Vào TP Hồ Chí Minh học đại học, tôi đi làm thêm. Công việc gia sư không chiếm nhiều thời gian nhưng cho thu nhập khá.
Trong số các học trò, tôi không bao giờ quên cô bé tôi dạy gần hai năm. Con nhà giàu, phòng học được trang bị đầy đủ tiện nghi, vậy mà em vẫn rất buồn.
Một hôm, tôi đến sớm. Cô giúp việc bảo cả nhà đang ăn cơm. Tôi nghe tiếng cãi cọ của ba mẹ em về chuyện làm ăn. Họ lớn tiếng. Còn em thì thu lu ở một góc bàn, hết đưa mắt nhìn bố, lại len lén nhìn mẹ, hai giọt nước mắt lăn dài.
Cô giúp việc bảo tôi, hầu như ngày nào bố mẹ em cũng cãi nhau trong bữa ăn. Trên bàn toàn những món ngon nhưng em không hề động đũa. Tôi chợt nghĩ, nếu thức ăn này mà để thằng Út, em tôi, trông thấy thì chắc nó sẽ reo lên: “Ngon quá chị Hai ơi!”.
Phải rồi, vì em trai của tôi chưa từng được ăn một bữa cơm thịnh soạn. Nhà có hai chị em, ba má đã rất chật vật mới lo nổi chuyện ăn học. Bữa cơm nhà chỉ toàn đậu hũ, rau luộc. Hôm nào nghe em than thở, má mới dám mua ít thịt heo gọi là đổi món. Mỗi sáng, hai chị em đi học với cái bụng đói meo chứ đâu phải là sữa, tô phở hay bánh mì như những cô bé, cậu bé mà tôi từng làm gia sư. Nhiều hôm nhìn Út bơ phờ vì đi học đói, tôi phát khóc.
Nhà khó khăn nhưng ba má vẫn cố lo cho chị em tôi bằng bạn bằng bè. Tôi vẫn thường tự hào với đám bạn rằng, gia đình mình hạnh phúc. Tiếng nói cười luôn vang động trong mỗi bữa ăn. Tuy chỉ có những món ăn đơn giản nhưng cả nhà tôi vẫn ăn rất ngon. Có hôm, ba luộc một quả trứng gà cho hai chị em. Tôi không dám ăn, nhường Út. Út cũng không ăn, bảo tôi phải ăn cùng thì nó mới chịu. Cả nhà cùng cười.
Lớn lên, đi học xa nhà, tôi càng thấm thía nỗi nhớ nhà và nhớ những bữa cơm gia đình đơn sơ. Còn nhớ, cô bạn thân của tôi, dù được ba mẹ lo không thiếu thứ gì, vẫn hay sang nhà tôi ăn cơm, khen nức nở: “Cơm nhà bạn ngon quá!”.
Giờ thì tôi đã hiểu, bữa ăn ngo n không phải vì cao lương mỹ vị. Đơn giản đó là bữa ăn ấm áp tình gia đình.
|