Xóm cũ đìu hiu
6:40', 18/2/ 2012 (GMT+7)

Với hơn 100 nóc nhà, xóm Phụ Quang Đông (xóm Đông) - một nửa thôn Phụ Quang, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn- giờ đìu hiu bởi sự thiếu vắng lớp người trẻ.

Ông Tạ Kỷ, tuổi ngoài 70, cười buồn nói với tôi: “Bây giờ lớp trẻ ở xóm này đi vô Sài Gòn tìm kế mưu sinh cả rồi. Số người còn lại hầu hết đã ngoài sáu mươi. Họ bám quê với thửa ruộng, con trâu, con bò sống qua ngày”.

Sinh ra và lớn lên ở chính mảnh đất này và cũng tìm kế mưu sinh ở xứ người từ hơn 20 năm trước nên tôi biết, họ Tạ ở xóm này một thời cực thịnh với nhiều người danh giá như võ sư Tạ Đáng nổi danh văn hay, võ giỏi; rồi võ sư Bùi Ngọc Chấn, một thời làm rạng danh võ đường Hoành Sơn. Những Tạ Quang Bình, Tạ Quang Sơn, Tạ Quang Xuyên nối tiếp nhau đỗ đạt vào các trường đại học. Họ lập nghiệp rồi ở luôn đất Sài thành, kéo theo lớp cháu con từ thế hệ này đến thế hệ khác mưu sinh bằng đủ thứ nghề; giỏi thì chữ nghĩa, võ nghệ bằng không thì tuân thủ phương châm “nhất nghệ tinh...” với nghề mộc, xây dựng, may công nghiệp từ làm công cho đến mở những tổ hợp quy mô nhỏ, vừa thu hút người trong gia đình và bà con láng giềng. Ngay cả gia đình tôi, 9 anh em rốt cuộc cũng phải bán căn nhà cũ vì không ai ở, “cõng” mẹ theo sống tha phương. Cái xóm quê gắn bó với tuổi thơ tôi từng góc nhà, sân đình, ngõ tắt... với bạn bè thuở thiếu thời chơi dưới bóng me, bóng thị... giờ trống vắng!

Trở về quê lần này, tôi cố đi thăm cho bằng hết bà con lối xóm. Và ghé thăm Nhị, bạn nối khố thời tiểu học, giờ đã là nông dân hom hem ở tuổi 50. Nhị luýnh quýnh mừng vì sự xuất hiện bất ngờ của tôi. Bên ly rượu gạo đầu năm, thăm hỏi những bạn cũ, chuyện làng chuyện xóm, bỗng Nhị thở dài: “Thảm nhất là cảnh mỗi lần khiêng linh cữu đi chôn lại toàn là người đã luống tuổi. Đưa người già hơn về với tổ tiên thì chẳng nói gì chứ gặp đám chết trẻ thì thảm hết chỗ nói. Già khóc trẻ đau một, già khênh trẻ hạ huyệt đau mười! Khênh quan tài hôm ấy trẻ nhất là tôi, còn lại đều xấp xỉ tuổi 60 cả”...

Tôi đến phân hiệu trường tiểu học thôn Phụ Quang nằm trên đường liên xã. Đón tôi là cô giáo Quít tuổi sắp về hưu, làm dâu ở xóm ngót 30 năm. Trong câu chuyện về trường lớp, cô thở dài: “Trẻ con ở đây ít lắm, mỗi khối chỉ có 1 lớp, mà mỗi lớp chưa được 20 em, các em ở xóm Tây chiếm phần nhiều. Những dịp họp phụ huynh, người đại diện dự họp cho các cháu toàn người già. Cha mẹ chúng làm ăn xa, gửi cháu cho ông bà trông nên không thể chu đáo; trông chúng nhếch nhác, học hành lôm côm lắm”.

Ông Võ Văn Đức, Trưởng thôn Phụ Quang, tâm sự: “Nghề nông thu nhập quá thấp, nhiều hộ gia đình như Năm Ngôi, Tám Bính, Chín Hay, Hai Quí… đã rủ nhau vào Cam Ranh nuôi vịt đẻ. Người “sáng nghiệp” vượt qua khó khăn lại kéo theo nhóm sau lên đường. Mà cũng lạ, ngay như Tám Chỉnh, Bốn Trọng chẳng thuộc loại lanh lợi, khỏe mạnh gì cũng rời quê. Người thì làm nghề bán thuốc nam gia truyền, người nuôi ong lấy mật cả năm mới về một, hai lần. Rồi thì lớp con cháu thế hệ 8X, 9X, những đứa học hành được, ra trường có thấy đứa nào về quê lập nghiệp đâu. Xóm này có truyền thống học chữ và học võ. Lận hai món ấy vào người, lớp trẻ đủ lông cánh là bay đi mất hút”.

Tôi rời xóm Đông trong bóng chiều loạng choạng mà lòng trĩu nặng.

  • NGUYỄN ĐÌNH PHÊ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vẫn còn khác biệt giữa các vùng  (17/02/2012)
Kỹ sư gốc Việt phụ trách chế tạo xe Ford Mustang  (17/02/2012)
Bệnh tăng huyết áp  (15/02/2012)
“Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”  (15/02/2012)
Sản xuất gạch theo công nghệ lò nung mới  (15/02/2012)
Phát hiện mới 8 trường hợp nghi mắc bệnh tay-chân-miệng  (14/02/2012)
Phát hiện loại thảo dược mới chống lão hóa   (14/02/2012)
Nhiều DHA chưa hẳn là tốt  (13/02/2012)
Trâu, bò chết do giá rét tiếp tục tăng  (12/02/2012)
Riêng cho vợ chồng   (11/02/2012)
Bắt đầu từ gia đình   (11/02/2012)
Bánh tráng trộn ở Quy Nhơn  (11/02/2012)
Đẩy nhanh tốc độ loại trừ bệnh phong  (11/02/2012)
Kiến nghị đầu tư 1.000 tỷ đồng cho chương trình Tiết kiệm năng lượng   (11/02/2012)
Mẹ và những món quà kỷ niệm   (11/02/2012)