Câu trả lời là dễ, nếu bạn chịu khó suy nghĩ một chút cũng như tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm.
1. Chị Mai Vy làm ở một cơ quan hành chính, còn chồng làm ở doanh nghiệp. Lương của chị được trả vào đầu tháng, còn lương của chồng thì công ty trả làm hai lần, vào ngày 10 và 20 hàng tháng. Việc nhận lương lắt nhắt và không tập trung như vậy của hai vợ chồng đã khiến chị Vy một thời gian dài không kiểm soát được chi tiêu của gia đình. Chị kể, đầu tháng chị nhận lương, chi các khoản: đóng tiền học cho con, mua sữa, đi chợ được vài bữa thì hết mà chồng vẫn chưa nhận lương lần thứ nhất. Thế là phải mượn đỡ vào các khoản dự trù cho đau ốm, hiếu hỉ; đến khi nhận lương của chồng thì trả bù vào, chi tiêu chưa được bao lâu thì lại mượn tiếp. Cứ vậy, chị không nắm rõ mỗi tháng mình chi tiêu khoản nào là thường xuyên, khoản nào phát sinh, tâm trạng cứ luôn bức bối vì thiếu trước hụt sau.
|
Quản lý tốt chi tiêu hàng ngày trong gia đình sẽ giúp tránh được bị động trong tương lai (ảnh minh họa). |
Cho đến khi chị tình cờ đọc được một bài báo tư vấn về chi tiêu gia đình. Như tìm được “bảo bối”, chị Mai Vy lập tức làm theo. Chị hoạch định ngân sách gia đình ngay từ đầu tháng và mượn tạm từ quỹ dự phòng gia đình một khoản đủ cho chi tiêu cả tháng theo dự trù; đồng thời, ghi sổ rõ ràng, cụ thể các khoản thu - chi hàng tháng. Lương và những khoản thu nhập không thường xuyên, chị gom lại để cuối tháng trả nợ một lần. Làm như thế mới hai tháng, chị Mai Vy thấy thoải mái hẳn vì biết được mỗi tháng mình tiêu bao nhiêu, để dành được bao nhiêu. Nhưng phần thưởng lớn nhất, như chị Vy kể, là vợ chồng chị không còn cảnh nhăn nhó với nhau vì chuyện tiền nong.
2. Kỹ tính hơn chị Mai Vy, chị Ngọc Liên, một kế toán, quản lý tài chính gia đình bằng cách lập bảng tính excel hẳn hoi với các nội dung: các khoản thu, các khoản chi (gồm chi phí dự trù, chi phí thực tế, chênh lệch), tổng thu, tổng chi, kết sổ. Trong đó, mục các khoản chi được kê rất chi tiết, cụ thể như: tiền chợ, tiền học cho con, tiền tiêu vặt, chi phí giải trí, quần áo, tiền điện nước... Và thế là bất cứ lúc nào trong tháng, chị Ngọc Liên cũng có thể nắm rõ mình đã thu, đã chi bao nhiêu, ngân quỹ gia đình còn lại bao nhiêu.
Cũng tương tự nhưng do điều kiện không cho phép, chị Vân, một người nội trợ, lại làm theo cách của mình. Với đại gia đình gồm hai vợ chồng chị, một con gái còn đi học và vợ chồng con trai, hai cháu nội sống chung, ăn chung, chị Vân cho biết, chị chỉ có hai khoản thu là tiền lương chồng đưa và tiền ăn vợ chồng con trai đưa. Sau khi nhận các khoản trên, chị Vân lập tức phân loại các khoản chi và cho số tiền dự trù chi mỗi khoản vào các bì thư khác nhau, bên ngoài ghi rõ: tiền chợ hàng ngày, tiền thức ăn riêng hai cháu nội, tiền ga, tiền gạo, tiền điện - nước, chi linh tinh... Khoản nào thực tế chi hơn số tiền dự trù thì chị Vân lấy từ phong bì “chi linh tinh” bù qua. Làm theo cách ấy, chị Vân cho biết, nhiều năm qua, chị hầu như rất ít bị động trong chi tiêu gia đình, lại tiết kiệm được các khoản chi không cần thiết.
Để hạn chế những khoản chi tiêu cá nhân của một người ưa mua sắm như mình, chị Thanh Thúy, một nhân viên văn phòng, chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm như sau. Chị kể, trước đây, mỗi khi lĩnh lương, chị lập tức shopping mua ngay cho mình một bộ cánh hay đôi giày, thỏi son mới... Thói quen này vẫn kéo dài cho đến khi chị lấy chồng, có con. Nhưng rồi, chị Thúy sớm nhận ra là mình phải hạn chế thói quen phung phí này vì còn phải lo cho gia đình. Nghe lời tư vấn của cô bạn làm trong ngành bảo hiểm, chị Thúy lập tức mở một tài khoản ở ngân hàng. Hàng tháng, sau khi cơ quan trả lương qua tài khoản ATM, chị Thúy lập tức chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản ấy trước khi rút tiền lương. Chị nhận xét: “Thấy tiền lương hụt một khoản, dù là hụt ảo, mình có tâm lý chần chừ ngay, không dám mua sắm cho riêng mình. Cái lợi thứ nhất là tiết kiệm được một khoản không đáng chi; lợi thứ hai là gia đình mình có thêm một khoản tiền dự phòng khi cần chi dùng đột xuất”.
3. Để quản lý chi tiêu gia đình, nhiều phụ nữ đã thuộc nằm lòng các “chiêu thức” như: Mua hàng vào dịp siêu thị khuyến mãi, giảm giá; tránh đi chợ vào những thời gian cao điểm như lễ, Tết mà nên mua trước hay sau đó vài hôm và dự trữ trong tủ lạnh... Nhưng quản lý chi tiêu gia đình không chỉ giới hạn trong chi tiêu hợp lý, tiết kiệm thường ngày mà còn phải biết hoạch định những kế hoạch tài chính lớn, dài hơi. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những phụ nữ tự chủ tài chính và có khả năng quản lý chi tiêu hàng ngày trong gia đình tốt thì luôn có ý thức tích lũy để gia đình chủ động với những mục tiêu tài chính lớn trong tương lai.
|