Bi hài… vòng tránh thai
21:13', 27/4/ 2012 (GMT+7)

Dù đã đặt vòng tránh thai song có người vẫn phát hiện mình “dính” bầu; có người lại sợ toát mồ hôi vì chiếc vòng kia không chịu nằm yên, mà “chu du” đến những vị trí khác trong cơ thể… Đó là những tai nạn - dù hiếm - quanh chiếc vòng tránh thai.

Chiếc vòng “đi” lạc

Đó là trường hợp khá hi hữu của chị H. (ở huyện Hoài Ân). Sau sinh 5 tháng, chị H. đặt vòng tránh thai nhưng được một thời gian thì bị đau quanh rốn, không đi tiêu, tiểu được. Đi khám, bác sĩ kết luận thủ phạm chính là chiếc vòng tránh thai “đi” lạc vào… ổ bụng. Chị phải đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để phẫu thuật. Theo các bác sĩ, việc vòng tránh thai di chuyển vào ổ bụng hay bàng quang là một biến chứng hiếm gặp.

 

Tư vấn sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp cho phụ nữ xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước).

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, có tử cung sau khi được đặt vòng thì tăng cường co bóp, khiến vòng có thể bị tuột hoặc thậm chí bị đẩy lún sâu dần vào lớp cơ của tử cung. Quá trình này diễn ra từ từ và không gây ra triệu chứng khó chịu gì nên chị em thường không biết. Sau đó, vòng sẽ xuyên qua lớp cơ và dần chui vào ổ bụng.

Hơn nửa năm nay, chị H.T.D. (30 tuổi, ở huyện Hoài Nhơn) sống chung với nỗi lo ra máu âm đạo kéo dài từ sau ngày đặt vòng tránh thai. Hơn nữa, chị D. luôn “thấp thỏm”, bởi kết quả siêu âm của bệnh viện không thấy có dấu hiệu mang thai, nhưng test nhanh bằng que thử thai thì cho kết quả ngược lại.

Chuyện bắt đầu từ tháng 6.2011 - gần một năm sau lần sinh mổ thứ hai vào tháng 5.2010 - chị D. được nhân viên y tế của Đội Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) huyện đặt vòng tránh thai. Được vài tháng, chị D. bị ra máu âm đạo, đi khám, rồi tháo vòng. Ít lâu sau, chị D. đi siêu âm vẫn không thấy có dấu hiệu có thai nhưng kiểm tra test nhanh bằng nước tiểu thì lại dương tính. Một tuần theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị được các bác sĩ cho làm xét nghiệm và siêu âm, nhưng vẫn không xác định được.

Xuất viện về nhà, chị D. vẫn không yên tâm vì vẫn ra máu và đau hố chậu phải, thường bị hoa mắt, chóng mặt. Bán tín bán nghi, đầu năm nay, chị vào Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) kiểm tra, kết quả bác sĩ phải phẫu thuật cho chị vì… thai ngoài tử cung bên phải.

Có vòng, vẫn... “vỡ”

Ngoài những tai nạn trên, một số chị em sau khi đặt vòng vẫn “dính” bầu. Trường hợp của chị L.T.Q. (32 tuổi, ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) là một ví dụ.

Sau vài tháng sinh đứa thứ hai, chị Q. hớt hải đến nhân viên y tế thôn nhờ tư vấn vì có dấu hiệu “nghén” y chang hai đứa trước. Nhìn kết quả siêu âm của bệnh viện với vị trí túi ối nằm trong tử cung rất “đẹp” mà chị Q. rầu rĩ vì không biết phải xử trí ra sao.

Cách đây vài năm, chị Q. cũng từng “vỡ kế hoạch” vì vòng tránh thai. Đứa nhỏ nối tiếp đứa lớn, việc buôn bán của chị bấp bênh, còn chồng cũng chẳng có nghề nghiệp ổn định. Sinh cháu gái thứ hai, chị đi đặt vòng, cũng để tính chuyện làm ăn, tích cóp tiền bạc dành sửa lại ngôi nhà ván cũ kỹ. Trong suốt thời gian đặt vòng, chị thấy mọi thứ bình thường. Cho đến vài tháng sau, tự nhiên chị thấy mất kinh, chờ mãi đến 5 tuần sau vẫn không thấy có kinh trở lại. Lo mình có vấn đề gì đó trong tử cung nên chị đi khám thì lại cho kết quả như trên.

Trước đây, khi chưa có những kỹ thuật để phát hiện có thai sớm như que thử nhanh hay máy siêu âm thì những người bị “dính chưởng” ngay cả khi đã đặt vòng chỉ còn cách thuận theo. Bởi khi họ phát hiện ra mình có thai thì cũng là lúc cái thai đã hình thành đầy đủ và đã lớn.

Con gái đã 20 tuổi, chị N.T.V. (Quy Nhơn) mới “hú vía” kể lại chuyện sinh con ra còn nguyên “cái vòng” trên trán. Sinh con gái đầu, vợ chồng chị tính chuyện thủng thẳng để “nặn” con trai. Nhưng khoảng 1 năm sau khi đặt vòng, chị thấy mình béo lên. “Sau 3 tháng, cái bụng tôi cứ lớn lên kèm theo buồn nôn, thèm ăn vặt. Lần đó, chồng tôi “kiềng riềng” mãi. May con bé khỏe mạnh, ngoan ngoãn”- chị V. nhớ lại.

Gần 30 năm làm “ông dân số” của thôn Phụng Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), đến giờ ông Hồ Hữu Nghĩa vẫn nhớ nhất chuyện một “khách hàng” của mình bị “vỡ kế hoạch” sau khi đặt vòng. “Những năm trước, phong trào vận động chị em đặt vòng, sinh 2 con của xã mạnh lắm. Các chị ở Đội KHHGĐ cũng tư vấn biện pháp đặt vòng không thể chắc ăn 100%. Ngặt nỗi, ca thất bại ấy lại rơi đúng vợ của… một đồng chí lãnh đạo xã” - ông Nghĩa chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích khuyến cáo, tất cả các biện pháp tránh thai vẫn có tỉ lệ nhỏ xác suất thụ thai. Để tránh những tai nạn do vòng tránh thai gây ra, chị em nên thường xuyên đi khám, kiểm tra tình trạng, vị trí của vòng. Những phụ nữ mãn kinh thì nên tháo vòng, không nên để lâu trong cơ thể vì dễ gây viêm, biến chứng.

  • HIỀN LÊ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xí muội Trung Quốc có chất cực độc  (27/04/2012)
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tử vong do EV71  (26/04/2012)
Giao ban trực tuyến công tác VSATTP  (26/04/2012)
Trung Quốc: 1.700 người bị bắt vì đánh cắp dữ liệu cá nhân  (26/04/2012)
Miền Bắc, miền Trung nắng nóng 39 – 41°C   (26/04/2012)
Cần được quan tâm đúng mức  (25/04/2012)
Bệnh bò điên xuất hiện trở lại ở Mỹ  (25/04/2012)
Sẽ nhập 20.000 viên Triclabendazole 250 mg điều trị bệnh sán lá gan lớn  (24/04/2012)
Facebook trả 550 triệu USD tiền bản quyền cho Microsoft  (24/04/2012)
3 thai phụ tử vong: Bộ Y tế yêu cầu tìm nguyên nhân  (23/04/2012)
Còn 20 người đang điều trị bệnh dày sừng lòng bàn tay, bàn chân  (22/04/2012)
Bữa cơm cuối tuần  (22/04/2012)
Trần tình hai nửa   (22/04/2012)
Bí quyết mua hàng khuyến mãi  (21/04/2012)
Đôi mắt của mẹ  (20/04/2012)