Nắng nóng bất thường, vượt ngưỡng lịch sử
10:49', 3/5/ 2012 (GMT+7)

Liên tục trong những ngày qua, trên khắp địa bàn các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã xảy ra tình trạng nắng nóng gay gắt với nhiệt độ phổ biến 39 - 40°C, có nơi trên 41 - 42°C. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn, các bệnh viện quá tải, vùng hạ lưu các sông lớn bị nhiễm mặn nặng…

Vào siêu thị tránh nóng

"Những đợt nắng đầu mùa như hiện nay không muộn hơn mọi năm; nhưng nắng nóng gay gắt như hiện nay là biểu hiện thời tiết bất thường, nhiều nơi vượt ngưỡng lịch sử". Đó là đánh giá của ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa - hạn dài, thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn T.Ư.

 

Theo ông Hòa, từ đầu tháng 4 đến nay, đã xảy ra 3 đợt nắng nóng. Với đợt nắng nóng đang diễn ra ở các tỉnh miền Bắc, một số nơi ghi nhận được vượt giá trị lịch sử trong chuỗi số liệu quan trắc được.

Chẳng hạn như Lào Cai: 39,50C (ngày 24.4) - lịch sử là 38,10C vào tháng 4.1931; Lạc Sơn: 40,70C (ngày 25.4) - lịch sử là 40,110C vào tháng 4.2005; Quỳ Châu: 42,00C (ngày 25.4); Quỳ Hợp: 41,40C (ngày 25.4); Tây Hiếu: 41,50C (ngày 25.4); Đô Lương: 40,00C (ngày 25.4), Cao Bằng: 40,00C (ngày 1.5); Minh Đài: 40,40C (ngày 1.5); Bảo Lạc: 40,30C (ngày 1.5)…

Ông Hòa cho biết: "Diễn biến nắng nóng gay gắt những năm gần đây có biểu hiện gia tăng. Chẳng hạn như mùa hè năm 2010, nắng nóng trên diện rộng và nhiệt độ cao nhất ở một số nơi Bắc Bộ lên tới trên 400C, ở vùng núi khu vực Bắc Trung Bộ còn lên tới trên 420C và vượt ngưỡng lịch sử. Trong năm nay, việc cơn bão số 1 xuất hiện vào cuối tháng 3 vừa qua là một biểu hiện không bình thường. Vì vậy, diễn biến thời tiết năm nay sẽ rất phức tạp".

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cũng nhận định: Nắng nóng gay gắt này còn diễn ra đến hết ngày 4.5 với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 37-390C, một số nơi vùng núi phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể lên đến trên 400C. Từ nay đến hết tháng 7.2012 tại các tỉnh miền Bắc còn có khả năng xảy ra khoảng 5-7 đợt nắng nóng trên diện rộng, mỗi đợt kéo dài từ 4-7 ngày, riêng khu vực miền Trung có khả năng có đợt trên 10 ngày.

Nắng nóng khắc nghiệt đang làm cho cuộc sống của người dân ở Hà Tĩnh bị đảo lộn hoàn toàn. Đặc biệt là đối với bà con nông dân phải thay đổi lịch đi làm đồng, làm cỏ, phun thuốc, lấy nước cho vụ lúa đông-xuân từ lúc 5 giờ đến 8 giờ sáng và 17 giờ đến 18 giờ 30 chiều để tránh bị cảm nắng.

Bãi biển, công viên, siêu thị… là những nơi người dân miền Trung chọn để trốn nắng nóng gay gắt trong những ngày qua. Tại Đà Nẵng, ngay từ giữa trưa, nhiệt độ trong nội thị lên đến gần 40°C, khiến người dân cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Nhiều nhà không có máy điều hòa đã chọn cách tránh nắng nóng ở các siêu thị như CoopMart, Metro, BigC…

Theo Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, bình quân mỗi ngày có đến hơn 30.000 người đến với các bãi biển của Đà Nẵng để tránh nắng, tắm, nghỉ ngơi. Bà Nà Hills cho hay, qua 4 ngày nghỉ, lượng khách lên tham quan ở điểm du lịch này hơn 35.000 lượt (tăng gần gấp đôi năm ngoái). 100 phòng khách sạn ở Bà Nà Hills trong tình trạng chật kín.

Trong khi đó, tại Thừa Thiên - Huế, nắng nóng còn gay gắt hơn. Người dân TP Huế và trung tâm thị xã Hương Trà và Hương Thủy lại nườm nượp đổ ra biển trốn nóng. Trên các bãi biển Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh... ngày nào cũng chật kín người.

Lượng người đổ ra biển hóng mát quá lớn, dịch vụ “ăn theo” như giữ xe, hàng quán và dịch vụ cho thuê phao bơi… mọc lên như nấm. Trong khi đó, hai bên bờ sông Hương cũng được người dân và sinh viên tận dụng tối đa để tránh cái nắng như thiêu như đốt.

Bệnh viện quá tải

Hiện 100% bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và trung ương tại Thừa Thiên - Huế đã quá tải. Nhiều khoa phòng điều trị các bệnh viêm đường hô hấp, ngoài da, tiêu chảy, sốt xuất huyết... tăng từ 40% - 50% so với tuần trước nên bệnh nhân phải nằm 2 người/giường.

Tại phòng khám khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế mới 8 giờ sáng 2-5 đã chật kín phụ huynh mang con đến khám và chữa bệnh. Trung bình mỗi ngày có 200 - 250 cháu được phụ huynh mang đến khám và chữa bệnh, trong đó có 30 - 40 cháu phải nhập viện điều trị nội trú, chủ yếu mắc bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng.

Bệnh viện Nhi Nghệ An từ ngày 28-4 đến 2-5, bệnh viện đã tiếp nhận trên 1.000 lượt trẻ em vào khám và điều trị, riêng trong ngày 2-5 đã tiếp nhận khám và điều trị cho 505 bệnh nhân. Đáng chú ý, trong thời gian này đã có 15 ca trẻ em bị mắc bệnh tay chân miệng đến điều trị. Bệnh viện này đã phải mở thêm một phòng khám nội, bố trí thêm một kíp trực từ 17 - 21 giờ tối để phục vụ các cháu.

Ngày 2-5, tại phòng khám của BV Đa khoa Đà Nẵng, hàng trăm người dân chen chúc vật vã trong cái nóng gay gắt, chờ tới lượt khám của mình. Bà Lê Thị Chức (70 tuổi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết: “Tôi bị khó thở mấy ngày nay, đăng ký khám bệnh từ 7 giờ hơn nhưng tới gần 11 giờ trưa vẫn chưa được khám vì số lượng người quá đông”. Do thời tiết nắng nóng trong những ngày gần đây mỗi ngày phòng khám tiếp nhận từ 1.000 - 1.500 người dân đến khám và điều trị, tăng gần 50% so với ngày thường.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Sản – Nhi Đà Nẵng, từ đầu mùa nắng đến nay, các buồng bệnh luôn trong tình trạng quá tải, cao điểm có ngày lên đến 600 - 800 bệnh nhi điều trị nội trú, những ngày bình thường dao động từ 350 - 400 trường hợp.

Tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận trong ngày 2-5, nhiệt độ ngoài trời cũng lên tới 40-410C. Thời tiết nắng nóng gay gắt ngay đầu mùa hè đã khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, đáng lo ngại nhất là số trẻ nhỏ và người già đổ bệnh do thời tiết tăng đột biến…

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngay đầu giờ sáng 2-5 đã đông nghịt trẻ nhỏ, thậm chí tuyến đường Đê La Thành dẫn vào bệnh viện cũng bị ùn tắc. Bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, ngày nào cũng có trên 1.100 trẻ tới khám và nhập viện, ngày 2-5 dự tính số trẻ tới bệnh viện khám phải lên tới 2.000, tăng gần 40% so với những ngày trước. Tại nhiều tỉnh phía Bắc khác, số trẻ đổ bệnh do nắng nóng được đưa lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám cũng tăng mạnh.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai và Khoa Nhi Bệnh viện Xanh Pôn, số trẻ nhập viện do thời tiết nắng nóng cũng tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Trung bình mỗi ngày Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai khám cho trên 200 lượt trẻ, có ngày đông lên đến trên 400 trẻ. Hiện tại, nhiều giường bệnh đã phải nằm ghép 2-3 cháu giường do số trẻ bệnh tăng đột biến.

Tại Bệnh viện Lão khoa quốc gia, số bệnh nhân cao tuổi đến khám và điều trị do thời tiết nắng nóng gây ra tăng mạnh. Trung bình vài ngày gần đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên 300 cụ tới khám, cấp cứu. Ngoài các loại bệnh thường gặp là tim mạch, tăng huyết áp, viêm phổi, tai biến mạch máu não và đặc biệt đã xuất hiện nhiều bệnh nhân bị say nắng.

Mặn xâm nhập

15 giờ ngày 2-5, lửa phát cháy ở tiểu khu 11, rừng đặc dụng Hải Vân thuộc quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Sau đó, lửa cháy lan sang tiểu khu 14 tạo thành một dãy lửa cao 10 m, dài khoảng 3 km, rộng 1 km trên đèo Hải Vân. Đám cháy lớn đến mức từ TP Đà Nẵng nhìn lên đèo Hải Vân, người ta có thể thấy một dải lửa sáng rực cả một góc trời.

Ngay khi nhận tin báo, hơn 500 chiến sĩ công an, kiểm lâm, dân quân cùng hàng trăm xe chữa cháy được huy động đến hiện trường dập lửa. Tuy nhiên, do đám cháy nằm sâu bên trong, cách Quốc lộ 1A khoảng 2 km nên nước không thể tiếp cận được. Đến 20 giờ ngày 2-5, đám cháy vẫn hoành hành dữ dội và việc chữa cháy gần như bất lực. Hiện tại, toàn bộ các lực lượng từ công an đến quân đội đang khẩn trương phát rừng, khoanh vùng đám cháy nhằm hạn chế cháy lan.

Nắng nóng cũng đã làm cho vùng hạ lưu ở hầu hết các con sông trên địa bàn miền Trung bị nhiễm mặn nặng. Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, cho rằng: Mới đầu mùa nắng, nhưng hiện nay nước mặn đã xâm nhập sâu vào sông Hàn, sông Yên với độ mặn đo được trên 5‰. Nếu tình hình tiếp tục trong vài ngày tới thì e rằng sẽ thiếu nước trầm trọng cho sản xuất vụ hè-thu sắp tới.

Tương tự, các trạm bơm ở Quảng Nam, như Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An cũng phải hoạt động cầm chừng vì nước mặn xâm nhập sâu.

Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, nên trong những ngày qua nước mặn đã xâm nhậm sâu vào vùng hạ lưu sông Hàn, sông Yên. Công ty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, lúc triều cường độ mặn đo được tại điểm lấy nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ lên đến 500mg/lít. Hiện Nhà máy nước Cầu Đỏ có 2 bể chứa với tổng dung tích 20.000m³. Lượng nước này chỉ đủ để cung cấp cho thành phố khoảng trong 3 giờ.

Ông Văn Mỹ, Trưởng phòng Điều độ cấp nước Đà Nẵng, cho biết trong ngày 2-5, Dawaco bắt đầu bơm khoảng 160.000m³ nước tại trạm bơm An Trạch để chuyển về bể nước thô Nhà máy nước Cầu Đỏ. Việc bơm nước từ An Trạch đã được triển khai sớm hơn kế hoạch dự kiến 10 ngày.

. Theo danviet.vn, NLĐO, SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
3 đơn vị tham gia   (02/05/2012)
Bắt đầu cuộc đua của các thương hiệu lớn  (02/05/2012)
Cần được quan tâm hơn  (02/05/2012)
Gmail thêm tính năng tự dịch văn bản, hỗ trợ tiếng Việt  (02/05/2012)
Đã xuất hiện 126 ổ dịch tay chân miệng  (01/05/2012)
Blouse trắng tình nguyện tháng 4…  (29/04/2012)
Những phụ nữ dệt chiếu  (28/04/2012)
Bi hài… vòng tránh thai  (27/04/2012)
Xí muội Trung Quốc có chất cực độc  (27/04/2012)
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tử vong do EV71  (26/04/2012)
Giao ban trực tuyến công tác VSATTP  (26/04/2012)
Trung Quốc: 1.700 người bị bắt vì đánh cắp dữ liệu cá nhân  (26/04/2012)
Miền Bắc, miền Trung nắng nóng 39 – 41°C   (26/04/2012)
Cần được quan tâm đúng mức  (25/04/2012)
Bệnh bò điên xuất hiện trở lại ở Mỹ  (25/04/2012)