Chiều 16.4, bác sĩ Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, cho biết: “Sức khỏe của 4 bệnh nhân bị bệnh viêm da bàn tay, bàn chân đến từ xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Nội và khoa Truyền nhiễm đã tạm ổn; nhưng vẫn cần phải theo dõi chặt những diễn biến bất thường của bệnh”.
|
Bệnh nhân Phạm Thị Có (64 tuổi, ở thôn Huy Long, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) đang được điều trị bệnh viêm da bàn tay, bàn chân tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh (ảnh chụp chiều 16.4). |
Đây là những bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa vào ngày 14.4. Khi tiếp nhận, sức khỏe 2 trong 4 bệnh nhân trên nguy kịch, với biểu hiện sốt cao 40-41oC, co giật, tụt huyết áp, tim đập nhanh, tiểu cầu giảm, tổn thương gan mật, suy đa tạng, rối loạn chức năng đông máu, rối loạn điện giải…
Bác sĩ Minh cho biết thêm, cùng với việc điều trị bệnh viêm da theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bệnh viện đã dùng thuốc trợ gan, nâng thể trạng, bổ sung các yếu tố gây rối loạn đông máu và điều chỉnh rối loạn điện giải cho bệnh nhân. Như vậy, tính từ đầu tháng 4 đến nay, BVĐK tỉnh đã tiếp nhận 8 bệnh nhân bị viêm da bàn tay, bàn chân đến từ huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi; trong đó 4 bệnh nhân nặng đã tử vong.
Từ giữa tháng 4.2011 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã có 165 trường hợp mắc bệnh viêm da tay, da chân. Ngoài 1 trường hợp ở huyện Minh Long, 164 người còn lại đều ở huyện Ba Tơ, tập trung chủ yếu ở xã Ba Điền với 155 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 7 người đã tử vong. Đến nay, ngành Y tế vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra bệnh này. |
Trong một diễn biến khác, đến hết ngày 15.4, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa đã tiếp nhận và điều trị cho 84 trường hợp bị bệnh viêm da bàn tay, bàn chân đến từ xã Ba Điền. Bệnh nhân vào viện đều có hiện tượng suy nhược cơ thể (mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, vàng da và rụng tóc), bị các tổn thương da (dày sừng da lòng bàn tay, chân tạo thành một bờ rõ nổi cao, thâm tím hoặc nổi sẩn đỏ 2 bên má, trán) và các hội chứng dạ dày, tắc mật, hủy hoại tế bào gan… Một số người bị nặng còn kèm thêm hội chứng tràn dịch đa màng và viêm cơ tim...
Trên cơ sở phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành vào tháng 1.2012, tùy trường hợp cụ thể của người bệnh, các bác sĩ có thay đổi phác đồ điều trị cho phù hợp. Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa phải bố trí thêm 25 giường bệnh, 4 điều dưỡng và số hộ lý cũng tăng lên gấp 3 lần để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nói trên. Bác sĩ Trần Phước Nghĩa, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, cho biết các bác sĩ phải trực 24/24 giờ để giành giật từng mạng sống của bệnh nhân. Sau một thời gian điều trị, đã có 11 bệnh nhân ổn định sức khỏe và xuất viện. Hiện, Bệnh viện vẫn còn 39 trường hợp đã qua cơn nguy kịch, nhưng cần theo dõi tiếp.
|