Không chỉ khi giá điện tăng, xăng tăng, làm nhiều mặt hàng tăng giá như hiện nay, mà bất kể lúc nào, các quầy hàng khuyến mãi, giá rẻ, sale off luôn thu hút nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ. Đây là một thói quen mua sắm tốt cho ngân sách gia đình, tuy nhiên vẫn cần phải có mẹo thì hiệu quả mới cao.
Tràn lan hàng giảm giá
Tuần trước, chị bạn tôi hí hứng khoe mới tậu được gần chục món cả quần, áo mà tốn chỉ hơn 500 ngàn đồng, vì mua hàng “big sale”, có món giảm tới 80%. Chị tả lại quang cảnh shop quần áo bán hàng giảm giá khi ấy: “Không phải như mua hàng bình thường, thích món nào thử món ấy đâu. Có người mới vào, tích tắc ngắm nghía và chộp ngay năm, bảy cái áo, váy, sau đó mới thử và bỏ bớt những món không thích. ai cũng tranh nhau mua mà. Xen lẫn tiếng ồn ào, trò chuyện của khách mua hàng, chọn lựa là những cuộc điện thoại hối thúc của các ông chồng đứng chờ ở ngoài, trong khi các bà vợ ở trong cửa hàng thì vẫn háo hức, say sưa: “Chưa, chưa xong. Đang lựa đồ mà!”.
|
Khách hàng đang lựa chọn mua hàng khuyến mãi tại Co.op Mart Quy Nhơn (ảnh minh họa). Ảnh: V.L |
Những quầy hàng, cửa tiệm có chương trình khuyến mãi bán hàng giảm giá thì không khí mua sắm đều tấp nập và mức độ phụ thuộc vào tỉ lệ phần trăm giảm giá hay giá trị quà tặng kèm. Thực chất, khuyến mãi là chính sách bán hàng nhằm thu hút người mua bằng việc giảm giá, tặng quà khi mua hàng... Người kinh doanh thường áp dụng chương trình khuyến mãi vào những thời điểm như: Khai trương, kỷ niệm ngày thành lập, thanh lý hàng tồn kho, xả hàng để nhập hàng mới về, lôi kéo nhiều khách đến với cửa hàng của mình do ế ẩm... Chính vì thế, hàng khuyến mãi cũng có muôn nẻo chứ không hẳn tất cả đều rẻ.
Chị Tuyết Anh, một bà nội trợ kể, có lần, chị đi siêu thị và mua một túi bột giặt có chương trình khuyến mãi. Chị so giá và thấy rẻ hơn ngoài chợ vài ngàn đồng, lại được tặng kèm chai nước rửa chén nên quyết định mua. Tuy nhiên, khi về nhà kiểm tra lại, chị mới “té ngửa” bởi hàng chị mua là hàng tồn, gần hết hạn sử dụng và giá trên bao bì thấp hơn giá chị mua mấy chục ngàn đồng.
“Bí kíp” mua hàng khuyến mãi
Nhiều chị em tâm sự, họ từng nhiều lần mua hàng khuyến mãi, cũng có những lần thất vọng nhưng vẫn háo hức trước các tin khuyến mãi kiểu như: big sale, đại hạ giá, khuyến mãi cực sốc, mua 1 nhận 2... Vì thế, họ băn khoăn, làm thế nào để mua được hàng khuyến mãi là hàng tốt, giá rẻ chứ không phải là ngược lại.
Để kinh doanh hiệu quả, những doanh nghiệp lớn thường trích từ doanh thu hàng năm để xây dựng quỹ khuyến mại cố định, nhằm phục vụ những đợt giảm giá, để cảm ơn khách hàng và làm thương hiệu. Một số doanh nghiệp khác áp dụng khuyến mãi giảm giá dựa trên phương châm: Lời ít nhưng bán số lượng nhiều nhằm quay vòng vốn nhanh. Cũng có nhiều doanh nghiệp bán hàng giảm giá nhằm thanh lý hàng cũ thu hồi vốn, xả hàng để nhập hàng mới về...
Tuy nhiên, cũng có cửa hàng nhập nhằng, lợi dụng khuyến mãi để bán hàng, trộn lẫn hàng kém chất lượng, hàng tồn kho vào hàng chính hãng để bán, hoặc dùng chiêu nâng giá lên rồi khuyến mãi hạ giá xuống, thành ra “mèo vẫn hoàn mèo”. Vì thế, bên cạnh việc cần lựa chọn cẩn thận, tránh mua những mặt hàng cũ, hàng tồn, bị lỗi; đồng thời, tham khảo giá, xuất xứ hàng hóa, mẫu mã, thời gian bảo hành… trước khi quyết định mua, người tiêu dùng cần biết những mẹo cơ bản khác trong việc mua hàng khuyến mãi.
Lời khuyên của những chuyên gia trong lĩnh vực này là, đừng quan tâm đến mức độ khuyến mãi bao nhiêu phần trăm, cũng đừng nhìn vào giá niêm yết, mà nên xem xét giá thực tế phải trả của sản phẩm trước khi chọn mua. Chị Ngọc Lan, một người chuyên săn hàng giảm giá chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi là cần tham khảo các thông tin khuyến mãi trước khi đi đến siêu thị, cửa hàng. Việc này rất cần thiết, bởi qua đó, mình biết được những mặt hàng nào mình có nhu cầu, đồng thời so sánh với giá bên ngoài siêu thị, nếu hội đủ các điều kiện: cần mua, rẻ hơn (chất lượng tương đương) thì mua; tránh thấy cái gì khuyến mãi cũng mua mà không cần dùng đến. Chỉ mua hàng kèm tặng phẩm khi đã biết giá của sản phẩm trước đó, vì rất có thể giá bán đã cộng thêm giá của tặng phẩm đính kèm”.
Một kinh nghiệm khác cũng được đông đảo bà nội trợ rút ra là, không mua những thứ lặt vặt theo ý thích; không nên chỉ đơn thuần vì sản phẩm đó đẹp mà mua và càng hạn chế chi tiêu vì ý nghĩ: sau này ắt có lúc dùng đến...
|