Nền nhà và nền đường
1:50', 26/2/ 2012 (GMT+7)

Bạn tôi ở quê đã mấy năm không về phố. Tết rồi hắn ghé thăm tôi và nhân tiện tìm về “góc phố kỷ niệm xưa”. Hắn bảo, phố xá thay đổi nhanh quá mày ạ, không còn nhận ra một nơi nào ngày trước nữa… Tôi cười trêu: “Mày đúng là nhà quê lên tỉnh! Thời đại tên lửa mà. Vậy mới bắt kịp sự thay đổi chóng mặt của cuộc sống chớ!”. Hắn đáp lời tôi bằng một cái nhăn mặt: “Vậy sao nhà mày không vươn lên mà cứ thấp trũng như ở dưới hầm sâu vậy?”. Tôi nhìn cái nền nhà của mình thấp hơn mặt đường đến hơn nửa mét mà thoáng chạnh buồn…

Nhà tôi ở ngoại thành. Con đường trước nhà không phải đường lớn. Xưa kia nó chỉ là một con đường đất sỏi êm ả và bình dị, rẽ từ quốc lộ vào đến sát bờ sông. Cùng với thời gian, con đường dần hình thành những ổ gà, ổ voi. Thế rồi có một ngày đường được nâng cấp thành đường nhựa. Cư dân ở đó vui mừng được lướt xe trên con lộ phẳng phiu, sạch đẹp. Nhưng… nhựa đường hình như hơi bị mỏng! Chẳng mấy chốc mà ổ gà, ổ voi lại xuất hiện mà còn sâu hơn và nguy hiểm hơn. Con đường lại được “tái nâng cấp” một lần nữa. Rồi cũng lại xuống cấp, lại tiếp tục nâng cấp. Chu kỳ xuống cấp, nâng cấp cứ thế xoay vòng tiếp diễn, cứ như thời tiết xoay vần hai mùa mưa nắng của mảnh đất miền Trung này vậy. Chỉ có điều khi cải tạo mặt đường, họ không hề bóc đi lớp đất đá hư hỏng mà cứ vậy đắp lên một lớp mới. Kết quả là bây giờ nền đường đã vượt trên nền nhà khá cao, dù trước kia từ ngoài đường vào nhà tôi phải lấy đà như leo lên một con dốc…

Từ đó, người dân xóm tôi bắt đầu “sống chung với lũ”. Bởi nền đường cứ cao dần mãi mà không hề có cống thoát nước. Khi mùa mưa đến, nước từ trên đường cứ ào ạt tràn vào những ngôi nhà hai bên đường. Thế là mỗi lúc trời mưa, xóm tôi lại trở nên rộn ràng như đang vào “chiến dịch”. Người thì lo đắp những con lươn trước cửa nhà bằng đất đá hay bao cát, người thì lo xì xụp tát nước từ trong nhà ra… Nhưng tát hoài cũng không xiết nếu mưa to và kéo dài. Vậy là mọi người lại lục tục tìm cách nâng nền nhà lên. Mà ngân sách gia đình ai cũng có hạn, tiến độ nâng nền nhà thì lại không thể nào bắt kịp tiến độ nâng nền đường. Với lại nâng nền cũng có giới hạn chứ nâng quá thì sẽ… đụng trần!

Sự việc sẽ đơn giản hơn nếu như cùng với việc nâng cấp đường, người ta cũng thực hiện nâng cấp cống thoát nước hai bên đường. Nhưng tất cả cũng chỉ là “nếu như”, bởi bây giờ cư dân xóm tôi vẫn cứ đứng dưới nền nhà ngước nhìn nền đường mà thấy… ngậm ngùi! Hình như đó là nỗi buồn của sự phát triển không đồng bộ trong cuộc sống đô thị… 

  • HẠT CÁT
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phòng khám tư nhân không khám chữa bệnh BHYT vượt tuyến, trái tuyến  (25/02/2012)
Anh không muốn “thơ” thành “văn xuôi”  (25/02/2012)
Trao quyền và thay đổi nhận thức cho phụ nữ   (25/02/2012)
Má   (24/02/2012)
Đoạn trường nuôi con mắc bệnh tâm thần  (24/02/2012)
Vân Canh đã dập tắt dịch lở mồm long móng  (24/02/2012)
Việt Nam nghiên cứu thành công vắcxin hai loại cúm A  (24/02/2012)
Sách điện tử tương tác đầu tiên trên thị trường Việt  (23/02/2012)
Khóa website với Internet Explorer   (23/02/2012)
Nâng cao khả năng ứng phó của phụ nữ với biến đổi khí hậu   (22/02/2012)
Đình chỉ lưu hành và thu hồi khẩn cấp thuốc Turifaton   (22/02/2012)
Doanh nghiệp chưa chủ động   (22/02/2012)
Sẽ tiếp tục được đẩy mạnh   (22/02/2012)
Bệnh tay chân miệng tái bùng phát ở miền Trung  (22/02/2012)
2,5 tỉ đồng phòng chống dịch bệnh tay-chân-miệng  (21/02/2012)