Gas lên giá sốc, bếp từ được chọn dùng nhiều hơn
15:46', 5/3/ 2012 (GMT+7)

Nhiều gia đình đã chuyển sang sử dụng bếp từ, hồng ngoại và cả bếp than tổ ong thay cho bếp gas do giá gas thời gian qua tăng chóng mặt.

Bếp từ hút khách

Những ngày gần đây, tại một số điểm kinh doanh, bếp từ, bếp điện, bếp halogen và bếp hồng ngoại được nhiều người lựa chọn, để đun nấu những lúc cần thiết nhằm tiết kiệm gas.

Chị Trà (Nhân viên bán hàng) cho biết: “Những ngày gần đây số bếp bán ra tăng hơn những ngày trước Tết từ 3-5 chiếc. Khách chủ yếu chọn các loại bếp từ và bếp halogen mức giá từ 700.000 đồng – 1,2 triệu đồng/sản phẩm, còn những loại giá cao hơn ít được lựa chọn”.

Trang bị bếp từ ngay sau thời điểm vụ nổ gas kinh hoàng tại Hà Nội xảy ra, chị Thương (Đống Đa – Hà Nội) cho hay, ban đầu chỉ chuyển sang dùng bếp từ do sợ nổ, song dùng 1 thời gian và tính toán lại chị Thương thấy dùng bếp từ tiết kiệm được gần 1 nửa tiền so với dùng bếp gas.

Cụ thể, với gia đình chị Thương, mỗi tháng gia đình dùng hết khoảng 300 kWh điện, từ ngày có thêm bếp từ, tổng số điện tiêu thụ đội lên thêm 60 kWh nữa. Với giá điện hiện tại trung bình gần 2.000 đồng kWh, nếu tính riêng bếp từ chỉ tốn khoảng 120.000 đồng, hoặc nấu nhiều cũng chỉ gần 200.000 đồng.

Như vậy, với 1 bình gas 12kg, trước đây 2 tháng giá khoảng 390.000 đồng gia đình chị dùng 1 tháng, dùng sang bếp từ tiết kiệm được gần 200.000 đồng. Còn với giá gas như hiện nay, thì gia đình chị tiết kiệm được đến 240.000 đồng.

Thói quen sử dụng bếp gas. Bởi, theo lý giải dù bếp điện tiện lợi, tiết kiệm hơn song không thể phủ nhận được chức năng của bếp gas. Đặc biệt, những ngày điện bị cắt, chỉ có bếp gas mới phát huy tác dụng, còn bếp từ thì “khóc ròng”.

“Tôi thấy đồng nghiệp cứ mách nước nhau mua bếp từ, bếp điện này nọ. Nhưng, tôi thì vẫn dùng bếp gas dù nhà vẫn có 1 cái bếp từ. Vì bếp từ chỉ nấu cháo cho con nhỏ, nấu nước pha mỳ hoặc ăn lẩu. Chứ bếp gas có thể xào, nấu thời gian dài, nấu lượng lớn. Những lúc mất điện mới hiểu được giá trị của bếp gas. Mùa hè gần đến rồi, nếu cắt điện luân phiên xảy ra thì bếp gas cứu cánh cho nhà tôi”. - Anh Tiến Thành (Phố Trần Cung – Hà Nội) cho biết.

Chuyên gia khuyên dùng bếp nào?

Qua tìm hiểu của chúng tôi, một số kỹ sư, chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thiết bị điện đều thừa nhận nấu bếp điện từ, bếp hồng ngoại tiết kiệm nhiệt lượng hơn bếp gas. Bởi, lửa bếp gas dưới đáy nồi, ngoài lượng nhiệt tác động làm chin thức ăn hay nước, còn có một lượng nhiệt thất thoát ra xung quanh. Còn đối với bếp từ, bếp hồng ngoại, nhiệt tập trung hoàn toàn vào thức ăn không có sự thất thoát nhiệt.

Ông Phạm Huy Phong – Phó Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM cho biết, hiện mới chỉ có cách tính theo lý thuyết, để tính được gas hay điện tiết kiệm hơn còn phụ thuộc vào điều kiện đun nấu, thiết bị đun nấu, cách sử dụng của người dân.

Theo tính toán của ông Phong, trong trường hợp đun nước với nhiệt độ nước chưa đun sôi ở khu vực TP.HCM vào khoảng 28 – 30 độ C, nhiệt độ nước sôi ở áp suất khí quyển nước ta 100 độ C, lượng nhiệt trong gas hóa lỏng là 47,31 MJ/kg, còn nhiệt dung riêng trung bình của nước là 4,18kJ/kg độ K. Về lý thuyết, nếu toàn bộ nhiệt lượng 47,31 MJ/kg gas hóa lỏng có thể làm nóng 160kg nước lên đến nhiệt độ sôi (100 độ C). Ở đây không tính đến thời gian đun sau khi sôi.

Ông Phong cho hay: “Tuy nhiên, thực tế lượng nước đốt 1kg gas còn phụ thuộc cách đun. Cách đun sôi nước bằng bếp gas tại gia đình có thất thoát nhiệt ra môi trường lớn. Nguyên nhân là do một lượng nhiệt khá lớn từ gas dùng để làm nước sôi và lượng nhiệt dùng bay hơi nước, nên lượng nước đun được trong thực tế khi dùng 1kg gas hóa lỏng ít hơn so với lý thuyết 160kg nước”.

Cũng theo ông Phong, tương tự 1kWh điện khi dùng thiết bị điện trở như ấm điện, dụng cụ đun nước về lý thuyết có thể đun 12kg nước từ nhiệt độ 28 – 30 độ C lên 100 độ C.

“So với dùng gas, điện trở tiếp xúc với nước gắn trong ấm nên hiệu quả sử dụng nhiệt cao hơn. Còn với bếp gas, lửa cháy dưới ấm đun, sau đó mới truyền qua thành ấm vào nước và mất mát nhiệt ra xung quanh. Với bếp từ, bếp hồng ngoại cũng là nguyên lý tạo ra sóng điện từ để tập trung nhiệt vào thức ăn”.

Với cách tính toán trên đây, 1kg gas tương đương với khoảng 13 kWh điện. Như vậy, với giá điện áp dụng cho hộ gia đình hiện tại thì mức chi phí chưa đến 26.000 đồng. Trong khi đó, giá 1kg gas hiện tại khoảng 38.000 đồng – 39.000 đồng.

Trong khi đó, theo tính toán của Th.S Nguyễn Xuân Cường (Đại học Bách Khoa TP.HCM), 1kg gas hóa lỏng tương đương khoảng 13,38 kWh điện. Bằng cách tính một bài toán nhỏ, khi đun 1 lít nước từ 25 độ C lên đến 100 độ C của Th.S Cường, khi dùng bếp gas (hiệu suất 50%) sẽ tiêu tốn 13,1 g gas, nên chi phí ở mức 510 đồng. Còn nếu đun cùng lượng nước đó với ấm điện (hiệu suất 90%) sẽ tiêu tốn khoảng 200 đồng.

Sự chênh lệch giữa chi phí của nấu bằng gas và bằng điện theo 2 cách tính trên đây là rõ ràng. Tuy nhiên, những người có chuyên môn vẫn đưa ra lời khuyên, đó là cách tính theo lý thuyết còn người tiêu dùng nên tính toán đúng nhu cầu thực tế của gia đình, cách đun nấu để chọn lựa hợp lý.

Bếp điện từ, bếp hồng ngoại chỉ phù hợp với cách nấu nhanh, ngắn, lượng thức ăn ít, còn bếp gas vẫn phù hợp với cách nấu số lượng nhiều, thời gian dài hơn…

Khi chọn bếp gas và tiết kiệm khi dùng bếp gas nên lưu ý:

- Chọn bếp với kích cỡ (công suất) phù hợp nhu cầu.

- Chọn bếp có các vùng nấu (bếp nấu) khác nhau và có thể điều chỉnh dễ dàng độ lớn lửa, nên chọn loại bếp có chế độ lửa hâm.

- Chọn loại bếp có béc đốt và vòng chia lửa rời giúp dễ dàng làm vệ sinh

- Chọn loại bếp có kiềng phù hợp với nồi nấu

- Chọn loại bếp có van an toàn ngắt gas tự động sau khi tắt bếp.

- Chọn loại bếp có chế độ hẹn giờ nếu có thể nhằm kiểm soát thời gian đun nấu, tránh lãng phí và đảm bảo an toàn cháy nổ trong trường hợp người sử dụng quên theo dõi.

Lắp đặt: đảm bảo các mối nối kín khít tránh rò rỉ gas.

 

Sử dụng:

- Sử dụng cỡ nồi phù hợp với lượng thức ăn (tránh thức ăn quá ít so với kích thước nồi).

- Đặt chế độ lửa phù hợp kích thước nồi (sử dụng nồi có kích thước lớn hơn miệng bếp).

- Nên sử dụng nồi kim lọai (tránh dùng nồi gốm sứ, đất,…) với đáy và thành nồi không quá dày.

- Sử dụng nguồn nước nóng sẵn có cho việc đun nấu (nước nóng mặt trời).

- Áp dụng các công đọan ngâm, vò, sắt nhỏ,… nguyên liệu nếu được trước khi đun nấu.

- Không nên để muội bám quá nhiều ở đáy và thành nồi.

- Nên đậy nắp trong khi đun

- Điều chỉnh nhỏ lửa khi đồ ăn bắt đầu sôi.

- Tránh để luồng gió thổi vào khu vực bếp.

- Kiểm sóat thời gian đun nấu vừa đủ.

Thông tin do Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM cung cấp

. Theo VTC

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khám sàng lọc cho trẻ em khuyết tật  (04/03/2012)
Bệnh nhân nghèo ung thư, chạy thận được hỗ trợ chữa bệnh  (04/03/2012)
8.3 - bình thường... như mọi ngày  (04/03/2012)
Phát động Chiến dịch quốc gia phòng, chống bệnh tay chân miệng  (02/03/2012)
449 cơ sở thực phẩm vi phạm VSATTP  (01/03/2012)
Việt Nam chế tạo máy đo phóng xạ cho tàu chiến  (01/03/2012)
Một số lưu ý về bệnh tay chân miệng   (29/02/2012)
Chém… gió  (29/02/2012)
Đình chỉ lưu hành, thu hồi hai loại dược phẩm   (27/02/2012)
Tin vui cho người bệnh phổi  (27/02/2012)
Phát hiện nhiều mẫu rau xanh có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép  (26/02/2012)
Nền nhà và nền đường  (26/02/2012)
Phòng khám tư nhân không khám chữa bệnh BHYT vượt tuyến, trái tuyến  (25/02/2012)
Anh không muốn “thơ” thành “văn xuôi”  (25/02/2012)
Trao quyền và thay đổi nhận thức cho phụ nữ   (25/02/2012)