Chỉ trong 3 tháng đầu năm, cả tỉnh có 3.772 trẻ chào đời, tăng 580 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ 18%. Dự báo, số trẻ sinh ra sẽ tiếp tục cao hơn trong những tháng cuối năm.
Ngoại trừ huyện An Lão và huyện Phù Cát giảm thì 9/11 huyện, thị xã, thành phố còn lại đều tăng so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, cao nhất là các huyện: Hoài Ân tăng 21 trẻ, Hoài Nhơn tăng 16 trẻ, Phù Mỹ tăng 12 trẻ... Tỉ số giới tính khi sinh của tỉnh cũng đã tăng ở mức 116 bé trai/100 bé gái.
|
Khoa Sản của các cơ sở y tế trong tỉnh đã quá tải ngay những tháng đầu năm. |
Kiếm con “năm đẹp”
Tuy mới đầu năm nhưng các khoa sản ở nhiều bệnh viện, cơ sở khám phụ khoa, siêu âm... đã đông nghẹt người. Việc này đã khiến cho các bệnh viện rơi vào cảnh quá tải.
Tại khoa Phụ sản, Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn, mới hơn 7 giờ mà nhiều thai phụ đã đến bệnh viện để bốc số và ngồi chờ khám. Chị Thanh Trang (Quy Nhơn) than thở: “Tôi tranh thủ đi sớm để khám, nhưng mới sáng mà đã đông nghẹt bà bầu rồi. Mấy hôm trước đi siêu âm thai ở một phòng khám tư nhân trên đường Nguyễn Thái Học cũng chờ nửa buổi trời mới đến lượt”. Anh Thế Hùng (Tuy Phước) chia sẻ: “Một lần sinh một lần khó. Vợ chồng đều là công chức, lương bổng thấp nên dự tính chỉ sinh một đứa con thôi. Nghe nói năm nay tốt, 60 năm mới có chữ Nhâm một lần nên vợ chồng tôi cũng cố đẻ kiếm “rồng vàng” và cũng hạp tuổi với tôi nữa”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu, Phó trưởng khoa Phụ sản, Trung tâm Y tế Quy Nhơn, sau cơn sốt đua nhau sinh con năm “heo vàng” (Ðinh Hợi), “chuột bạch” (Mậu Tý)... thì năm 2012 này, với quan niệm “trai Nhâm, gái Quý”, nhiều cặp vợ chồng chủ động sinh đẻ mong có “quý tử” năm Nhâm Thìn. “Chưa biết chuyện sinh con “năm đẹp” có tốt cho đứa trẻ không, nhưng hệ lụy thì đã thấy trước mắt. Khoa đã cho ra viện sớm những ca bệnh nhẹ để ưu tiên giường bệnh cho sản phụ, nhưng nhiều trường hợp vẫn phải nằm giường xếp”.
Thống kê của khoa cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2012, khoa có 507 ca sinh thường và sinh mổ, tăng 126 trường hợp so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỉ lệ 133%. Số sản phụ đến sinh có xu hướng ngày càng tăng. Riêng, trong tháng 4 vừa qua, khoa đã có 178 ca sinh, tăng 60 trường hợp so với cùng kỳ. Như vậy trong 4 tháng đầu năm, số ca sinh tại khoa đã tăng thêm 57%. Và, chỉ 10 ngày đầu của tháng 5 đã có 53 ca sinh.
Các bác sĩ sản khoa cho biết, nhiều gia đình, đặc biệt là các cặp vợ chồng mới cưới đều tìm mọi cách để cho ra một “chú rồng con” trong năm nay. Ngay cả chuyện sinh con, một số sản phụ còn tính toán kỹ, rồi nhờ bác sĩ cho đẻ đúng vào… ngày, giờ tốt (?!). Có trường hợp sản phụ đến ngày sinh, có dấu hiệu vỡ ối, nhưng vẫn kiên quyết “khất” bác sĩ hai ngày sau đến đẻ cho đúng… “giờ đẹp” đã chọn.
|
Trong 4 tháng đầu năm, số ca sinh tại khoa Phụ sản, Trung tâm Y tế Quy Nhơn, tăng 157% so với cùng kỳ. |
Khó khống chế tỉ lệ sinh
Trong khi các cơ quan liên quan đang nỗ lực để hạn chế tỉ lệ sinh và tỉ số giới tính khi sinh thì vấn đề giảm tỉ lệ sinh trong năm Nhâm Thìn được nhìn nhận là một công việc đầy khó khăn.
Nhiều năm gần đây, người dân hay gắn chữ “vàng” vào các năm để cổ súy cho việc sinh con. Các chuyên gia dự báo số trẻ chào đời có thể còn tăng nhiều vào những tháng cuối năm. Đáng quan tâm hơn, với quan niệm năm Nhâm Thìn là năm “rồng vàng”, nhiều người dân đã ráo riết chạy đua để sinh cho được một quý tử. Việc chạy đua sinh con trong năm nay có thể để lại hệ quả không tốt cho thế hệ trẻ trong tương lai, tạo áp lực lên sự phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách an sinh xã hội… Chưa kể chênh lệch nam-nữ lớn khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), cho rằng theo xu hướng chung của cả nước, từ năm 2006 đến nay, Bình Định đang ở thời kỳ dân số vàng với nhóm người trong độ tuổi 15-19 đông nhất, tiếp theo là nhóm từ 20-24 tuổi. Nghĩa là bình quân cứ 2 phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ mới có 1 người bước ra khỏi độ tuổi này. Số người ở độ tuổi sinh đẻ nhiều thì tỉ lệ thuận là số trẻ được sinh ra tăng. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn đến năm 2015, gây áp lực không nhỏ cho công tác DS-KHHGĐ trong vấn đề giảm sinh, ổn định quy mô dân số, nhất là trong bối cảnh tỉnh ta dù có thời gian đã đạt được mức sinh thay thế nhưng chưa bền vững.
Ông Quang phân tích: “Với tình hình này thì mức giảm sinh cả năm 2012 chắc chắn không thể đạt chỉ tiêu 0,3%o do tỉnh đề ra. Đó là điều đáng lo. Song, xét về hiệu quả của công tác DS-KHHGĐ, tỉ lệ sinh con thứ 3 của toàn tỉnh là 14,6%, giảm 0,3% so với cùng kỳ 2011. Nếu từ nay đến cuối năm, tỉ lệ sinh con thứ 3 vẫn tiếp tục giảm thì chắc chắn tổng tỉ suất sinh của tỉnh sẽ giảm. Đây mới chính là thước đo chính xác nhất của giảm sinh”.
Ông Nguyễn Văn Quang cho biết thêm, không thể yêu cầu người dân hạn chế hoặc không sinh con vào năm này hay năm khác, vì đó là quyền của mỗi người. Vì thế, mục tiêu quan trọng của ngành dân số trong năm nay là triển khai nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là tuyên truyền, vận động để hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên và giãn thời gian giữa hai lần sinh.
|