Đoạn trường nuôi con mắc bệnh tâm thần
20:37', 24/2/ 2012 (GMT+7)

Lúc lên cơn, Lê Thanh L. (29 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) lại đập cửa phòng bệnh của Bệnh viện Tâm thần Bình Định rồi bỏ đi lang thang. Người cha già phải lặn lội đi tìm, chịu để cho con đánh để đưa về Bệnh viện. 10 năm nay, nước mắt của ông vẫn không ngừng chảy...

Đắng lòng nuôi con

Vợ chồng ông Lê Văn Bá, 69 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, sinh được 7 người con, thì một trong số đó mắc bệnh tâm thần. Học chữ, học nghề cơ khí, rồi có việc làm; đến năm 2003, trong một lần đi làm về thì cậu con trai Lê Thanh L. sinh ra nói nhảm, đập phá đồ đạc và cảm giác lúc nào cũng thấy ma, quỷ.

 

Bà Điểm chăm sóc con trai mắc bệnh tâm thần ở Bệnh viện Tâm thần Bình Định.

 

Gần 10 năm mắc bệnh, ông Bá đã hàng chục lần xuống ở tại Bệnh viện Tâm thần Bình Định để “canh chừng” con. Năm ngoái, bệnh L. nặng hơn, ba lần vào viện, mỗi lần kéo dài 2-3 tháng. Ông rơm rớm nói: “Khi lên cơn, nó mạnh lắm. Bả sức yếu, mấy đứa con còn công ăn việc làm nên chỉ mình tui ở đây “chịu đòn””. Ông kể tiếp: “Có lần L. trốn viện, cắm đầu chạy ra quốc lộ. Tui nhờ mấy người to con chạy theo cũng không cản được. Ra đến cầu sông Ngang, nó thủ hai cục đá, tui tìm đủ cách dụ mới đến gần thì bị nó đập vào mang tai, vào mặt.  Còn chuyện tôi ăn đạp, ăn đá… thường như cơm bữa vậy”.

Bệnh viện Tâm thần Bình Định có hơn 150 bệnh nhân, nặng nhất là tâm thần phân liệt. Bác sĩ Châu Văn Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết: Bệnh tâm thần tỉ lệ thuận với sự phát triển của xã hội. Khi kinh tế phát triển mạnh, người mắc tâm thần nhiều hơn.

Khi nhắc đến cậu con trai mắc bệnh của mình, trong ánh mắt khắc khổ của bà Trịnh Thị Điểm, 58 tuổi, ở huyện Hoài Nhơn, ánh lên niềm tự hào xen lẫn xót xa: “Ngày còn đi học, tuy không xuất sắc, nhưng Đ. ham học lắm, chỉ thích thi vào Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh thôi. Vậy mà đến khi đạt được ước mơ làm sinh viên thì Đ. mắc bệnh”. 

Nguyễn Hữu Đ., 29 tuổi, là con trai út của bà Điểm. Vợ chồng bà đều là công chức. Năm 2009, Đ. mắc bệnh, bà Điểm đành bỏ dở công việc của một giáo viên tiểu học vào Quy Nhơn, ở hẳn trong Bệnh viện Tâm thần nuôi con. Lần đó, sau 4 tháng điều trị Đ. khỏi bệnh; vừa về nhà đã tức tốc ôn luyện để đi thi. Tết vừa rồi, Đ. đang học ở một trường cao đẳng nghề TP Hồ Chí Minh thì phát bệnh trở lại, gần như sống khép kín, suốt ngày nhốt mình, không trò chuyện với bất cứ ai. Bà Điểm bảo, hồi đầu phát hiện bệnh của con, hễ ai chỉ ở đâu có thể chữa bớt là bà lại đưa con đi chữa.

 

Bà Hạnh đi chợ nấu ăn và làm mọi việc để dành tiền điều trị cho con.

 

“Mai mốt ai nuôi con…”

Đó là tâm sự của hầu hết những ông cha, bà mẹ đang nuôi con ở Bệnh viện Tâm thần mà tôi gặp. 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, bao năm chăm bẵm, nâng niu chờ ngày con lớn, chưa kịp vui thì họ đã phải nuốt nỗi đau vào lòng để tiếp tục nuôi con bệnh tật.

Bác sĩ Tuấn chia sẻ: “Mỗi bệnh nhân vào đây là một câu chuyện mà chỉ có người thân và những người gắn bó với nơi này mới thấm thía được. Hiện giờ, trong số bệnh nhân nằm viện, có khoảng 20 bệnh nhân nặng không có người thân chăm sóc”.

69 tuổi, bà Trần Thị Hạnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) một mình nuôi cậu con trai 30 tuổi mà vẫn là một đứa trẻ - Nguyễn Văn T. Những người con khác đều đã có tổ ấm riêng, điều kiện kinh tế cũng không mấy dư dả nên thỉnh thoảng họ mới giúp tiền cho mẹ nuôi em. Bà Hạnh để dành khoản ấy mua thuốc và điều trị bệnh cho con. Mỗi bận về Quảng Ngãi, bà đem gạo, mắm, muối, xoong, nồi… vào bệnh viện nấu ăn. Bà Hạnh bảo, chịu khó đi chợ nấu ăn, còn tiền để dành trị bệnh cho con.

Bác sĩ Tuấn cho biết, bệnh tâm thần phân liệt khó điều trị nhưng khi được người thân chăm sóc tốt, xã hội không kỳ thị, phân biệt thì bệnh nhân vẫn ít nhiều phục hồi.

Ở cái tuổi đáng ra được con cái chăm sóc thì ngược lại, những người như ông Bá, bà Hạnh, bà Điểm… lại phải canh giấc ngủ, lo từng bữa cơm, chén nước, vệ sinh cho con. Bà Điểm bộc bạch: “Giờ vợ chồng tui chỉ mong con được điều trị dứt bệnh”. Còn bà Hạnh thì chùng giọng: “Khổ thế nào tui cũng không bỏ con. Nhưng tui già rồi, không biết đến lúc nằm xuống, ai nuôi nó đây?!”.

Có nghe, có chứng kiến tường tận mới hiểu thấu đoạn trường đắng cay của những gia đình có con mắc bệnh tâm thần. Tôi nhớ mãi câu chuyện của một bà lão 73 tuổi, bị tai nạn trong lần đi bán bánh bèo kiếm tiền nuôi con gái duy nhất mắc bệnh tâm thần ở Bệnh viện Tâm thần. Cô con gái, những lúc tỉnh táo, vẫn tỉ tê với mẹ: “Hay con chết trước để mẹ đỡ khổ!”... 

  • HIỀN LÊ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vân Canh đã dập tắt dịch lở mồm long móng  (24/02/2012)
Việt Nam nghiên cứu thành công vắcxin hai loại cúm A  (24/02/2012)
Sách điện tử tương tác đầu tiên trên thị trường Việt  (23/02/2012)
Khóa website với Internet Explorer   (23/02/2012)
Nâng cao khả năng ứng phó của phụ nữ với biến đổi khí hậu   (22/02/2012)
Đình chỉ lưu hành và thu hồi khẩn cấp thuốc Turifaton   (22/02/2012)
Doanh nghiệp chưa chủ động   (22/02/2012)
Sẽ tiếp tục được đẩy mạnh   (22/02/2012)
Bệnh tay chân miệng tái bùng phát ở miền Trung  (22/02/2012)
2,5 tỉ đồng phòng chống dịch bệnh tay-chân-miệng  (21/02/2012)
51,4% bệnh nhân phục hồi tốt  (20/02/2012)
Rửa gạo hơn vo gạo  (20/02/2012)
Nước trà đặc tốt hơn nước súc miệng  (19/02/2012)
Hướng dẫn phòng chống cháy, nổ ô tô, xe máy  (18/02/2012)
Bệnh Gout và tầm quan trọng của việc kiểm soát bệnh tại nhà  (18/02/2012)