Tha thứ, xét về góc độ thần kinh là một hành vi, xét trên khía cạnh tâm lý là diễn biến rất tích cực. Các chuyên gia tình yêu hôn nhân gia đình thường xuyên khuyến cáo nên tha thứ. Phân tích ở góc độ …đầu tư, tha thứ có suất đầu tư cực thấp nhưng lợi ích thu lại cực cao, nói cách khác hiệu quả kinh tế rất hấp dẫn. Phạm vi triển khai tha thứ rất rộng, gần như là vô tận. Hiềm một nỗi, thế nào là tha thứ và làm thế nào, khi nào thì có thể tha thứ lại là chuyện rất mực lằng nhằng.
1.
Thầy giáo dạy tôi năm lớp 5 - thầy Hà Vân Trình có cách xưng hô rất hay, bình thường thầy gọi chúng tôi là “các trò”. Nhưng khi cần nhắn nhủ một điều gì đó, hoặc khi xúc động, ông gọi chúng tôi là “các con”. Năm đó trước khi nghỉ Tết, bài diễn văn ngắn của thầy mở đầu bằng câu: “Các con yêu quí…” và kết thúc bằng câu “Hỡi các con, thầy nhờ các con gởi lời cầu chúc an khang tráng kiện đến cha mẹ các con, thầy thương yêu tất cả các con…”.
|
“Nỗi muộn phiền là hạt giống nhỏ của một cái cây to, đừng để nó nảy mầm và bắt rễ trong tâm hồn bạn!” |
Chiều hôm đó, không ít đứa trong lớp thút thít khóc vì xúc động.
Sau này khi nhớ lại năm học ấy tôi không thấy thầy tôi nóng giận bao giờ, ngay cả khi trách phạt thái độ của thầy nghiêm khắc nhưng từ hòa. Thầy thật sự yêu thương đám học trò nhỏ, sự bao dung của thầy luôn đi trước nên có lẽ chẳng bao giờ thầy phải tha thứ. Nói cách khác thầy đã tha thứ trước cho chúng tôi rồi. Đó là một người thầy kiểu xưa, giờ vô cùng quí hiếm, có sợt bằng Gu gồ thì kết quả cũng rất hạn chế. Tìm một người sẵn lòng bao dung như thế giờ e là phải đi tìm đến những bậc chân tu thượng thừa.
Tha thứ, nghe thì đơn giản nhưng thật ra không phải vậy. Nó không phải vậy vì cánh cửa tâm hồn chúng ta ít được tra dầu mở, dễ rỉ sét và ngay cả cố sức cũng chỉ he hé chút đỉnh.
2.
Tha thứ là gì nhỉ? Tha thứ là hành vi buông bỏ sự tức giận, ham muốn trả đũa, trả thù; là sự đoạn tuyệt với nỗi ấm ức, sự giận dữ đã phát sinh do một tác động từ ai đó gây ra với ta, làm ta tổn thương. Đỉnh cao của tha thứ là sự bao dung.
Nhưng tha thứ không có nghĩa là chấp nhận “tác động” kia, quên đi những hệ lụy. Tha thứ cũng không có nghĩa là người gây ra hậu quả sẽ không chịu trách nhiệm về việc mình gây ra. Ta có thể tha thứ người làm sai nhưng không phải vì thế mà chấp nhận cái sai trái. Nghe thì đơn giản nhưng vượt qua được cái hàng rào đã dựng lên trong tâm hồn khi bị tổn thương không dễ. Nó vô hình và có thể len lỏi đến tận những góc khuất trong tâm hồn bạn, chi phối hành vi của bạn.
Không có qui tắc nào có thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp tha thứ. Nhưng điều đầu tiên bất cứ ai cũng nên thực hiện ấy là – ta tha thứ trước tiên là vì tâm hồn ta không nên vì những chuyện như thế mà vẩn đục, bị trói buộc. Hay nói như một người bạn thân của kẻ viết bài này là “đầu óc con người chứ có phải là sọt rác đâu mà bạ chuyện gì cũng có thể nhét vào”. Nghe có vẻ bặm trợn và hoạt kê thái quá nhưng quả thật, chúng ta phải giữ gìn sự thanh sạch của thần kinh chứ? Nhất là giữa thời đại có quá nhiều nguy cơ xì trét thì lại càng nên nhanh chóng thanh lọc vậy.
3.
Bởi tác động có thể khiến ta tổn thương là một người (thỉnh thoảng cũng có một nhóm nhưng suy cho cùng thì đó cũng chỉ là tập hợp của nhiều cá thể) nên những tổn thương của kẻ ở xa xa gây ra dẫu sao cũng không nặng và thường cũng dễ thanh tẩy. Khi hai chữ “thứ tha” xuất hiện trong bạn thì phần đông “kẻ kia” rất gần với bạn rồi đấy.
Sẽ là một sai lầm nếu bỏ qua lỗi lầm. Làm như thế lỗi lầm sẽ lặp lại, thậm chí với mức độ xấu hơn. Thường thì bạn sẽ chờ một lời xin lỗi, một cử chỉ dàn hòa, một động tác thân thiện hoặc đơn giản hơn – một nụ cười. Tại sao phải thế? Có thể bạn đã sai mà cứ nghĩ kẻ khác sai. Có thể kẻ sai vô tình không hề biết rằng họ đã làm bạn phiền lòng. Tại sao ta cứ làm khổ mình khi mang trong lòng nỗi muộn phiền? Tại sao cứ phải chờ đợi khi mà ta có thể chủ động?
Khi đợi chờ dấu hiệu tích cực từ phía bên kia nghĩa là trong thâm tâm bạn đã sẵn sàng tha thứ. Bằng việc đợi chờ bạn đã giao sự bằng an trong tâm hồn mình cho người khác nắm giữ, chi phối. Nuôi giữ nỗi oán hận trong lòng là tự mình mang thêm một gánh nặng đấy. Nói ra trước hoặc nói lên lời xin lỗi có thể khó khăn ở lần đầu tiên, hoặc một hai lần càng về sau càng dễ nói hơn. Tha thứ cho người khác cũng là tha thứ cho chính mình. Và sự chân thành khi tha thứ sẽ giúp bạn thanh thản hơn, trưởng thành hơn. Đó là thu hoạch lớn nhất khi ta tha thứ.
Nỗi muộn phiền là hạt giống nhỏ của một cái cây to, đừng để nó nảy mầm và bắt rễ trong tâm hồn bạn!
4.
Rất nhiều người có thể nhanh chóng tha thứ cho kẻ khác nhưng lại vật vã với lỗi lầm của chính mình. Tha thứ cho chính mình khó hơn tha thứ cho kẻ khác. Lỗi lầm tự thân của ta thường gây nên nỗi ân hận, hối hận khôn nguôi.
Buông thả cho kẻ khác bạn có rất nhiều chỗ dựa, có rất nhiều cơ sở. Nhưng với chính mình đôi khi con người ta trở nên nghiêm khắc hơn, thậm chí trong một vài trường hợp còn là hà khắc. Ân hận hiểu nôm na là tự biết lỗi lầm của mình rất sâu, sâu đến mức đôi khi khiến chính ta chết chìm trong đó. Hối hận mà đến mức không thôi dằn dằn vặt là nhìn lại, nhìn mãi mà không thấy được tấm lưng của mình.
Tự mình, đứng bên ngoài mình, nhìn lại và phán xét chính mình và động tác mà Thiền tông hay gọi là “bản lai diện mục”. Nhưng như thế không có nghĩa là mua thừng tự trói thân ta. Làm như thế chẳng những vĩnh viễn không bao giờ có thể giải thoát mà còn gây ra tội lỗi với chính mình. Hãy chậm rãi, cởi ra từng gút thắt một, chỉ có như thế bạn mới giải thoát được cho chính mình khỏi nỗi ray rứt.
Đừng dại dột hy vọng rằng bằng vào việc tha thứ, nỗi buồn đau sẽ tan biến hoàn toàn. Thật ra nó nằm ngủ khuất lấp đâu đó trong tâm hồn bạn mà thôi. Thế nên không chỉ tha thứ mà chính ta đôi khi còn phải tự mình thể hiện sự chân thành nhiều lần sau đó để làm nhạt phai nỗi cay đắng ấy. Chỉ có thế và cùng với thời gian, sự trưởng thành sẽ làm lên men tổn thương để biến “vết sẹo” kia thành kỉ niệm ngọt ngào.
|