Trong số các đối tượng khuyết tật vận động, người bị đột qụy và trẻ bại não là hai nhóm gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Giúp các đối tượng này cải thiện chức năng vận động là mục tiêu của hoạt động tập huấn kỹ năng phục hồi chức năng (PHCN) thuộc Dự án PHCN dựa vào cộng đồng.
|
Tập cử động tay cho người bị đột qụy.
|
Cơ hội mới
Cách đây gần 5 năm, trong một lần ra đồng tháo nước, ông Trần Văn Bưởi (62 tuổi, ở thôn Hiếu An, xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn) bỗng nhiên thấy mệt, khó thở, chân tay rã rời. May mắn cho ông, khi vừa nằm vật xuống vệ cỏ chừng một lát, ông đã được phát hiện và kịp thời đưa đi cấp cứu. Tuy vậy, cơn đột qụy đã khiến một lão nông như ông phải nằm liệt giường. Bà Hồ Thị Kim Hoa, vợ của ông Bưởi, than: “Dù đã uống đủ loại thuốc Tây thuốc Bắc, nhưng bệnh tình vẫn không khá hơn. Việc ăn uống, tắm giặt, vệ sinh hằng ngày của ông đều do một tay tôi lo hết”.
Trong khi đó, ông Giã Văn Minh, ở khối Vĩnh Liêm, phường Bình Định, lại bị đột qụy khi đang ngủ. Ông bị liệt nửa người, không nói được, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật. Bà Nguyễn Thị Mùa phải nghỉ làm, ở nhà hẳn để chăm chồng suốt 4 năm qua. Nhà nghèo, không mua bảo hiểm y tế, nên chi phí chữa trị cho ông mất cả trăm triệu đồng. Nhà khó càng thêm ngặt, người con trai phải nghỉ học từ năm lớp 10, ra Bắc làm nghề bán lốp ô tô. Người con gái chưa có việc làm ổn định.
Đó là 2 trường hợp người bị đột qụyđược tham gia lớp tập huấn kỹ năng PHCN được Ban Quản lý Dự án PHCN dựa vào cộng đồng tỉnh (do Cộng đồng châu Âu tài trợ, tổ chức AIFO thực hiện tại Bình Định trong giai đoạn 2011-2012) tổ chức tại thị xã An Nhơn ngày 11.5 vừa qua. Cùng với thị xã An Nhơn, hoạt động này cũng được tổ chức tại các huyện Tây Sơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và Hoài Ân.
Hoạt động tập huấn kéo dài từ ngày 7 đến ngày 21.5, mỗi lớp kéo dài 3 ngày. Trong ngày đầu, 15 tình nguyện viên ở cấp xã sẽ được trang bị kiến thức tổng quan về chương trình CBR; quản lý, theo dõi người khuyết tật; phỏng vấn và tìm hiểu nhu cầu người khuyết tật. Ngày thứ hai, các kỹ thuật viên của khoa PHCN (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) phụ trách việc hướng dẫn kỹ thuật phục hồi chức năng cho 15 người của gia đình có bệnh nhân bị đột qụy và 5 bệnh nhân bị đột qụy theo từng dạng tật khác nhau. Trong ngày thứ ba, đối tượng được hướng dẫn tập luyện là 15 người của gia đình có trẻ bại não và 15 trẻ bại não (do người nhà dẫn theo).
|
Hiệu quả của tập luyện PHCN phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của bệnh nhân và người nhà.
|
Cần sự kiên trì
Hoạt động tập huấn này hướng đến mục tiêu nâng cao kiến thức hiểu biết về PHCN dựa vào cộng đồng và kỹ năng PHCN cho người khuyết tật; nâng cao hiệu quả của tập luyện PHCN. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục xây dựng lực lượng tình nguyện viên và cộng tác viên tham gia chương trình PHCN dựa vào cộng đồng.
Theo chị Võ Thanh Hằng, kỹ thuật viên của khoa PHCN, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, với gia đình có người bị đột qụy, nhất thiết phải có một người bỏ thời gian hằng ngày để chăm sóc, tập luyện. Kỹ thuật tập luyện cho người bị đột qụy không quá phức tạp, nhưng đòi hỏi người tập phải thật kiên trì. Nhiều người sợ đau, vất vả nên không chịu tập, ảnh hưởng nhiều đến sự duy trì lực cơ, tầm hoạt động của khớp… Không ít trường hợp các bộ phận bình thường, nhưng do lười vận động nên bắt đầu có dấu hiệu bị liệt. Những người cố gắng tập có thể tiến bộ nhanh, hướng tới phục hồi những chức năng vận động cơ bản.
Tại các buổi tập huấn, các kỹ thuật viên đã tận tình hướng dẫn cho người nhà và người bị đột qụy những động tác tập luyện cơ bản. Các ngón tay của hai bàn tay đan vào nhau, đưa từ từ qua đầu rồi đưa lại ngang bụng - một động tác tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất khó khăn khi thực hiện đối với người đã lâu không cử động. “Khi tập cử động tay nhất thiết phải mở ngón cái ra. Khi chân bước đi, mắt phải nhìn thẳng để lấy lại cảm giác mình đang di chuyển tự nhiên…” là những lời căn dặn đầy bổ ích đối với người nhà và bản thân người bị đột qụy.
“Hiệu quả của việc tập luyện còn tùy thuộc vào mức độ duy trì của đối tượng. Đối với đối tượng trẻ bị bại não, việc tập luyện càng khó khăn, do các em bị liệt toàn thân, trí tuệ kém phát triển, phần lớn các em chưa từng nói và đi, chưa hình thành thói quen vận động. Do đó, các hoạt động tập luyện càng phải thực hiện thường xuyên hơn” - chị Hằng phân tích.
Thực tế cho thấy, các điều kiện tiếp cận với phương tiện và kỹ thuật tập luyện PHCN cho người đột qụy và trẻ bại não còn hạn chế. Ở khu vực thành thị, người thân của các đối tượng này thường quan tâm và có điều kiện hơn để thực hiện việc tập luyện thường xuyên. Còn ở khu vực nông thôn, nhân viên y tế chuyên ngành hiếm, ít điều kiện tập luyện, cộng với sự hiểu biết còn hạn chế, nên các đối tượng này rất ít được tập luyện.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi mở lớp tập huấn PHCN cho người nhà và người bị đột qụy, trẻ bại não. Nhận thấy nhu cầu thực tế của người dân còn rất lớn, nhất là ở khu vực nông thôn, nên thời gian đến, khi có điều kiện chúng tôi sẽ cố gắng nhân rộng ở nhiều địa phương khác. Hy vọng ngành Y tế sẽ tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trong hoạt động nhiều ý nghĩa này”- ông Phan Minh Tùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, chia sẻ.
|