tế xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, cho biết thu nhập của phần lớn người dân trong xã là từ gạch ngói và trồng dưa hấu nên khá ổn định. Đây cũng là một trong những điều kiện giúp người dân quan tâm chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. 

Trong những năm qua, Trạm y tế xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, đã tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng và nói chuyện chuyên đề cho các bà mẹ có con dưới 2 tuổi và đang mang thai. Hàng tháng, trạm tổ chức cân trẻ dưới 24 tháng và tiêm chủng đầy đủ; kiểm tra cân đo cho trẻ 60 tháng trở xuống… Nhờ đó, kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ của nhiều người dân đã được cải thiện đáng kể. Chị Huỳnh Thị Thảo, ở thôn 3, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, cho biết: “Bé nhà tôi đã được 6 tháng. Nghe nhân viên y tế bảo sữa mẹ rất tốt nên tôi cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn”.

Theo các bác sĩ, trẻ em bị SDD về chiều cao có nguy cơ để lại hậu quả lâu dài về thể chất khi trưởng thành. Dễ mắc phải các bệnh như thừa cân béo phì, đái tháo đường và một số bệnh truyền nhiễm khác.

Tuy nhiên, việc rút ngắn khoảng cách SDD giữa các vùng miền trong tỉnh và tình trạng SDD thể thấp còi vẫn còn là một vấn đề khó khăn. Chị Đinh Thị Ngút, Trưởng Trạm y tế xã An Dũng, huyện An Lão, cho biết: “Dù đã có nhiều thay đổi, nhưng ý thức của một bộ phận người dân về chăm sóc dinh dưỡng trẻ từ những tháng đầu đời vẫn chưa tốt. Nhiều bà mẹ có thói quen cho con ăn cơm từ lúc trẻ mới được hai, ba tháng”.

Rõ ràng, để phòng chống SDD cho trẻ phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ khi người mẹ chuẩn bị mang thai. Do đó, việc cung cấp kiến thức cho cộng đồng nói chung và những bà mẹ đang mang thai và đang nuôi con nhỏ nói riêng là hết sức quan trọng.

Ngoài ra, Chương trình phòng chống SDD trẻ em nhất là thể thấp còi cần tập trung ưu tiên cho vùng nông thôn, vùng có tỉ lệ trẻ SDD cao; cần sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý; đồng thời đa dạng hóa các nguồn lực tài chính và từng bước tăng mức đầu tư cho công tác dinh dưỡng.

  • HIỀN - PHƯƠNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỹ sư gốc Việt phụ trách chế tạo xe Ford Mustang  (17/02/2012)
Bệnh tăng huyết áp  (15/02/2012)
“Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”  (15/02/2012)
Sản xuất gạch theo công nghệ lò nung mới  (15/02/2012)
Phát hiện mới 8 trường hợp nghi mắc bệnh tay-chân-miệng  (14/02/2012)
Phát hiện loại thảo dược mới chống lão hóa   (14/02/2012)
Nhiều DHA chưa hẳn là tốt  (13/02/2012)
Trâu, bò chết do giá rét tiếp tục tăng  (12/02/2012)
Riêng cho vợ chồng   (11/02/2012)
Bắt đầu từ gia đình   (11/02/2012)
Bánh tráng trộn ở Quy Nhơn  (11/02/2012)
Đẩy nhanh tốc độ loại trừ bệnh phong  (11/02/2012)
Kiến nghị đầu tư 1.000 tỷ đồng cho chương trình Tiết kiệm năng lượng   (11/02/2012)
Mẹ và những món quà kỷ niệm   (11/02/2012)
Bảo đảm cho trẻ em được bảo vệ, chăm sóc một cách tốt nhất  (11/02/2012)