Đến cuối năm 2011, xã Đăk Mang (huyện Hoài Ân) còn 41,2% hộ nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Nhưng với kỳ tích nhiều năm liền không có người sinh con thứ ba, Đăk Mang đang xây nền cho một tương lai tươi sáng hơn.
Đến bây giờ, nhiều người vẫn ngạc nhiên khi nghe chuyện người dân cả một xã miền núi quyết tâm chỉ đẻ từ 1-2 con. Vậy mà, Đăk Mang với 304 hộ dân, 1.149 nhân khẩu đã làm nên câu chuyện kỳ lạ ấy từ năm 2008 đến nay.
|
Từ năm 2008 đến nay, Đăk Mang không có người sinh con thứ ba. |
1. Con đường lên trung tâm xã Đăk Mang giờ có nhiều ngôi nhà ngói khang trang, trụ sở UBND xã cũng đang được xây mới. Ngay từ đầu thôn O6, vang lên tiếng trẻ bi bô đọc chữ, hát múa, chơi trò chơi từ lớp mẫu giáo; tiếng trống trường bắt đầu một tiết học mới ở trường tiểu học. Anh Phó chủ tịch UBND xã trẻ Đinh Công Trường khoe: “Cả xã giờ có 3 điểm trường mầm non và 3 điểm trường tiểu học. Tất cả con em trong độ tuổi đến trường đều đi học, mầm non chừng 70 cháu, tiểu học 125 cháu”.
Tiếng là diện tích tự nhiên đến hơn 12.000 ha nhưng phần đất nông nghiệp và đất có khả năng canh tác của Đăk Mang rất ít. Anh Trường cho biết, trẻ em ở Đăk Mang học hết tiểu học thì khăn gói lên huyện học cấp II, đứa khá thì xuống tỉnh học tiếp. Mấy năm nay, ngoài các suất sinh viên cử tuyển, xã có nhiều em tự thi vào các trường đại học, cao đẳng, rồi ra trường “bay nhảy” đi làm việc ở các nơi.
Ông Đinh Văn Thuận, Phó Bí thư Đảng ủy xã, tiếp lời: “Thế hệ chúng tôi chỉ quanh quẩn trong làng. Giờ đã có nhiều thanh niên ra ngoài, mỗi dịp hè hay Tết mới về thăm nhà. Hộ nào cũng có nhà xây, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như người dưới xuôi; 80-90% hộ dân có ti vi, xe máy, có nhà 2-3 chiếc xe máy”. Đăk Mang giờ nổi lên nhiều người trẻ “có của” trong nhà. 30 tuổi, anh Đinh Bá Nê, ở thôn O11, nổi tiếng cả xã bởi đàn trâu, bò hơn 30 con, mà giá mỗi con trâu thịt chừng mười triệu đồng. Hay anh Đinh Cao Thới, 33 tuổi, ở thôn O6, ngoài công tác xã hội, còn là một người chăn nuôi giỏi, con cái học hành đến nơi đến chốn...
2. Ông Đinh Văn Thuận bảo, sự thay đổi ấy của Đăk Mang có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là chuyện xã “hãm” được đà đẻ dày của bà con. Lãnh đạo xã xác định yếu tố đầu tiên cần làm trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân chính là công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).
“Hàng năm, xã đều ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác DS-KHHGĐ và được quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên, lồng ghép vào chương trình hoạt động của các ngành, hội đoàn thể. Xã còn phân công cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã và nhân viên y tế thôn lập danh sách phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để tiện cho việc quản lý, theo dõi” - ông Thuận kể.
|
Trẻ em Đăk Mang đều được đi học.
- Trong ảnh: Lớp học mầm non ở điểm trường O6. |
Nhưng chuyện người dân Đăk Mang ký cam kết với chính quyền không sinh con thứ ba mới là cách làm hay mà đến giờ không nơi nào học được. Trong hương ước của làng về xây dựng làng văn hóa quy định những cá nhân nào vi phạm về chính sách DS-KHHGĐ thì không những bị tước hết mọi quyền lợi mà còn phải nộp phạt một khoản tiền bằng tiền thưởng của một xã được khen về công tác dân số.
Ông Trần Thanh Tùng, giáo viên Trường Tiểu học Đăk Mang: Hơn chục năm gắn bó với Đăk Mang, giáo viên cắm làng như chúng tôi vui lắm; bởi từ chỗ phải đi năn nỉ đồng bào cho con đến trường, bây giờ nhiều gia đình đã coi chuyện học của con là trên hết. Nhiều năm qua, xã có 100% trẻ vào lớp 1 đúng độ tuổi và không có học sinh bỏ học ở cấp tiểu học. |
Trưởng thôn O11 Đinh Văn Lức tự hào nói, 11 năm rồi, thôn không có người sinh con thứ ba. “O11 có 37 hộ, ban đầu nói chuyện “kế hoạch”, ký bản cam kết, mọi người cũng phản ứng; nhưng trưởng thôn, đại diện các hội đoàn thể, cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn kiên trì vận động, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt. Nhờ thế, thôn chưa phải áp dụng hương ước để phạt ai cả”- ông Lức chia sẻ.
Sau nhiều năm kiên trì vận động, đến nay, Đăk Mang luôn có tỉ suất sinh đạt và vượt yêu cầu huyện giao, 100% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
3. Từ năm 2008 đến nay, Đăk Mang liên tục được công nhận là xã không có người sinh con thứ ba. Anh Trường tâm sự, cái đáng quý là từ nhận thức tích cực, người dân đã hiểu rõ hệ lụy đẻ dày, đẻ nhiều. Vui nhất là ở Đăk Mang giờ đã hình thành một lớp trẻ có suy nghĩ rằng đẻ ít để lo cho con ăn học và làm giàu.
Chị Đinh Thị Kim, cộng tác viên dân số thôn O11, cho biết, bây giờ làm dân số “nhàn”, chỉ mỗi việc chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn bà con làm kế hoạch hóa gia đình, chứ không còn chăm chăm lo tuyên truyền đẻ ít, đẻ thưa nữa. Chị Đinh Thị Nét, 26 tuổi, ở thôn O11, cho biết: “Nhà có 2 con trai, nhà chồng bảo có đứa con gái càng vui, nhưng tôi không đẻ nữa. Chờ hai con lớn thêm chút nữa, vợ chồng ra ngoài tính chuyện làm ăn”.
Anh Trường khẳng định: “Chuyện đẻ ít có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo của xã. Con cái ổn định rồi, từ giờ trở đi, bà con chỉ còn lo phát triển kinh tế, làm giàu nữa thôi!”.
|