Rượu vào lời ra, câu ấy sao mà đúng. Say về, bất cứ hoàn cảnh nào, con khóc, nồi thịt cháy khét, anh vẫn luôn là diễn giả. Mà khán thính giả chỉ là hai mẹ con chị. Anh nói hay ma men nói? Ma men lấn át cả bản năng làm cha, tình phụ tử ruột rà của anh, nó biến anh không ít lần thành người cha tắc trách.
Con bé không dưới một lần nằng nặc đòi “đổi ba”. Nó liệt kê rất nhiều “mô hình điểm” về người cha lý tưởng. Ba bạn Gia Hân, ba bạn Bích Phương, ba bạn Bình Nguyên… Những ưu điểm tưởng chừng rất đỗi bình thường: Ba các bạn đó có say hoài vậy đâu; ba các bạn ấy đón con sớm, đâu có quên con như ba mình đâu…
Mỗi buổi chiều anh quên đón con, chị lại nhận cuộc gọi từ cô giáo, rồi tất tả từ cơ quan đến nhà trẻ. Con gái ngồi đó, không thèm nhìn chiếc tivi đang chiếu cảnh mèo đuổi chuột trong phim “Tom và Jerry” ưa thích. Hai mắt con khắc khoải nhìn ra cửa, dáng nhỏ lẻ loi với dãy ghế con con dài để trống vì tụi bạn đã về hết. Chở con qua mấy dãy phố, hàng quán, nơi nào cũng đông đúc, nghe âm thanh cụng ly: “Dô! Dô!” là chị rùng mình!
Trong chị luôn có một ám ảnh, anh không về nhà một mình trong những cơn say. Từ quán nhậu bình dân, từ nhà hàng, luôn có người vô hình chui vào tổ ấm bé nhỏ cùng anh, điều khiển anh. Anh trở nên người chồng thô lỗ, lè nhè trong phát ngôn và cử chỉ; đơn giản hóa những lo âu, bất an và phóng đại những chuyện nhỏ nhặt. Không phải mình chị nghĩ vậy, thấy vậy. Chị Lan cuối hẻm, bác Cúc chị gái con bác họ chị, nhỏ Huệ cùng cơ quan… nhiều người, nhiều người nữa….
Ai là vợ, là mẹ có chồng làm bạn với ma men đều nghĩ thế. Ám ảnh về một người vô hình, một bóng ma chui tọt vào nhà cùng những cơn say của người chồng. Nhà chị không chỉ có ba người. Có một người vô hình chung sống cùng sau những buổi chén thù chén tạc của anh. Nó thao túng anh, làm anh dữ dằn, mụ mị.
Sau những mệt mỏi, chán ngán, chị vẫn không nguôi hy vọng, một ngày gần thôi, anh cắt đứt “quan hệ” với người vô hình kia, để gia đình chị lại là một mái ấm ngập tràn tiếng cười…
|