Trong những năm qua, phụ nữ dân tộc thiểu số ở Vân Canh đã phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, với tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, nỗ lực vươn lên trên mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Phụ nữ người dân tộc thiểu số xã Canh Thuận làm cỏ đậu phụng.
|
Tập trung xóa đói giảm nghèo
Để thúc đẩy bình đẳng giới trong phụ nữ dân tộc thiểu số, các cấp Hội phụ nữ ở Vân Canh coi nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo là mũi nhọn nhằm nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho phụ nữ, đồng thời thu hút phụ nữ đến với tổ chức Hội. Nhiều hình thức được các cấp Hội phát huy và duy trì như: Tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm, góp vốn vì người nghèo, tín chấp vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cho người nghèo đầu tư phát triển kinh tế, thành lập tổ phụ nữ vần đổi công, tổ phụ nữ sản xuất giỏi, các CLB phụ nữ không sinh con thứ 3, phụ nữ không hút thuốc lá, không uống rượu bia say... Trong nội dung sinh hoạt ở các CLB, tổ, nhóm, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, chị em còn trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc...
Hiện nay, các cấp Hội phụ nữ huyện Vân Canh đang quản lý nguồn vốn vay hơn 60 tỉ đồng, giúp cho hơn 3.000 phụ nữ vay vốn. Khảo sát cho thấy, chị em được vay đều sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả; tập trung vào đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm kinh tế vườn đồi, mở dịch vụ buôn bán. Rất nhiều chị làm ăn có hiệu quả cho thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm, như gia đình chị Lơ O Thị Hồng, Đinh Thị Hạnh (thị trấn Vân Canh), Định Thị Chính, Đinh Thị Deo (Canh Thuận)… Chị Đinh Thị Xuân Bông, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Canh Thuận, nhận xét: “Trước kia, phụ nữ người dân tộc thiểu số sản xuất tự cung tự cấp là chủ yếu, nếu tiêu dùng thừa thì bán chút ít ra ngoài. Người dân làm xong một vụ mùa thì không biết mùa tiếp theo trồng cây gì, bán ở đâu khi đến mùa thu hoạch. Nhưng nay thì khác rồi. Chị em biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế, trồng rừng, trồng mía, mì cao sản, nuôi heo rừng lai, bò lai… Nhiều chị em đã khá lên nhờ sự hỗ trợ của Hội và sự nỗ lực không ngừng của bản thân”.
Nâng cao kiến thức mọi mặt
Cùng với việc đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, các cấp Hội đã chú trọng việc hỗ trợ phụ nữ vươn lên làm giàu chính đáng. Hội LHPN huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho hội viên, tổ chức đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho hàng trăm lượt phụ nữ. Từ đó giúp họ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mô hình kinh tế trang trại, áp dụng các tiến bộ KHKT, sử dụng các loại giống có năng suất cao vào sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa và thực hiện các biện pháp phòng dịch cho gia súc, gia cầm.
Ở Vân Canh, phong trào phụ nữ giúp nhau không lấy lãi về cây giống, vật nuôi, vật tư phân bón, ngày công, tiền đang diễn ra sôi nổi. Năm 2011, thông qua phong trào tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, các cơ sở hội đã cụ thể hóa thành mô hình “ống tiền tiết kiệm”, “nuôi lợn nhựa”, “hũ gạo tình thương”, thu được trên 3,6 triệu đồng và gần 1,5 tấn gạo, giúp cho 375 hội viên khó khăn.
Bên cạnh việc phát động phong trào trên, các cấp Hội còn tín chấp cho hội viên phụ nữ vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng công trình nước sạch. Hội còn tổ chức cho chị em đi tham quan danh lam thắng cảnh, học tập các mô hình kinh tế trong và ngoài huyện; giúp chị em nâng cao kiến thức, hiểu biết mọi mặt, đặc biệt trong việc chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình, góp phần xây dựng gia đình phát triển bền vững. Những hoạt động trên đã giúp đời sống của phụ nữ miền núi Vân Canh từng bước được cải thiện và có tích luỹ. Chị em đã tự tin hơn trong cuộc sống, sôi nổi hơn trong các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
Chị Lê Hiếu Nam, Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Vân Canh, cho biết: “Phụ nữ dân tộc thiểu số không như ngày xưa, chỉ biết quanh quẩn trong làng. Nay chị em không những đã biết làm kinh tế mà còn biết thêm rất nhiều kiến thức xã hội. Họ có thể xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài cho gia đình, trở thành trụ cột của gia đình, là chỗ dựa tin cậy cho con cháu”.
Hiện nay, Hội LHPN huyện Vân Canh tiếp tục duy trì và phát triển các tổ tín dụng tiết kiệm, phấn đấu mỗi tổ phụ nữ xây dựng 2-3 mô hình phát triển kinh tế, giúp 1-2 hộ thoát nghèo. Hội chủ trương giúp đỡ phụ nữ đơn thân khó khăn, phụ nữ nghèo làm chủ hộ, phấn đấu 100% số phụ nữ nghèo được vay các nguồn vốn của tổ chức hội và được Hội giúp đỡ dưới nhiều hình thức như vốn, giống, ngày công… Tất cả là nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ Vân Canh phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, năng lực của mình, khẳng định vai trò trong gia đình và ngoài xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới trong phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.
|