Vượt qua “dốc” trong hôn nhân
18:50', 5/5/ 2012 (GMT+7)

Giai đoạn đầu của hôn nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng vững chắc cho cuộc sống vợ chồng lâu dài. Tuy nhiên, đây cũng chính là giai đoạn các cặp đôi dễ rạn vỡ mà nguyên nhân là do thiếu kiến thức, sự chuẩn bị cần thiết cho cuộc sống gia đình.

Hai mặt của vấn đề

Việc chuyển từ cuộc sống tự do của giai đoạn yêu đương sang “đeo gông vào cổ” của hôn nhân để lại cho nhiều người những ấn tượng khác nhau bởi sự thay đổi trạng thái cuộc sống đột ngột. Có người thích ứng, “lướt” qua nhẹ tênh và cuộc sống vợ chồng ngày càng bền chặt; nhưng cũng có những người vật vã lắm mới qua được, và có cặp thì đứt gánh giữa đường.

Cưới nhau gần hai năm, con trai hơn một tuổi, vợ chồng chị Mỹ ly hôn. Hỏi nguyên nhân, chị nói: “Lấy chồng như vậy thà không có còn hơn. Nếu mình vừa phải nuôi một đứa con, vừa lo cho một đứa trẻ lớn trong nhà - là đức ông chồng - thì chỉ nên chọn một cho khỏe thân”. Còn chồng chị thì than thở với mẹ: “Con không chịu được cuộc sống tù túng, ngột ngạt bởi những chuyện vụn vặt nhưng lúc nào vợ con cũng muốn làm cho quan trọng lên. Thôi thì giải phóng cho nhau là tốt nhất”.

Chuyện của vợ chồng chị Mỹ chỉ là một trong số các câu chuyện của tình trạng “khủng hoảng hậu hôn nhân”. Kết hôn xong, một số người thấy người bạn đời của mình thay đổi một trời một vực so với hồi còn yêu đương. Một thành viên trên diễn đàn Webtretho tâm sự: “Tôi bước chập chững với cái tình yêu mộng mơ đầu đời vào ngưỡng cửa hôn nhân không một hoài nghi, cứ nghĩ nó sẽ như thời mình đang yêu đương. Thế rồi, tôi hoàn toàn vỡ mộng. Những ngày hạnh phúc khi mới cưới chỉ vỏn vẹn chưa được một năm. Những lúc đưa nhau đi chơi, những lời năn nỉ ngọt lịm hàng giờ không còn nữa, thay vào đó là cuộc sống, cơm gạo, giặt giũ, lau chùi, quét dọn, làm dâu...”. Chuyện của cô gái này là thế này: Chồng đi làm, vợ ở nhà lo bao chuyện gia đình; tối chồng hay đi nhậu, chẳng về sớm lo cho vợ con, đến khi về thì lăn ra ngủ nên vợ chồng chẳng chia sẻ được cùng nhau điều gì. Thế rồi, vợ tức mình ca cẩm suốt ngày; chồng càng nghe càng im lặng, càng âm thầm đi nhiều hơn, nhậu nhiều hơn và không còn thích phân trần với vợ như lúc yêu nhau nữa. Gia đình nhỏ ngày càng căng thẳng hơn vì chẳng ai buồn làm hòa với ai. Chiến tranh lạnh bắt đầu... Nhiều thành viên khác đã khuyên cô nên ở riêng để từng bước giải quyết vấn đề.

Cũng có người, khi vượt qua được giai đoạn khó khăn này, đã kể lại những chuyện “nhỏ như con thỏ”, nhưng lúc ấy, với họ nó đúng là vấn đề. Trâm - một cô gái xinh đẹp, nhân viên một hãng mỹ phẩm - cười kể lại: “Hồi mới cưới nhau, em ghét nhất là việc phải nấu cơm cho chồng ăn. Tự dưng đang tự do thoải mái, muốn ăn gì, quán nào tùy thích, giờ đến bữa phải đi chợ, nấu cơm cho người khác ăn! Có lúc, vợ chồng em cãi nhau to vì chuyện này. May mà em “tỉnh ngộ” kịp, không thì... “bèo dạt mây trôi” rồi!”.

Để hôn nhân bền vững

Thường những vấn đề các cặp đôi mới cưới gặp phải cũng tương đối giống những vấn đề chung của những vợ chồng khác như: Không hòa hợp, không cùng lý tưởng, mâu thuẫn nàng dâu và gia đình chồng, khó khăn tài chính... Tuy nhiên, nguyên nhân khiến các cặp này dễ tan vỡ hơn là bởi họ không chuẩn bị đủ kiến thức để ứng phó với các tình huống, để chăm sóc, giữ gìn cuộc sống gia đình.

Việc không lường trước được những mâu thuẫn, khó khăn và thay đổi có thể xảy ra khi về sống chung dưới một mái nhà đã khiến một số cặp vợ chồng không tìm ra cách giải quyết, từ đó, cảm thấy thất vọng, chán nản... Vậy đâu là chìa khóa cho vấn đề này?

Chị Hoài Anh - một nhân viên kế toán - cho biết: “Tôi và chồng yêu nhau khi cùng tham gia công tác xã hội. Chúng tôi không biết và cũng không thể màu mè cho tình yêu của mình. Chính vì hiểu nhau rõ cả điều tốt lẫn xấu nên khi về sống chung, chúng tôi thoải mái chứ không cảm thấy có gì bất ngờ về nhau”.

Tuy nhiên, tâm lý chung của những người yêu nhau thường không thế. Ai cũng muốn mình là tốt nhất, lý tưởng nhất trong mắt người yêu, nên che đi những khuyết điểm của mình. Vì vậy, để có thể vượt qua được giai đoạn đầu của hôn nhân, việc chuẩn bị tâm lý và kiến thức tốt về cuộc sống vợ chồng là rất quan trọng. Theo các chuyên gia tâm lý, mỗi người phải tự trang bị cho mình những kiến thức “tiền hôn nhân” như: Tâm lý của vợ, chồng; những mâu thuẫn thường thấy trong cuộc sống vợ chồng và cách xử lý; tình dục trong hôn nhân; cách ứng xử với bố mẹ hai bên; việc chuẩn bị chào đón đứa trẻ ra đời và cách nuôi dạy chúng… Trong đó, việc ý thức và coi trọng những giá trị trong hôn nhân như niềm tin, trách nhiệm, tôn trọng, chia sẻ là vô cùng quan trọng, nhằm duy trì hôn nhân bền vững. 

  • MINH KHƯƠNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người vô hình trong nhà  (04/05/2012)
“Hạnh phúc gia đình gắn liền trách nhiệm với cộng đồng”  (04/05/2012)
Nghiệm thu Dự án Xây dựng mô hình sản xuất mai sạch  (04/05/2012)
Microsoft bị cấm bán sản phẩm ở Đức  (03/05/2012)
Nắng nóng bất thường, vượt ngưỡng lịch sử  (03/05/2012)
3 đơn vị tham gia   (02/05/2012)
Bắt đầu cuộc đua của các thương hiệu lớn  (02/05/2012)
Cần được quan tâm hơn  (02/05/2012)
Gmail thêm tính năng tự dịch văn bản, hỗ trợ tiếng Việt  (02/05/2012)
Đã xuất hiện 126 ổ dịch tay chân miệng  (01/05/2012)
Blouse trắng tình nguyện tháng 4…  (29/04/2012)
Những phụ nữ dệt chiếu  (28/04/2012)
Bi hài… vòng tránh thai  (27/04/2012)
Xí muội Trung Quốc có chất cực độc  (27/04/2012)
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tử vong do EV71  (26/04/2012)