Dù việc sinh con muộn sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ không tốt cho cả mẹ lẫn con nhưng vì nhiều lý do, một số phụ nữ vẫn sinh con khi ở độ tuổi 35-40. Việc sinh đẻ và nuôi dạy những đứa trẻ khi người mẹ đã ở tuổi trung niên cũng có đầy những cung bậc và có phần “đậm đà” hơn những người mẹ trẻ.
“Úm” kỹ
Nếu nhìn vào mặt tích cực của việc sinh con muộn thì một trong số đó là các bé có điều kiện để phát triển tốt hơn, bởi được cha mẹ dành nhiều thời gian và quan tâm hơn. Tuy nhiên, việc cha mẹ dồn hết tâm trí vào đứa con mà họ mong đợi từ lâu cũng có thể dẫn đến những cách ứng xử mang lại tác dụng ngược.
Con gái lớn đã 12 tuổi, chờ mãi, vợ chồng chị Diệp mới “nặn” ra được thằng cu nên cả nhà mừng rơn. Thằng bé trắng trẻo, bụ bẫm càng làm cho tình thương và sự tự hào dâng trào trong chị mỗi khi nghe ai đó khen con mình. Sợ con ốm đau, chị Diệp giữ bé thật kỹ, nên chân tay, mặt mũi thằng bé lúc nào cũng sạch sẽ, thơm tho. Thằng bé chỉ có thể chơi trên giường hay được người lớn ẵm, tuyệt nhiên không có cơ hội được thò chân xuống đất, đừng nói đến việc ra vườn, ra ngõ chơi. Hễ người bé lỡ dính chút đất, chút bụi, chị Diệp xuýt xoa y như con bị bệnh. Nhiều người góp ý nên cho bé tiếp xúc nhiều với môi trường xung quanh để tăng sức đề kháng, nhưng chị Diệp vẫn giữ quan điểm: môi trường ngày càng ô nhiễm, có hại cho trẻ con.
Không chỉ cưng con theo kiểu “úm” kỹ, chị Diệp còn biểu hiện tình thương với con theo cách rất khác người. Khi bé phát triển các chức năng vận động, sang nhà ngoại chơi, bé lấy tay đập đập vào người ông ngoại, chị Diệp nựng và cổ vũ con: “Đánh ông ngoại đi! Đánh ông ngoại đi con!”. Những người chứng kiến vừa ngạc nhiên vừa buồn cười trước kiểu cưng con không giống ai của chị Diệp.
Ngoài việc “ủ” con quá kỹ, những phụ nữ có con muộn cũng có những biểu hiện lo lắng, chăm bẵm con quá mức cần thiết. Trường hợp chị Dung là một ví dụ. Sau khi con trai đầu đã 10 tuổi và bản thân đã ngấp nghé tuổi 40, chị Dung quyết định thay đổi ý định chỉ sinh một con, bởi lúc này kinh tế gia đình chị vững vàng hơn và nhất là vợ chồng chị nhìn thấy những rủi ro trong cuộc sống khi chỉ có một đứa con. Ba tuổi, cậu con trai thứ hai của chị Dung được mẹ cho học trường mầm non tư thục chất lượng cao, học phí cao gấp ba lần trường thường. Không chỉ vậy, chị đã bắt đầu dò hỏi trường tiểu học xem cô giáo lớp một nào dạy tốt, nhiệt tình để năm tới cho con đi học thêm trước, dù còn đến ba năm nữa, con chị mới vào lớp một!
Hiểu hoàn cảnh để chủ động
Có nhiều lý do khiến một số phụ nữ sinh con khi đã ở tuổi 35-40, thậm chí 45 tuổi. Có người chờ cho sự nghiệp, kinh tế ổn định, rồi mới lập gia đình có con. Có người vì hiếm muộn nên chậm trễ đường con cái; cũng có người quyết định làm mẹ đơn thân khi tuổi đã “cứng” mà vẫn lẻ bóng... Dù phụ nữ từ 35 tuổi trở lên có một số nguy cơ như khó có thai, dễ bị sảy thai, sinh non, mẹ mắc bệnh tim mạch… nhưng điều đó không làm chùn lòng những phụ nữ mà bản năng làm mẹ luôn cháy bỏng.
Nghiên cứu khoa học và thực tế cho thấy, việc sinh muộn có ảnh hưởng nhất định đến việc sinh nở cũng như đặc điểm tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ về sau. Chị Vân kể lại chuyện cũ của mình với nhiều cảm xúc: Chị sinh đứa con thứ ba vì “vỡ kế hoạch”, khi con gái lớn đã học lớp 11 và chị thì trên 40 tuổi. Cô con gái của chị xấu hổ, chẳng dám hé với bạn bè chuyện mình có em mới sinh. Nó xấu hổ đến nỗi hay cáu gắt với mẹ và trong thời gian đầu, rất thờ ơ với em. Còn chị thì không khỏi bối rối với những câu hỏi thường gặp: “Là con hay cháu ngoại chị vậy?”. Bây giờ, khi con út đang ở tuổi dậy thì, chị Vân không giấu giếm rằng chị khó gần gũi với con được, bởi rào cản khoảng cách thế hệ.
Tuy vậy, cũng có những trường hợp mẹ già - con muộn nhưng biết khai thác được ưu điểm của hoàn cảnh nên cuộc sống rất thoải mái. 38 tuổi, xác định sẽ sống độc thân, chị Thùy quyết định làm mẹ đơn thân. Công việc ổn định, thu nhập khá, tâm lý vững vàng trước mọi “lời ra tiếng vào” nên chị Thùy sinh con và nuôi con rất nhẹ nhàng. Chị chuẩn bị cho mình đầy đủ những kiến thức về sinh đẻ và nuôi con khi không có người đàn ông bên cạnh. Nhu cầu có một người tâm giao đã hướng chị đến cách dạy dỗ con là, khi con bắt đầu có suy nghĩ, chị ứng xử với con như với một người bạn. Hai mẹ con có thể cùng nhau đi mua sắm, ăn kem, cà phê, nói chuyện về bạn bè của con rất hợp “gu”. Chị Thùy bảo, chị hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.
Có thể là chủ động lựa chọn, nhưng cũng có thể do hoàn cảnh đưa đẩy, nhiều phụ nữ sinh con khi đã lớn tuổi. Về góc độ khoa học, lứa tuổi trên 35 là không tốt cho việc sinh nở. Tuy nhiên, nếu biết khai thác tốt những ưu điểm của hoàn cảnh mình như: chín chắn, hiểu biết hơn trong suy nghĩ, cuộc sống, ổn định về sự nghiệp, kinh tế, dành ưu tiên số một cho con cái... thì chị em sẽ hạn chế được bất lợi của đặc thù hoàn cảnh.
|