Trong 10 ngày qua, số bệnh nhi nhập viện khoa Nhi, BVĐK tỉnh có triệu chứng sốt tăng đột biến (20-30 ca/ngày). Theo bác sĩ Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh, sốt là khởi đầu của rất nhiều bệnh lý ở trẻ, như: tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, sốt siêu vi, sốt viêm họng, viêm não..
Bác sĩ Toàn cho biết: Trong tháng 1 và 2, bình quân khoa tiếp nhận điều trị 120 bệnh nhi/ngày. Nhưng, chỉ trong 10 ngày qua, số bệnh nhi nhập viện đã tăng bất thường, có thời điểm lên đến 157 bệnh nhân/ngày. Phần lớn bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao từ 39oC trở lên, mệt, đau mình, ăn uống kém.
|
Trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng đều có triệu chứng sốt. |
* Theo y văn, thời điểm này không phải là “mùa” của các dịch bệnh nói trên. Vậy, đâu là nguyên nhân gây bệnh, thưa bác sĩ?
- Sốt là hiện tượng xảy ra khi “bộ chỉnh nhiệt” trong cơ thể làm tăng thân nhiệt lên cao hơn mức bình thường. Bộ chỉnh nhiệt này nằm trong vùng não, chuyên điều khiển thân nhiệt và những cảm giác như đói, khát… Thân nhiệt của đa số mọi người thường không ổn định và dao động nhẹ trong một ngày: Hơi thấp vào buổi sáng và hơi cao vào chiều tối. Nhiệt độ cơ thể sẽ thay đổi khi trẻ chạy, nhảy, đùa nghịch hoặc tập thể dục. Với điều kiện thời tiết thay đổi, nhiệt độ trong ngày chênh lệch cao, sáng và chiều tối lạnh trong khi buổi trưa lại nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển.
* Vậy, khi nào thì sốt sẽ gây nguy hiểm cho trẻ? Có chăng sự lẫn lộn giữa các bệnh lý do sốt ở trẻ em?
- Bản thân triệu chứng sốt không phải là một dấu hiệu đe dọa đến tính mạng ngoại trừ, những trường hợp sốt cao và kéo dài. Khi trẻ bị sốt, đi cùng với tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao là một số biểu hiện thường gặp khác như mệt mỏi, quấy khóc, đỏ mặt, vã mồ hôi, rùng mình hay run, trẻ lớn có thể kêu đau đầu... Cần phải để ý, theo dõi diễn biến các dấu hiệu trên, không nên chủ quan hay quá lo lắng.
* Nhưng, trong một vài bệnh lý do sốt thì ngay cả bác sĩ điều trị cũng khó tìm ra bệnh nếu chưa từng gặp ca bệnh cụ thể?
- Diễn tiến của một số bệnh lý khởi nguồn từ sốt như viêm não, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng… rất nhanh, nhưng các dấu hiệu đặc thù của bệnh chỉ có thể được xác định khi thăm khám tỉ mỉ, theo dõi sát và làm các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp. Vì thế, thầy thuốc phải theo dõi rất kỹ trong 2 ngày đầu tiên trẻ bị sốt. Với phụ huynh thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám, chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt cảnh giác cao với tất cả các bệnh do sốt, không chỉ nghĩ đến bệnh tay - chân - miệng đang có nguy cơ gây dịch mà bỏ sót các bệnh còn lại.
* Lời khuyên của bác sĩ để xử lý khi trẻ bị sốt và biện pháp phòng bệnh?
- Cần thiết phải hạ sốt cho trẻ khi trẻ sốt cao trên 38,5oC. Có thể dùng nước ấm để lau cho trẻ, đặc biệt là hai bên nách, bẹn. Việc dùng thuốc hạ sốt nên bắt đầu khi nhiệt độ đo được ở nách trẻ trên 38oC và phải theo chỉ định của bác sĩ; đồng thời cho trẻ uống đủ nước, nghỉ ngơi và cặp nhiệt độ thường xuyên.
Về phòng bệnh, khuyến cáo tốt nhất là rửa sạch tay trẻ và người trông trẻ bằng xà phòng, giữ vệ sinh môi trường sống, mặc đồ thoáng. Tránh đưa trẻ đến nơi tập trung đông người, bởi các bệnh đường hô hấp lây cực nhanh trong môi trường này.
· HIỀN LÊ (Thực hiện)
|