Những ngày này, không khí chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 đã bắt đầu hiện diện khắp nơi. Nhiều chị em rạo rực chuẩn bị kế hoạch đi chơi, nhận quà tặng của người thân. Nhưng vẫn có không ít người - cũng là phụ nữ - vẫn phải bươn chải với cuộc sống. Với họ, ngày 8.3 cũng như bao ngày bình thường khác.
|
Chị Lê Thị Định bám bến xe bươn chải thay chồng nuôi con ăn học.
|
1.
Hỏi, chị có sợ mùi thối của cống sẽ sinh bệnh tật không, chị nói không. Hỏi chị có mệt mỏi không khi cả ngày quần quật làm việc như đàn ông, chị cười: “Mệt mỏi lắm chứ nhưng riết cũng quen. Công việc vất vả, hôi hám ghê luôn nhưng mình phụ chồng nuôi 5 đứa con thì phải cắn răng mà chịu chứ sao bì được với người khác”.
Chị tên là Nguyễn Thị Lành, ở xóm 2, thôn Đại Hội, xã Phước An, huyện Tuy Phước; đã có kinh nghiệm 7 năm làm thợ vét cống, hút hầm cầu của một công ty tư nhân. Trước kia, chị Lành chỉ ở nhà chăm con, làm ruộng. Sau khi 5 đứa con lần lượt ra đời, rồi đi học với đủ khoản phải chi, chị không thể ở nhà được nữa. Vậy là, mỗi buổi sáng, chị lại khăn gói cùng chồng xuống TP Quy Nhơn làm nghề vét cống, hút hầm cầu. Chồng chị đảm nhận những việc khó như chui xuống hầm rút, cống thì được trả lương 150 ngàn đồng/ngày, việc của chị đơn giản hơn nên chỉ được 100 ngàn đồng/ngày. Cứ thế, chị theo nghề đến nỗi da cháy sạm, tay chân ngày một thô nhám hơn. Nhưng chị vẫn cười tươi như hoa mỗi khi có ai bắt chuyện. Bởi, như chị nói, chị đã “phụ giúp chồng lo gánh nặng gia đình”.
|
Chị Đồng Thị Sấm - dù cuộc sống có vất vả đến đâu, cũng chỉ mong con học hành nên người.
|
2.
Chị đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp về người phụ nữ bán hàng rong ở bến xe. Khác với rất nhiều người bán hàng rong tôi thường gặp ở bến xe, chị hiền lành, nhã nhặn. Chị tên Lê Thị Định, 45 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Chị Định góa chồng khi mới 32 tuổi và từ đó đến nay một mình nuôi 3 đứa con ăn học. Trước kia, chồng chị lái xe tải, chị chỉ ở nhà nội trợ, nuôi con. Chẳng may, anh bị tai nạn qua đời. Cuộc đời chị rẽ sang một lối khác từ đó. Từ người phụ nữ nhút nhát, yếu đuối chị đã phải dầm mưa dãi nắng suốt ngày ở bến xe, học chữ “nhẫn” để trụ với nghề, kiếm sống qua ngày. Có lúc không bán được hàng mà còn bị xốc tung cả thúng, trả giá rẻ mạt hoặc xua đuổi, mắng chửi thậm tệ, thậm chí còn bị vu cho tội ăn cắp…, chị giận tím gan nhưng cũng ráng nhịn. Cuộc sống khó khăn nhưng chị vẫn lạc quan. Chị kể: “Trước kia, chồng mới mất, đứa con lớn 14 tuổi, đứa nhỏ mới lên 5 tuổi, tôi chạy vạy khắp nơi, làm đủ thứ nghề. Ban ngày bám bến xe bán hàng rong, đêm về nhận làm thuê, làm mướn khắp nơi. Ba đứa con nhỏ tự chăm nhau. Giờ đứa lớn đã học xong đại học, đi làm phụ tôi lo cho đứa thứ hai. Tôi chỉ còn phải lo cho đứa út thôi”.
Cũng siêng năng, cần mẫn trong cuộc mưu sinh nhiều vất vả là chị Đồng Thị Sấm, ở xã Cát Tài, làm nghề mua bán ve chai, đang ở trọ tại hẻm 162 Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn. Lên thành phố đi mua ve chai đã gần 5 năm nay, chị tâm sự: “Mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng, cực lắm nhưng còn hơn ở nhà chẳng biết kiếm tiền ở đâu. Mà ngoài chi phí ăn uống cho gia đình, còn đủ thứ chuyện phải tốn tiền như hiếu hỉ, bệnh tật, nên tôi phải cố gắng hết sức!”.
3.
Đổi lại sự hy sinh, vất vả của các chị là cuộc sống bình yên của người thân. Chị Định khoe những đứa con mình đều học giỏi, luôn yêu thương, kính trọng và biết nghe lời chị. Với chị Sấm, việc học của con là quan trọng hơn mọi thứ trên đời. Đứa con gái của chị học rất giỏi, luôn ý thức được mình phải biết yêu thương bà, mẹ. Bởi chị thường nói với con: “Mẹ nghèo, không được học hành, mù chữ nên giờ các con phải học luôn phần mẹ”.
Họ bảo, phụ nữ, hầu như ai cũng mong được “nương bóng tùng quân” nhưng cuộc sống khó khăn, những khúc ngoặt của cuộc sống khiến họ phải bươn chải... Với họ, những ngày mà nhiều phụ nữ được nhận hoa, quà, họ chỉ mong cuộc sống cứ yên ổn, bình yên trôi qua với những gì mà họ đang có.
|