Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển đảo và ven biển” (gọi tắt là Đề án 52) được triển khai hơn hai năm nay là bước đột phá trong việc giảm quy mô, nâng cao chất lượng dân số cho người dân xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước.
Phước Thắng có 2.594 hộ, 9.344 nhân khẩu; trong đó, phụ nữ trong độ tuổi 15-49 có chồng là 1.614 người; xã có 9 thôn thì có 3 thôn ven đầm Thị Nại. Nhiều người dân nơi đây có tâm lý đề cao việc sinh con trai. Vài năm trước, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên của Phước Thắng là 8,15‰ và tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên là 24,3%.
|
Nhiều chị em vừa là người tham gia thực hiện chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ, vừa là cộng tác viên. |
Cuối năm 2009, trên cơ sở thực hiện Đề án 52, lãnh đạo xã Phước Thắng đề ra mục tiêu giảm tỉ lệ tăng dân số tự nhiên và con thứ ba trở lên; tăng tỉ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Kết quả, đến đầu năm 2012, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở đây đã chuyển biến tích cực. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên của xã giảm còn 7,16‰; tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên còn 14,9%.
Các cấp, ngành vào cuộc
Kết quả này một phần nhờ vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã; sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể từ xã xuống thôn; sự đoàn kết, tích cực hoạt động của đội ngũ y tế và cộng tác viên dân số; cùng sự hưởng ứng, đồng tình của nhân dân. Đặc biệt, một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho người vận động và người thực hiện các biện pháp tránh thai theo Đề án 52 của xã đã tạo động lực cho công tác DS-KHHGĐ.
“Nhờ có Đề án, nhiều người được cung cấp đầy đủ, kịp thời các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm dần tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Bây giờ, người dân ở các thôn ven đầm của xã Phước Thắng là những điển hình sinh ít con để nuôi dạy tốt và làm kinh tế gia đình” - chị Phạm Thị Hà, chuyên trách DS-KHHGĐ xã Phước Thắng, nói.
Trước đây, Đông Điền tách biệt hoàn toàn với 8 thôn còn lại của xã Phước Thắng. Đời sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; tình trạng sinh con thứ ba khá phổ biến. Khi Đề án 52 được đưa về thôn, người dân Đông Điền đã không còn tư tưởng “cố đẻ” cho có con trai.
Chị Lê Thị Mỹ Trinh, 32 tuổi, ở thôn Đông Điền, cởi mở: “Mấy năm nay, lần nào xã tổ chức Chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, tôi đều tham gia. Từ khi được tuyên truyền thực hiện mô hình gia đình ít con, vợ chồng tôi quyết định không sinh con thứ ba để có thời gian chăm sóc bản thân, gia đình và làm ăn”.
Chị Trần Thị Tiện, cộng tác viên dân số thôn Đông Điền, khẳng định: “Từ ngày triển khai Đề án, người dân được hưởng lợi nhiều hơn; bản thân họ cũng đã quan tâm nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe của mình. Không chỉ phụ nữ, mà nhiều nam giới cũng vui vẻ tạo điều kiện cho vợ được tham gia các biện pháp tránh thai”.
|
Chị Lê Thị Mỹ Trinh (bên phải) cho biết từ khi được tuyên truyền thực hiện mô hình gia đình ít con, vợ chồng chị quyết định không sinh con thứ ba để có thời gian chăm sóc bản thân, gia đình và làm ăn. |
Đa dạng hóa hoạt động truyền thông
Chị Tiện chia sẻ: “Ngày trước đi vận động rất cực, mà nhiều người vẫn không chịu KHHGĐ, nhất là với những gia đình có lao động làm nghề khai thác, đánh bắt thủy sản. Còn hiện nay, cứ gửi giấy mời là chị em thu xếp công việc tham gia đầy đủ. Có chị mới sinh một con cũng tham gia các biện pháp tránh thai hiện đại và muốn thôi sinh”.
Có được kết quả trên phải kể đến việc triển khai công tác truyền thông DS-KHHGĐ một cách tích cực và sự phối hợp hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể ở xã, thôn. Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp thực tế địa phương; cán bộ và cộng tác viên dân số đã chú trọng chọn lọc những thông tin, mẫu chuyện về DS-KHHGĐ dễ nghe, dễ hiểu để phát trên hệ thống loa phóng thanh và truyền thông lưu động; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tại những nơi công cộng, tư vấn tại nhà. Xã cũng đã thành lập câu lạc bộ và nhóm phụ nữ không sinh con thứ ba. Ở đó, chị em vừa là người tham gia thực hiện chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ, vừa là cộng tác viên.
Thực tế trên cho thấy, hoạt động truyền thông, vận động nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi bền vững ở các đối tượng về DS-KHHGĐ trong triển khai Đề án 52 là một quyết sách phù hợp. Khi các hoạt động truyền thông bằng pa nô, khẩu hiệu, tư vấn… đã trở nên quen thuộc cho người dân Phước Thắng, thì một số hình thức truyền thông mới đang tích cực triển khai được người dân tiếp nhận rất nhiệt tình như hình thức sân khấu hóa thông qua các chương trình văn nghệ, nhạc sống, kịch, tấu, hài, tiểu phẩm vui về công tác DS-KHHGĐ.
Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, khẳng định: “Giảm quy mô dân số là mục tiêu hàng đầu để xã xóa đói giảm nghèo. Dù đã có kết quả bước đầu, nhưng để làm được điều này, luôn cần có một chiến lược bền bỉ giúp người dân hiểu và nhận thức đúng trong lĩnh vực DS-KHHGĐ”.
|