Dự án “Nâng cao khả năng ứng phó của phụ nữ với biến đổi khí hậu: Trao quyền cho phụ nữ cơ sở để ứng phó với thiên tai”, do tổ chức Phụ nữ Liên hiệp quốc (UN Woman), thông qua Hội LHPN Việt Nam, tài trợ cho Bình Định và Phú Yên từ tháng 6 - 12.2011, vừa kết thúc giai đoạn 2. Những kết quả do Dự án mang lại cho thấy, phụ nữ đã đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa ứng phó thiên tai.
|
Hội nghị đánh giá giai đoạn 2 của Dự án cho thấy, phụ nữ đã được trao quyền và thay đổi nhận thức khi tham gia Dự án này. Ảnh: N.S |
Trang bị kiến thức cho người dân và phụ nữ
Phước Sơn là xã nằm cuối nguồn sông Côn, hàng năm thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai, gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân. Tham gia Dự án “Nâng cao khả năng ứng phó của phụ nữ với biến đổi khí hậu: Trao quyền cho phụ nữ cơ sở để ứng phó với thiên tai”, Ban quản lý dự án xã Phước Sơn đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông tại cộng đồng, cung cấp kiến thức, kỹ năng chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai cho người dân, đặc biệt quan tâm hơn đến các đối tượng dễ bị tổn thương như: người nghèo, người già, neo đơn, phụ nữ đơn thân, trẻ em. Mặc dù chỉ được Dự án hỗ trợ kinh phí để thực hiện 2 buổi truyền thông tại cộng đồng nhưng Ban quản lý dự án xã đã tổ chức được 6 buổi tại 6 thôn khu đông xã, với sự tham gia nhiệt tình và hưởng ứng tích cực của trên 1.200 phụ nữ và người dân. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã Phước Sơn còn phối hợp với Đài truyền thanh xã mở chuyên mục câu chuyện phát thanh dài kỳ và tổ chức cho phụ nữ xem băng đĩa về sự ứng phó của phụ nữ với biến đổi khí hậu.
Còn tại xã Cát Tiến (Phù Cát), Ban quản lý dự án xã đã thành lập CLB phụ nữ sinh hoạt lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hàng tháng, khi sinh hoạt, CLB tuyên truyền cho các thành viên CLB kiến thức cơ bản về giới, kỹ năng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, kết hợp xây dựng tiểu phẩm, nghe câu chuyện phát thanh dài kỳ và xem băng đĩa về nội dung phụ nữ ứng phó với biến đổi khí hậu. Chị Nguyễn Thị Tánh, thành viên CLB, cho biết: “Với Dự án này, chúng tôi được tham gia vào đội phòng chống lụt bão tại địa phương, từ đó có điều kiện thuận tiện hơn để giúp đỡ những trường hợp khó khăn như phụ nữ đơn thân, phụ nữ nghèo phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai. Chúng tôi còn được nắm bắt những kiến thức cơ bản để ứng phó với thiên tai, ví dụ như khi bão tới thì chuẩn bị thức ăn, nước uống và những vật dụng cần thiết khác như thế nào. Dự án đã mang lại những lợi ích trong việc giúp người dân địa phương có những kiến thức nhất định về phòng ngừa thảm họa, như lắng nghe tin thời tiết, bình tĩnh đối phó khi có thiên tai xảy ra”.
Người dân nhiệt tình tham gia
Với Bình Định, đây là lần đầu Dự án được triển khai, tại 20 xã, phường của 5 huyện, thành phố là Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn. Trong thời gian đó, Ban quản lý dự án Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Ban quản lý dự án Trung ương Hội tổ chức 26 lớp tập huấn giảng viên cấp tỉnh, huyện, xã, 40 buổi truyền thông tại cộng đồng nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai cho hơn 3.000 người là hội viên phụ nữ, người dân địa phương của 20 xã vùng triển khai dự án. Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án của tỉnh còn tổ chức 2 cuộc tọa đàm trao đổi giữa phụ nữ và các nhà hoạch định chính sách nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ trực tiếp trao đổi với lãnh đạo các cấp về biện pháp tăng cường vai trò của Hội Phụ nữ và phụ nữ trong giảm thiểu và quản lý rủi ro do thiên tai.
Chị Từ Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội LHPN, nhận xét: “Dự án đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa trong người dân, nhất là phụ nữ tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề do sự tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Trong quá trình triển khai, dự án đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng; đồng thời bước đầu thay đổi nhận thức của lãnh đạo chính quyền địa phương về vai trò của Hội Phụ nữ trong tham gia ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu”.
Tuy nhiên, do là nội dung mới mẻ đối với Hội LHPN tỉnh và thời gian triển khai ngắn nên việc lồng ghép giới vào truyền thông giảm thiểu và quản lý rủi ro thiên tai còn hạn chế. Chính vì vậy, các cấp Hội Phụ nữ và hội viên, người dân đều mong muốn dự án được tiếp tục triển khai tại Bình Định trong thời gian tới để nâng cao tính bền vững của hiệu quả dự án, đồng thời có thêm nhiều địa phương trong tỉnh được tiếp cận và hưởng lợi từ dự án.
|