Tay se cói, tay quay máy sợi... Đó là công việc dệt chiếu hàng ngày của nhiều chị em ở các thôn Chương Hòa, Gia An, Quy Thuận, xã Hoài Châu Bắc; thôn Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) và thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến (Phù Cát)… Đã bao đời nay, phụ nữ ở những vùng quê này gắn bó với nghề dệt chiếu truyền thống…
|
Vào tổ sản xuất chiếu, các chị em ở thôn Phú Hậu không chỉ khôi phục được làng nghề mà còn gắn bó với nhau như người thân. |
Nghề của phụ nữ
Chúng tôi về các xã Hoài Châu Bắc, Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), xã Cát Tiến (huyện Tuy Phước) trong những ngày sắp chuyển sang hè, trên các con đường quê đâu đâu cũng thấy bà con phơi lác (nguyên liệu dệt chiếu). Không khí hoạt động làng nghề rộn rã, hầu như nhà nào cũng có từ 1- 2 khung dệt. Phần lớn các công đoạn dệt chiếu muốn bền đẹp đều phải thực hiện bằng tay và lao động chủ yếu là phụ nữ. Mỗi ca dệt có hai người làm: Một người giữ bàn go bằng gỗ để dập sợi cói vào, còn người kia luồn cói, thỉnh thoảng nối lại sợi đay khi bị đứt... Chị Nguyễn Thị Ban làm nghề đã hơn 35 năm, cho biết: “Mỗi người dệt 3 đến 5 chiếc chiếu trong một ngày. Nếu ai chăm chỉ và quen tay hơn thì làm đến 7 chiếc. Muốn cho chiếu đẹp và bền thì phải dập bàn go đều, nhuyễn tay chiếu mới không bị tưa và bị thưa sau một thời gian ngắn sử dụng”.
Chị Ngô Thị Tám, Tổ trưởng phụ nữ thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến, tâm sự: “Nghề này vất vả lắm, ngày nào cũng tiếp xúc với máy quay, máy se cói, tất cả các khâu đều làm thủ công. Bởi chiếu mà làm bằng máy thì chỉ đều thôi chứ không đẹp và bền như làm bằng tay. Vì thế, chị em ở đây dù vất vả mấy cũng phải đảm bảo chất lượng cho sản phẩm”.
Mấy năm trước đây, “đầu ra” của sản phẩm chiếu còn khó khăn nên nhiều lao động phải rời quê kiếm kế sinh nhai bằng nghề khác. Nhưng từ khi có sự hỗ trợ của chính quyền, các cơ sở dệt chiếu ở Bình Định ngày càng có thị trường ổn định hơn trước. Đặc biệt, chiếu Bình Định có nhiều mẫu mã sáng tạo, hình ảnh mới lạ, phong phú hơn. Thợ trẻ Nguyễn Thanh Hồng (20 tuổi) ở thôn Quy Thuận, xã Hoài Châu Bắc, Hoài Nhơn, kể: “Cả nhà tôi ai cũng làm nghề dệt chiếu. Ngay khi 12 tuổi, bố mẹ đã khuyến khích tôi theo nghề. Nghề này làm cũng đơn giản chỉ cần chịu khó quan sát, học hỏi trong một thời gian ngắn là nắm bắt được...”.
Cả ngày ngồi dệt chiếu, khi nghỉ tay, bàn tay chị em nào cũng dính đầy cói lẫn màu nhuộm chiếu. Chị Hồ Thị Thương, thôn Phú Hậu, bảo: “Làm nghề dệt chiếu mà sạch sẽ, tươm tất quá thì không được xem là thợ giỏi, chăm chỉ đâu. Nghề gì cũng vậy, phải chăm chỉ, cần cù mới có sản phẩm tốt được”.
|
Nghề dệt chiếu ở xã Hoài Châu Bắc giúp nhiều chị em ở vùng quê này mưu sinh. |
Mưu sinh
Nghề trồng đay, dệt chiếu ở tỉnh ta dù qua bao thăng trầm nhưng luôn là niềm tự hào của các gia đình dệt chiếu vì trước hết nó giúp cho họ có việc làm, thu nhập. Chị Nguyễn Thị Ban, 44 tuổi, ở thôn Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc, tâm sự: “Ở đây, chị em không bao giờ rảnh tay. Ngoài công việc đồng áng, gia đình ra, chúng tôi lo dệt chiếu. Những hộ có sẵn ruộng trồng lác thì có nguồn thu cao hơn người làm gia công hoặc mua nguyên liệu các nơi về dệt. Mỗi ngày dệt được 2- 3 cặp chiếu, thu nhập khoảng 70 - 100 ngàn đồng. Nhờ đó, cuộc sống của chị em cũng đỡ vất vả, nuôi dạy con cái ăn học đến nơi đến chốn”. Hiện, thôn Công Thạnh có hơn 400 khung dệt thủ công và 13 máy dệt chiếu công nghiệp.
Khác với nhiều nghề truyền thống khác, nghề dệt chiếu chủ yếu do chị em phụ nữ thực hiện. Tại các thôn, tổ, chi hội phụ nữ tổ chức tập hợp các chị em lại làm nghề. Chị Nguyễn Thị Tánh, xóm 1, thôn Phú Hậu, cho biết: “Chiếu của tổ sản xuất chúng tôi dệt tới đâu, thương lái đến gom hàng đi tiêu thụ tới đó. Khi tham gia vào tổ sản xuất, chị em rất vui vì có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, góp công cùng nhau dệt chiếu. Nguồn thu nhập từ dệt chiếu giúp chị em ổn định cuộc sống và dành dụm được ít nhiều”. Từ những tổ dệt chiếu của các chi hội phụ nữ, chị em sống hòa đồng, giúp đỡ nhau nhiều hơn. Mỗi khi có chị em nào khó khăn, tổ sản xuất lại trích quỹ hoặc góp tiền để giúp đỡ hoặc cho vay mượn dùng làm vốn sản xuất, kinh doanh.
Dù chỉ quanh quẩn với những công việc đơn giản, tiếp xúc với đay cói thường xuyên nhưng với những phụ nữ làng chiếu mỗi ngày là một niềm vui khi tự tay mình miệt mài hoàn thành sản phẩm với suy nghĩ giản dị: “Nhờ dệt chiếu mới có công việc ổn định, góp phần nâng cao cuộc sống...”.
|