Thời gian qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp nhận và điều trị những ca bệnh tay chân miệng nặng trên địa bàn tỉnh. Đa số những trường hợp nhập viện đều có triệu chứng điển hình như sốt vừa hoặc nhẹ, loét miệng, nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, quanh mông từ vài nốt rải rác đến dày đặc. Khoảng 5-7% trẻ sốt cao trên 39 - 40oC, kèm giật mình phải xử trí hạ sốt và thuốc an thần.
|
Dấu hiệu điển hình của tay chân miệng là phát ban dạng phỏng nước ở trong miệng, trong lòng bàn tay, lòng bàn chân. |
Đối với ca tử vong tại bệnh viện cho thấy, các triệu chứng lâm sàng không nổi bật lắm như: Các nốt bóng lòng bàn tay chân chỉ rải rác, thưa thớt nhưng diễn biến nặng lại rất nhanh, trẻ rơi vào tình trạng sốc, nổi vân tím toàn thân, mạch quay nhanh nhỏ khó bắt, chân tay lạnh, vã mồ hôi, khó thở ngày càng tăng, trào bọt hồng ra miệng do phù phổi cấp.
Tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa, thường xảy ra dịch trong các lớp mẫu giáo, nhà trẻ nơi tập trung đông các cháu. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp các cháu chỉ ở nhà cũng mắc bệnh do nguồn lây từ người lớn. Bệnh được khuyến cáo chỉ nên nhập viện khi trẻ sốt cao trên 39oC, có dấu hiệu giật mình, co giật, li bì, quấy khóc…
Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng, cần rửa tay cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng, rửa đồ chơi sạch sẽ, ăn chín, uống sôi. Trẻ mắc bệnh phải nghỉ học. Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, giật mình, co giật hoặc li bì, thờ ơ, không chịu uống nước cần đưa vào viện.
|