|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ Y tế và thành phố Hải Phòng cùng các em học sinh thực hành rửa tay bằng xà phòng - một biện pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh tay chân miệng. |
Hôm nay, 2.3, tại thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động Chiến dịch quốc gia phòng, chống bệnh tay chân miệng.
Buổi lễ phát động do Bộ Y tế và UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức.
Theo Bộ Y tế, trong vòng 6 tuần đầu năm 2012, đã ghi nhận 7.889 trường hợp mắc bệnh tại 60/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 9 trường hợp tử vong. Bệnh tay chân miệng tiếp tục có xu hướng lan rộng ra phạm vi toàn quốc, diễn biến khó lường trong điều kiện có nhiều tuýp virus gây bệnh tồn tại trong môi trường.
Để tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố triển khai Chiến dịch quốc gia phòng, chống bệnh chân miệng trong cao điểm tháng 3-4/2012. Một số hoạt động trọng tâm là tổ chức lễ phát động hưởng ứng Chiến dịch quốc gia từ cấp tỉnh đến xã, phường; tổ chức truyền thông tới từng hộ gia đình, đặc biệt là các bà mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi; triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tại các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, hướng dẫn rửa tay nhiều lần trong ngày bằng nước sạch và xà phòng cho trẻ và người chăm sóc trẻ.
Bên cạnh đó, y tế các tuyến cần tăng cường giám sát, chuẩn bị trang bị vật tư, nhân lực, sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn, giám sát và phòng, chống bệnh, không để dịch lan rộng, kéo dài. Các cơ sở điều trị tăng cường tập huấn cho cán bộ, nâng cao năng lực chẩn đoán, phân loại, điều trị, dưỡng bệnh tay chân miệng.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp các ngành, cơ sở y tế các tuyến tăng cường phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để kiểm soát tình hình dịch bệnh, giảm tối thiểu tác động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông đến các hộ gia đình nhằm ngăn chặn sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh tay chân miệng.
Các ban ngành, đoàn thể cần lồng ghép nội dung này vào các lớp tập huấn, góp phần nâng cao kiến thức, giúp người chăm sóc trẻ phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để kịp thời đưa đến cơ sở chữa trị, góp phần tăng tỷ lệ người thực hành các biện pháp vệ sinh cá nhân và môi trường, làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
. Theo Chinhphu.vn |