Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an (CA) tỉnh vừa có thông báo về tình hình cháy, nổ ô tô, xe máy trong 2 năm qua và hướng dẫn một số biện pháp PCCC nhằm góp phần phòng ngừa, hạn chế cháy xe trong thời gian đến.
|
Cảnh sát PCCC chữa cháy ô tô trên QL 1A.
|
Theo thông báo từ Cục Cảnh sát PCCC, Bộ CA, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 324 vụ cháy, nổ ô tô, xe máy, trong đó cháy ô tô có 276 vụ, xe máy 48 vụ. Số vụ cháy, nổ ô tô, xe máy có chiều hướng gia tăng. So với năm 2010, năm 2011 tăng 68 vụ đối với ô tô, 30 vụ đối với xe máy. Qua phân tích từ 208 vụ cháy nổ đã được điều tra kết luận, nguyên nhân cháy bao gồm, do chập điện, hệ thống điện quá tải dẫn đến cháy… 98 vụ; sự cố kỹ thuật như kẹt ống pô, bó phanh, nổ lốp… 49 vụ; sơ suất để ni lon, rơm rạ, giẻ… quấn vào ống pô, sử dụng lửa bất cẩn…32 vụ; tai nạn giao thông 15 vụ; đốt cháy 14 vụ.
Trên địa bàn Bình Định xảy ra 16 vụ cháy, nổ ô tô, xe máy (gồm 15 ô tô và 1 xe máy). Cảnh sát PCCC đã điều tra kết luận nguyên nhân gây cháy 13 vụ, gồm tự đốt xe máy 1 vụ, do bất cẩn trong việc sử dụng lửa, thắp nhang thờ cúng 7 vụ, do tai nạn giao thông 2 vụ, chập điện 3 vụ.
Để góp phần phòng ngừa, hạn chế cháy, nổ ô tô, xe máy trong thời gian đến, Phòng Cảnh sát PCCC khuyến cáo các chủ phương tiện không nên lắp thêm các thiết bị, phụ kiện tiêu thụ điện khác như thiết bị bảo vệ, còi, đèn nếu các thiết bị lắp thêm làm quá tải dòng điện. Xe đang lưu thông nếu phát hiện có dấu hiệu khác thường như khó nổ, có mùi xăng, dầu, tiếng kêu lạ, nhiệt độ máy cao, có mùi khét… phải kiểm tra và kịp thời khắc phục sự cố. Sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) đúng chủng loại, chất lượng theo quy định của từng loại phương tiện. Tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và phải được thực hiện ở các cơ sở đảm bảo chất lượng. Không để chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, dưới yên xe, khoang động cơ… Khi để xe tại các garage, nhà để xe phải tắt khóa điện, đóng khóa xăng và cách xa các nguồn nhiệt, nguồn lửa.
Khi phát hiện ô tô, xe máy cháy, nổ, hoặc thấy ô tô, xe máy (đang dừng cũng như đang lưu thông) có khói, nhiệt độ tỏa ra cao bất thường, lái xe bình tĩnh tắt khóa điện, dừng xe bên lề đường cùng chiều, cách xa nơi đông người và có nhiều chất dễ cháy; nhanh chóng đưa người ra khỏi xe, khóa bình xăng (nếu được) đồng thời gọi điện báo ngay cho cảnh sát PCCC theo số 114 và huy động mọi người dùng bình chữa cháy, chăn, cát, nước… để chữa cháy.
Cùng với thông báo rộng rãi việc hướng dẫn phòng chống cháy ô tô, xe máy, Phòng Cảnh sát PCCC chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, trong đó tăng cường kiểm tra đối với ô tô khách, ô tô tải… Trước mắt, phối hợp, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội CA huyện, thị xã, TP khảo sát thống kê các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, nơi tổ chức các hoạt động tập trung đông người có chỗ để xe tập trung, cơ sở kinh doanh bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, xe máy... để có kế hoạch kiểm tra, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ PCCC phù hợp nhằm phòng ngừa tốt và chữa cháy hiệu quả khi có cháy, nổ xảy ra đối với ô tô, xe máy.
|